Trung Quốc đang bắt kịp ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á
Theo Chỉ số Quyền lực châu Á năm 2020 của Viện Lowy, Mỹ vẫn nắm giữ vị thế siêu cường hàng đầu đối với châu Á. Tuy nhiên, cách biệt 10 điểm của Mỹ đối với Trung Quốc cách đây hai năm đã bị giảm một nửa.
Theo ông Herve Lemahieu, trưởng nhóm nghiên cứu và Giám đốc Chương trình Ngoại giao và Quyền lực Châu Á của Viện Lowy, Mỹ "mất thanh thế" vì cách xử lí kém cỏi đối với đại dịch, hàng loạt xung đột thương mại và việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi hàng loạt thỏa thuận và tổ chức quốc tế.
Ông Lemahieu nói với Bloomberg: "Đại dịch là yếu tố thay đổi cuộc chơi. COVID-19 đã góp phần tạo ra cú đánh kép tới nước Mỹ. Một mặt, khủng hoảng COVID-19 khiến cho danh tiếng của Mỹ bị sụt giảm. Mặt khác, rõ ràng là Mỹ phải mất thêm nhiều năm nữa để phục hồi sau thảm họa kinh tế của đại dịch".
Viện Lowy nhận định kinh tế Mỹ có thể phải mất đến năm 2024 để phục hồi về mức trước đại dịch. Ngược lại, Trung Quốc đã vùng lên khỏi COVID-19 và là nền kinh tế lớn duy nhất được dự đoán là sẽ hồi phục trong năm 2020. Điều này có thể mang lại cho Trung Quốc lợi thế so với các nước láng giềng trong thập kỉ tiếp theo.
Trung Quốc giữ vững vị trí thứ hai trong ba năm liên tiếp dù phải chứng kiến "sự sụt giảm đáng kể" về ảnh hưởng ngoại giao sau khi đối mặt với cáo buộc giấu giếm thông tin về đợt bùng phát tại Vũ Hán. Ông Lemahieu nói rằng "ngoại giao chiến lang" cũng góp phần tới sự sụt giảm này.
Ông Lemahieu nhận định việc ông Trump tái đắc cử sẽ "mang tới thêm những xu hướng kiểu trên". Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ khó có thể thay thế Mỹ và trở thành siêu cường thống trị châu Á mà không có đối thủ.
"Tôi nghĩ kịch bản khả dĩ nhất là cuối cùng Trung Quốc sẽ sánh ngang với Mỹ và thậm chí là vượt qua Mỹ vào cuối thập kỉ này. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không thể vượt qua Mỹ với cách biệt đáng kể".
"Châu Á sẽ học cách xoay xở mà không có Mỹ nếu Trump tái đắc cử. Tôi nghĩ châu Á sẽ sẵn lòng làm ăn với Mỹ hơn nhiều nếu Joe Biden thành tổng thống".
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển Thế giới thuộc Đại học Liên Hợp Quốc, khoảng 347,4 triệu người ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể rơi xuống dưới mức nghèo vì đại dịch, tức là thu nhập dưới 5,5 USD/ngày.
Trước khi đại dịch bùng phát, kinh tế châu Á được dự kiến là sẽ trở nên lớn hơn phần còn lại của kinh tế thế giới trong năm 2020. Giờ đây, châu Á lại phải đối mặt với "bão tố của thách thức y tế công cộng, kinh tế và chiến lược" vì COVID-19, báo cáo của Viện Lowy viết.
Nhật Bản đứng thứ ba, được mô tả trong báo cáo là "cường quốc thông minh" vì sử dụng các nguồn lực hạn chế để tạo ảnh hưởng rộng rãi trong khu vực. Nhật Bản giành được nhiều điểm nhất về mặt ngoại giao quốc phòng, vượt qua Hàn Quốc về lĩnh vực này. Ngoại giao quốc phòng bao gồm hàng loạt hoạt động, từ các cuộc đối thoại về quốc phòng cho đến tập trận chung và thu mua vũ khí.
Ấn Độ, Nga, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Malaysia cũng góp mặt trong top 10. Các quốc gia Đông Nam Á trong danh sách đã phải đối mặt với sóng gió chính trị, nhưng vẫn cố gắng kiểm soát được COVID-19 mặc dù nguồn lực hạn chế, ông Lemahieu nhận xét.
Việt Nam, Đài Loan và Australia tăng được quyền lực tương đối trong năm nay. Việt Nam xếp thứ 12. Đài Loan cải thiện điểm số ảnh hưởng ngoại giao của mình sau thất bại vào năm 2019 khi bị một số đồng minh cắt đứt quan hệ chính thức trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách cô lập hòn đảo này.
Ngoài Mỹ, Nga và Malaysia là các nước chịu mức sụt giảm lớn nhất trên chỉ số của Viện Lowy.
Chỉ số Quyền lực châu Á của Viện Lowy năm 2020 đo lường quyền lực bằng cách sử dụng 128 chỉ số bao gồm quan hệ kinh tế, chi tiêu quốc phòng, sự ổn định nội bộ và nguồn lực dự kiến trong tương lai.