|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

GDP Trung Quốc tăng trưởng nhưng liệu đà hồi phục có thể được duy trì?

06:24 | 20/10/2020
Chia sẻ
Trong quí III, GDP Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh với tốc độ 4,9%. Tính chung ba quí đầu năm, Trung Quốc đạt tăng trưởng dương 0,7%, lấy lại tất cả những gì đã mất vì COVID-19 trong nửa đầu năm.
GDP Trung Quốc tăng nhưng liệu đà hồi phục có thể được duy trì? - Ảnh 1.

Đường phố tại Trung Quốc. (Ảnh: South China Morning Post)

Thành tựu phục hồi kinh tế sau đại dịch của Trung Quốc tiếp tục được mở rộng, với dữ liệu mới công bố hôm 19/10 cho thấy sản xuất và chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng mạnh hơn.

Dưới đây là phân tích của Bloomberg đằng sau những con số nổi bật để đánh giá liệu Trung Quốc có thể duy trì được cuộc hồi phục kinh tế hay không.

Thấp hơn kì vọng

GDP Trung Quốc đi lên 4,9% trong quí III so với cùng kì năm trước. Tốc độ tăng GDP của quí III cao hơn quí II (3,2%) nhưng vẫn thấp hơn dự báo 5,5% của các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát.

Một phần nguyên nhân có thể đến từ nhập khẩu bất ngờ tăng mạnh – đi lên 13,2% trong tháng 9 so với một năm trước. Mặc dù nhập khẩu tăng làm giảm đóng góp ròng của thương mại đến GDP, nó thể hiện nhu cầu mạnh mẽ. Xuất khẩu ròng chỉ đóng góp 0,6 điểm % vào tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quí III, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết.

GDP Trung Quốc tăng nhưng liệu đà hồi phục có thể được duy trì? - Ảnh 2.

Lưu ý: Dữ liệu tháng 1 và tháng 2 được gộp lại với nhau.

Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế thứ hai thế giới tăng trưởng 0,7%, đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã lấy lại được những gì đã mất trong nửa đầu năm.

Niềm tin của người tiêu dùng

Trong khi các lĩnh vực công nghiệp vẫn đang dẫn đầu sự phục hồi, người tiêu dùng cuối cùng đã bắt đầu đuổi kịp. Tăng trưởng doanh số bán lẻ tăng tốc đến 3,3% trong tháng 9, cao hơn nhiều so với ước tính trung bình 1,6% của các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát.

Doanh số xe cộ đột ngột nhảy vọt, nhưng kể cả nếu loại bỏ yếu tố này, doanh số bán lẻ vẫn tăng 2,4% so với năm ngoái. Lĩnh vực nhà hàng tiếp tục đi xuống so với một năm trước, nhưng tình hình đã cải thiện và chỉ giảm 2,9%.

Với việc đại dịch được kiểm soát và bằng chứng về sức chi tiêu mạnh mẽ trong Tuần lễ vàng, dữ liệu cho thấy người tiêu dùng đang bắt đầu mở ví trở lại. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ vẫn giảm 7,2% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kì.

Bất động sản vượt trội

Đầu tư bất động sản tăng vượt trội 5,6% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kì năm 2019, ngay cả khi chính phủ Trung Quốc siết chặt lĩnh vực này bằng các biện pháp mới.

Dù bất động sản đã hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế nhưng một số người vẫn lo ngại về tình trạng nợ nần gia tăng. Tháng trước, tập đoàn phát triển bất động sản lớn của Trung Quốc China Evergrande tuyên bố họ đang phải đối mặt với khả năng khủng hoảng tiền mặt.

Đầu tư tài sản cố định

Đầu tư cho tài sản cố định tại Trung Quốc tăng trưởng dương trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên ông Shaun Roache, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của S&P Global Ratings chỉ ra "điều đáng ngạc nhiên là tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng còn yếu". Hiện tượng này có thể phản ánh "những khó khăn chính quyền địa phương gặp phải khi tìm kiếm các dự án tốt".

Chi tiêu do nhà nước chỉ đạo tiếp tục là yếu tố chính trong đầu tư tài sản cố định, với chi tiêu cho cơ sở hạ tầng tăng 0,2% trong ba quí vừa qua. Đầu tư tài sản cố định trong lĩnh vực tư nhân tiếp tục giảm.

GDP Trung Quốc tăng nhưng liệu đà hồi phục có thể được duy trì? - Ảnh 3.

Đòn bẩy tăng

Tỉ lệ đòn bẩy của nền kinh tế thực của Trung Quốc, tức là tỉ lệ nợ trong các hộ gia đình, doanh nghiệp phi tài chính và chính phủ trên GDP, đã tăng lên thành 269,2% trong quí III, theo dữ liệu Bloomberg tổng hợp.

Con số trên phản ánh các biện pháp chính sách tiền tệ và tài khóa mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã và đang thực hiện để bảo vệ nền kinh tế khỏi tác động của đại dịch. Câu hỏi quan trọng là liệu tỉ lệ này có giảm bớt khi tăng trưởng kinh tế trở lại bình thường hay không.

Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.