Bệnh nhân COVID-19 số 428 tử vong vì nhồi máu cơ tim trên nền bệnh lí nặng
Theo thông tin từ Sức khoẻ & Đời sống, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã ghi nhận về trường hợp bệnh nhân 428, nam, 70 tuổi, ở tại Phường Minh An, TP. Hội An, Quảng Nam tử vong trong ngày 31/7.
Bệnh nhân 428 là nam, 70 tuổi, có tiền sử suy thận mạn, đã chạy thận nhân tạo 2 lần/tuần trên 10 năm, tăng HA - suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Ngày 9/7/2020, bệnh nhân thấy tức ngực, mệt, nên nhập viện tại Bệnh viện Đà Nẵng với chẩn đoán: Bệnh thận giai đoạn cuối / Thận nhân tạo / Tăng huyết áp / Bệnh tim thiếu máu cục bộ / Suy tim giai đoạn cuối/ Viêm phổi.
Bệnh nhân được nhập viện điều trị tại khoa Nội – Tiết niệu. Ngày 26/7/2020, bệnh nhân được xét nghiệm dịch hầu họng cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Vào 5h30 ngày 30/7, bệnh nhân xuất hiện suy hô hấp tiến hành đặt ống nội khí quản, thở máy VCV, được tiến hành lọc máu tĩnh mạch – tĩnh mạch liên tục.
7h30 ngày 30/7, bệnh nhân xuất hiện nhịp tim rời rạc chậm dần, xuất hiện ngừng tim, tiến hành cấp cứu ngừng tim 5 phút có tim trở lại. Bệnh nhân được điều trị lọc máu tĩnh mạch liên tục.
21h45 ngày 30/7, bệnh nhân được vận chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế, trên đường vận chuyển mang theo monitor theo dõi và các thiết bị hồi sức cấp cứu đầy đủ.
0h25 ngày 31/7, bệnh nhân nhập Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng rất nặng, tiên lượng tử vong rất cao.
Sau đó 5 phút, bệnh nhân xuất hiện nhịp tim chậm được cấp cứu và chỉ định thở máy tại ICU. Sau 5 phút mất mạch, được cấp cứu hồi sức thì mạch xuất hiện và huyết áp tăng trở lại 190 – 200 mmHg, 30 phút sau huyết áp xuống 140 – 110/70 mmHg.
Rạng sáng ngày 31/7 bệnh nhân xuất hiện ngừng tim, được cấp cứu tại chỗ, nhưng đã tử vong lúc 5h30 ngày 31/7.
Nguyên nhân tử vong được xác định là nhồi máu cơ tim trên bệnh nhân có bệnh lý nền tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim, suy thận mạn giai đoạn cuối, biến chứng: suy hô hấp do suy tim và COVID-19
Trước đó, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế trang Sức khoẻ & Đời sống, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, nhiều bệnh nhân COVID-19 trong giai đoạn này diễn biến nặng, tăng nặng, đặc biệt là diễn biến nguy kịch rất nhanh.
Tính đến sáng 31/7, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, đã có những bệnh nhân sau diễn tiến nặng, tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao: BN 416, BN 418, BN 431, BN 436, BN 437, BN 438…
Ngoài ra, một số bệnh nhân có tiến triển nặng lên như BN 429, BN 426, BN 427, BN 430, BN 422, BN 433... Phần lớn bệnh nhân nặng trong số này đề là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền đi kèm.
Thông tin tới báo chí cuối giờ sáng 31/7, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, khi mắc COVID-19, nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn biến tăng nặng sẽ tập trung vào nhóm người cao tuổi (trên 60 tuổi), có bệnh lý nền (tiểu đường, cao huyết áp, suy thận mãn, lọc máu chu kỳ, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính…) hoặc có cơ địa, thể trạng béo phì, suy kiệt…
"Những yếu tố này sẽ dễ dẫn đến nguy cơ tăng nặng khi nhiễm COVID-19", PGS.TS Nguyễn Trường Sơn nói.
Đà Nẵng là ổ dịch lớn nhất cả nước hiện nay với số lượng ca nhiễm trong cộng đồng tăng lên nhanh chóng, riêng trong sáng nay, Bộ Y tế đã công bố 45 ca nhiễm mới tại Đà Nẵng.
Tại 5 tỉnh, thành phố khác trên cả nước ghi nhận 13 trường hợp mắc COVID-19, gồm 7 ca tại Quảng Nam; 1 ca tại Quảng Ngãi; 2 ca tại TP HCM; 2 ca tại Hà Nội; 1 ca tại Đắk Lắk. Tất cả các trường hợp này đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh tại Đà Nẵng.