Cách chống dịch mà Mỹ phớt lờ lại giúp Việt Nam khống chế COVID-19
Ngay cả trước khi Việt Nam xác nhận ca bệnh đầu tiên vào cuối tháng 1/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Chính phủ triển khai một kế hoạch có từ năm 2014.
Kế hoạch trên do Việt Nam phối hợp với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cùng các tổ chức khác phát triển trong khuôn khổ một dự án an ninh y tế toàn cầu do US-AID tài trợ.
Nhờ nghiêm chỉnh tuân thủ kế hoạch trên, Việt Nam đã thành công trong ngăn chặn COVID-19 và dập tắt các cụm dịch trong mùa xuân năm nay.
Khi các ca bệnh mới xuất hiện trở lại vào cuối tháng 7 sau 99 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng hành động theo kế hoạch hiệu quả trước đây.
Việt Nam đã đưa khoảng 80.000 khách du lịch rời Đà Nẵng; khoanh vùng và tiến hành xét nghiệm cho hàng chục nghìn người tại các cụm dịch; áp dụng lệnh cách li xã hội đối với thành phố Đà Nẵng và Hội An; cấm tụ tập đông người và hạn chế các hoạt động không thiết yếu; và siết chặt kiểm soát người nhập cảnh trái phép.
PGS. TS. Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng (Bộ Y tế), cho hay: "CDC đã hợp tác và giúp Việt Nam xây dựng một kế hoạch gồm các bước cần làm để chống lại dịch bệnh".
"Chính phủ Việt Nam hiện đang rất quan ngại về đợt lây nhiễm mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với CDC và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về vấn đề này", PGS. TS. Trần Đắc Phu nói tiếp.
Chìa khóa thành công của Việt Nam cho đến nay chính là khả năng hành động nhanh chóng để xét nghiệm, cách li người bệnh, tích cực kiểm tra lịch sử dịch tễ và cách li bắt buộc 14 ngày các đối tượng tiếp xúc với ca dương tính.
Tiến sĩ Matthew Moore - Giám đốc Chương trình An toàn Y tế Toàn cầu (GHSP) của CDC tại Việt Nam, cũng cho biết chính phủ cũng cần phải tuyên truyền nhất quán và thông tin minh bạch cho người dân.
GHSP đã có mặt tại Việt Nam 20 năm và hình thành một đội ngũ 58 thành viên, trong đó có 8 chuyên gia người Mỹ.
Theo Bloomberg, GHSP đang làm việc với chính phủ Việt Nam về qui trình xét nghiệm, hướng dẫn để ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19 tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe và đào tạo về dịch tễ học.
"Việt Nam đã nhiều lần dập tắt thành công các chuỗi lây nhiễm", Tiến sĩ Moore nhấn mạnh.
Tiềm lực kinh tế kém Mỹ nhưng Việt Nam vẫn bật lên
Việt Nam - một đất nước 96 triệu dân với GDP bình quân đầu người là 2.715 USD vào năm ngoái, có thể kiểm soát đại dịch COVID-19 là nhờ vào chiến lược chống dịch tập trung cao độ của chính phủ và sự đồng lòng của người dân cả nước sau nhiều dịch bệnh trong quá khứ.
Trong khi đó, Mỹ với GDP bình quân đầu người là 65.280 USD vào năm 2019, lại đang là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19.
Thành công của Việt Nam được ca ngợi trên toàn cầu. Trái lại, Mỹ đã xác nhận hơn 4,4 triệu ca dương tính và hơn 150.000 ca tử vong vì COVID-19 trong khi Tổng thống Trump liên tục hạ thấp mối nguy hiểm của đại dịch.
Thay vì nghe theo lời khuyên của chuyên gia, hồi tháng 7, ông chủ Nhà Trắng đã đăng tweet cáo buộc CDC dối trá về virus SARS-CoV-2.
Bloomberg đã chỉ ra một số điểm khác biệt lớn giữa cách Việt Nam và Mỹ xử lí cuộc khủng hoảng y tế hiện tại. Chỉ trong vài tuần kể từ các ca xác nhận nhiễm đầu tiên vào tháng 1, chính phủ Việt Nam đã ra lệnh đóng cửa trường học trên cả nước.
Trong khi đó, chính quyền ông Trump hiện còn đang phản đối việc đóng cửa trường học và thậm chí đe dọa rút tài trợ liên bang đối với các trường không kêu gọi học sinh đi học lại.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhanh chóng triển khai xét nghiệm đối với bất kì ai nghi nhiễm, trong khi Mỹ tiếp tục đối mặt với nhiều thiếu hụt trong chương trình xét nghiệm.
Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã phong tỏa ba bệnh viện nơi các ca bệnh mới xuất hiện, đồng thời yêu cầu khoảng 6.018 bệnh nhân, người nhà, nhân viên y tế,...tự cách li 14 ngày. Khoảng 3.607 người khác cũng đang cách li tại các cơ sở tập trung, trung tâm y tế và nhà riêng.
Việt Nam có một số lợi thế lớn mà Mỹ không có trong quá trình chống dịch. Việt Nam sở hữu nền văn hóa tập thể, và các biện pháp cứng rắn của chính phủ, chẳng hạn như cách li xã hội, đều nhận được sự nhất trí hợp tác từ người dân.
Tuy nhiên, một khía cạnh mà Việt Nam vượt trội hẳn so với Mỹ là thông điệp nhất quán mà chính phủ gửi đến công chúng, Tiến sĩ Todd Pollack - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Chương trình vì sự phát triển y tế Việt Nam của Đại học Harvard cho hay.
Chiến lược truyền thông của chính phủ Việt Nam bao gồm bố trí áp phích trong khu dân cư và văn phòng, nhắn tin điện thoại, phát triển ứng dụng giúp theo dõi các ca bệnh, thường xuyên cập nhật tin tức trên trang web Bộ Y tế và thậm chí là phát hành bài hát khuyến khích người dân rửa tay và giãn cách xã hội.
Ngoài ra, kinh nghiệm chống lại các dịch bệnh trong quá khứ cũng giúp ích nhiều cho Việt Nam, chẳng hạn dịch SARS năm 2003 đã giết chết 5 người ở Việt Nam, trong khi dịch cúm gia cầm khiến 52 người tử vong trong giai đoạn 2004 - 2008.
#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.
#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.
Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.
Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.