|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc sắp hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Mỹ

08:36 | 16/10/2020
Chia sẻ
Trung Quốc chuẩn bị thông qua một bộ luật mới hạn chế các mặt hàng xuất khẩu nhạy cảm và quan trọng đối với an ninh quốc gia. Động thái này mở rộng bộ công cụ chính sách mà Bắc Kinh có thể áp dụng khi căng thẳng với Mỹ leo thang.
Trung Quốc sắp có thêm công cụ chính sách mới để kiềm chế Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, cơ quan lập pháp hàng đầu đất nước, dự kiến sẽ thông qua bộ luật mới trong một phiên họp kết thúc vào ngày 17/10.

Theo Bloomberg, Luật Kiểm soát Xuất khẩu chủ yếu được đưa ra nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc thông qua việc quản lí hoạt động xuất khẩu các vật liệu và công nghệ nhạy cảm nằm trong danh sách kiểm soát.

Bộ luật mới sẽ áp dụng cho tất cả các công ty ở Trung Quốc, bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài các danh mục hạn chế xuất khẩu công nghệ và danh sách thực thể không đáng tin cậy, Bắc Kinh sẽ có thêm một công cụ chính sách mới để đáp trả Mỹ, quốc gia thường xuyên sử dụng các biện pháp kiểm soát và cấp phép xuất khẩu chống lại đối thủ.

Căng thẳng Mỹ - Trung liên tục leo thang và hiện đang lan sang lĩnh vực công nghệ. Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei Technologies, ByteDance (sở hữu TikTok), Tencent (sở hữu WeChat) và hãng chip SMIC đều bị cuốn vào cuộc đụng độ giữa hai siêu cường.

Ông Qing Ren, đối tác của Văn phòng Luật sư Toàn cầu (trụ sở tại Bắc Kinh), nhận định: "Chính phủ Trung Quốc có thể đã rút ra bài học từ Mỹ và các nước khác".

Đưa tin từ Tân Hoa Xã cho biết dự thảo luật qui định Trung Quốc có thể thực hiện các biện pháp đáp trả đối với một quốc gia hoặc khu vực nhất định có hành vi "lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và gây tổn hại đến an ninh và lợi ích quốc gia của Trung Quốc".

Hôm 15/10, tờ Legal Daily cho biết một số nhà lập pháp còn đề nghị bổ sung mã nguồn, thuật toán và tài liệu kĩ thuật vào danh sách các mặt hàng thuộc diện kiểm soát và Trung Quốc nên thiết lập hạn chế đối với việc xuất khẩu các công nghệ mà Bắc Kinh có lợi thế cạnh tranh như 5G và viễn thông lượng tử.

Ông Qing Ren nói danh sách kiểm soát xuất khẩu hiện tại của Trung Quốc hẹp hơn nhiều so với danh sách mà Mỹ sử dụng, khi Bắc Kinh chỉ giới hạn ở các vật liệu có thể sử dụng cho vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học.

Nếu danh sách được mở rộng trong tương lai thì "nhiều sản phẩm hoặc công nghệ sẽ bị kiểm soát xuất khẩu ở Trung Quốc hơn", ông Ren nhận định.

Bà Mei Xinyu, nhà nghiên cứu thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, nhận định Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và hoạt động sản xuất hàng hóa đang tạo việc làm cho hàng triệu người dân nên Bắc Kinh sẽ cẩn trọng để không lạm dụng bộ luật mới.

"Chúng tôi rất xem trọng hình ảnh của Trung Quốc như một nhà cung ứng đáng tin cậy trên thị trường quốc tế. Do đó, chúng tôi sẽ không mở rộng phạm vi kiểm soát xuất khẩu tùy tiện", bà Mei nhấn mạnh.

Theo ông Ren từ Văn phòng Luật sư Toàn cầu, các công ty nước ngoài không cần phải sợ bộ luật mới vì luật này được áp dụng bình đẳng cho tất cả các công ty hoạt động tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nói, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài nên cẩn thận nếu các hoạt động của họ liên quan đến xuất khẩu công nghệ.

Khả Nhân