Quan chức IMF: Trung Quốc có 'dư địa' tài chính để hỗ trợ nền kinh tế
Trà lời phỏng vấn trực tuyến, ông Gaspar cho biết, Trung Quốc có sự hỗ trợ tài chính "đáng kể" trong năm nay và là một trong số ít quốc gia dự kiến sẽ có thêm hỗ trợ tài chính trong năm 2021.
Đặc biệt, ông Gaspar lưu ý, Chính phủ Trung Quốc đã và đang cung cấp nguồn lực cho các chính quyền địa phương để họ có thể duy trì mức chi tiêu và "đó là điều cần thiết trong tình hình hiện nay".
Theo báo cáo Giám sát tài khóa tháng 10/2020 vừa công bố, chính phủ các nước đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ứng phó dịch COVID-19 với các chính sách hỗ trợ tài chính lên tới 12.000 tỷ USD.
Các biện pháp như vậy cùng với nguồn thu từ thuế giảm mạnh do suy thoái kinh tế đã đẩy nợ công toàn cầu lên mức cao kỷ lục tương đương gần 100% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.
Trong khi đó, mức nợ công của Trung Quốc cũng đang tăng trong năm nay và dự kiến tiếp tục tăng trong giai đoạn 2021-2025. Theo ông Gaspar, lãi suất thấp, tăng trưởng kinh tế và điều chỉnh tài khóa dự kiến sẽ làm chậm sự gia tăng nợ trong trung hạn.
Tuy nhiên, ông Gaspar cho rằng điều quan trọng đối với Trung Quốc là quản lý nợ công và rủi ro tài chính công, và nước này cần củng cố nền tảng tài chính vĩ mô để đối phó với "những thách thức ngày càng cấp bách do dịch COVID-19 gây ra".
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới nhất, IMF dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm 2020, cao hơn 0,9 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 6/2020.
Trong khi đó, theo một cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích do hãng tin AFP (Pháp) thực hiện, kinh tế Trung Quốc đã lấy lại đà hồi phục trong quý III/2020 với chi tiêu tiêu dùng tăng đều đặn, trong khi những quan ngại về dịch COVID-19 đã "hạ nhiệt".
Các nhà phân tích được hỏi ý kiến ước tính rằng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong quý III/2020. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ công bố số liệu chính thức về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III/2020 vào ngày 19/10 tới.
Theo nhà kinh tế Xu Xiaochun của Moody's Analytics, sự hồi phục nhanh chóng của Trung Quốc được dẫn dắt bởi các lĩnh vực sản xuất hàng hóa và xuất khẩu.
Trong khi đó, nhà phân tích Nathan Chow của DBS Bank cho rằng cú huých lớn nhất đối với sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc đến từ đầu tư, nhất là đầu tư công, trong khi nhu cầu của các thị trường nước ngoài cũng có sự cải thiện.
Tuy vậy, cho dù có triển vọng đầy hứa hẹn song ông Gaspar đã hối thúc Trung Quốc tăng cường hệ thống an sinh xã hội, vốn đang chịu sức ép do dịch COVID-19. Ông Gaspar khuyến khích Trung Quốc tiếp tục tái cân bằng mô hình tăng trưởng và lưu ý rằng vẫn cần phải hướng tới mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng và mô hình tăng trưởng bao trùm hơn và xanh hơn.
Cũng theo ông Gaspar, khi các nền kinh tế dần mở cửa trở lại trong bối cảnh không chắc chắn về diễn biến của đại dịch, chính phủ các nước nên đảm bảo không rút lại quá nhanh sự hỗ trợ tài khóa.
Giữa bối cảnh nhiều lao động vẫn thất nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn và 80-90 triệu người có khả năng rơi vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2020 do hậu quả của dịch COVID-19, ngay cả khi đã có thêm trợ cấp xã hội, thì còn quá sớm để các nước ngừng và rút lại các biện pháp hỗ trợ.