|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

UNCTAD: Việt Nam là nền kinh tế hiếm hoi có xuất khẩu tăng trong quí III

19:08 | 21/10/2020
Chia sẻ
Một nghiên cứu mới đã xác nhận tác động phân cực mà đại dịch COVID-19 gây ra đối với quá trình phục hồi thương mại toàn cầu, trong đó các nền kinh tế châu Á như Trung Quốc và Việt Nam vượt trội hẳn so với kinh tế phương Tây.

Bộ tứ nổi bật: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ

Theo nghiên cứu của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam là các nền kinh tế thương mại lớn phục hồi mạnh mẽ và ghi nhận tăng trưởng GDP khả quan trong quí III năm nay.

Theo South China Morning Post (SCMP), Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam sử dụng chiến thuật cụ thể khác nhau nhưng có điểm chung là cả ba đều kiểm soát được đại dịch COVD-19 từ rất sớm.

Việt Nam chỉ báo cáo tổng cộng 1.141 ca dương tính và 35 trường hợp tử vong do COVID-19. Trong quí III/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 10,9% so với cùng kì năm trước, cũng là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Dù là quốc gia đầu tiên bùng phát đại dịch, Trung Quốc hiện chỉ còn 247 ca dương tính và tốc độ lây lan dịch bệnh đã chững lại đáng kể nhờ các lệnh phong tỏa qui mô lớn từ đầu năm đến nay. Tổng cộng, Trung Quốc có khoảng 85.715 ca nhiễm và 4.634 ca tử vong. Trong quí III năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 8,8% so với cùng kì năm ngoái.

Tại Đài Loan, xuất khẩu tăng 6,4% trong quí III so với cùng kì năm 2019. Đài Loan chỉ báo cáo tổng cộng 543 ca nhiễm và 7 ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát và không ghi nhận trường hợp nhiễm mới nào trong hơn 6 tháng gần đây.

Ngoài bộ ba Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế duy nhất trong nghiên cứu của UNCTAD cho thấy xuất khẩu phục hồi, mặc dù con số khá khiêm tốn là 0,7%.

Nền kinh tế                                                                                                Mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu quí III/2020 (đvt: %)

Việt Nam

10,9
Đài Loan8,8
Trung Quốc6,4
Thổ Nhĩ Kỳ0,7

Hong Kong*

-0,2

Malaysia*

-0,8

Pakistan

-1,2

Chile

-2

Thụy sĩ*

-2,6

Hàn Quốc

-3,2

Mexico*

-4,3

Tunisia

-4,4

Singapore*

-4,6

Morocco*

-5

Thái Lan*

-5,1

Nam Phi*

-6

Ấn Độ

-6,1

Indonesia

-6,8

Brazil

-7,7

Argentina*

-7,9
Philippines*-8,7
Canada*-9,1

Anh*

-9,7
Liên minh châu Âu*-9,9
Peru*-10,2
Australia*-10,6
Mỹ*-11,5
Nhật Bản-11,6
Columbia*-13,3
Nga*-19

Nguồn: UNCTAD (* là dự đoán)

Ngược lại, nhiều nền kinh tế khác vẫn đang chứng kiến số lượng lớn ca bệnh mới và không thể khởi động lại hoạt động thương mại. So với cùng kì năm trước, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) giảm khoảng 9,7% - 11,6% trong quí III/2020.

"Trong quí II năm nay, không khu vực nào thoát khỏi tình cảnh sụt giảm về hoạt động thương mại, nhưng giảm mạnh nhất là ở khu vực Tây Á và Nam Á, nơi nhập khẩu sụt 35% và xuất khẩu mất 41%", nhóm nhà kinh tế của UNCTAD cho hay.

"Kể từ tháng 7, đà sụt giảm thương mại tiếp tục ở hầu hết các khu vực, ngoại trừ Đông Á", UNCTAD nói, đồng thời nhấn mạnh quá trình phục hồi đáng chú ý của Trung Quốc trong vài tháng trở lại đây.

Các nhà kinh tế của UNCTAD cũng nhận thấy khác biệt lớn về khả năng phục hồi kinh tế và tiếp cận vật tư y tế giữa các nước giàu và nghèo hơn.

Trong khi kim ngạch xuất khẩu tháng 7 của các nước đang phát triển giảm 6% so với cùng kì năm ngoái, các nước phát triển lại ghi nhận mức giảm 22%. Điều này cho thấy bản chất cấu trúc của chuỗi cung ứng, khi các nước nghèo thường sản xuất các mặt hàng được tiêu thụ nhiều ở các nước giàu.

Tuy nhiên, tính theo đầu người thì các nước giàu lại có cơ hội tiếp cận vật tư y tế thiết yếu cao gấp 100 lần so nhóm nước đang phát triển, dù hoạt động thương mại của các nước giàu vẫn ngưng trệ.

Nhóm nhà phân tích của UNCTAD viết: "Dù có thể lường trước rằng mức tăng nhập khẩu bình quân đầu người của các nước giàu đối với vật tư y tế sẽ cao hơn các nước nghèo, chúng tôi nhận thấy khác biệt là rất lớn".

SCMP dẫn lời nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, tình trạng mất cân bằng này sẽ cản trở quá trình phục hồi của thế giới sau đại dịch và cũng không có lợi khi phân phối vắc xin trong tương lai.

"Một số nền kinh tế đang phát triển có khả năng sản xuất vật tư y tế trong đại dịch, song vấn đề vắc xin thì lại khác vì năng lực sản xuất và logistics ở các nước nghèo thường yếu kém hơn", các nhà phân tích của UNCTAD lưu ý.

Sau khi GDP giảm kỉ lục 6,8% trong quí I năm nay, hoạt động thương mại phục hồi đã giúp hồi sinh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong quí III, GDP của Trung Quốc tăng 4,9% so với cùng kì năm ngoái với ngành dịch vụ là động lực tăng trưởng mới. Trước đó một quí, sản xuất và xuất khẩu là hai lĩnh vực góp phần kéo GDP phục hồi về 3,2%.

Xuất khẩu vẫn là một phần quan trọng của quá trình phục hồi của Trung Quốc. Theo Oxford Economics, tỉ trọng xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn cầu đã tăng từ 13,3% hồi cuối năm 2019 lên 17,2% trong quí II/2020. WTO từng ước tính rằng Trung Quốc chiếm khoảng 44% tổng kim ngạch xuất khẩu thiết bị bảo hộ cá nhân toàn cầu trong nửa đầu năm 2020.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

Khả Nhân