|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mỹ ngắt cầu dao, chuỗi cung ứng chip của Huawei mất điện

20:36 | 20/08/2020
Chia sẻ
Nhờ thống trị các lĩnh vực quan trọng của ngành bán dẫn toàn cầu, vài doanh nghiệp Mỹ đang nắm quyền sinh sát chuỗi cung ứng chip của Huawei Technologies. Loạt biện pháp đối phó mới của Washington với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng nhờ đó mà có thêm sức công phá.

Ngày 17/8, Bộ Thương mại Mỹ ban hành lệnh cấm Huawei mua sản phẩm chip do nước ngoài sản xuất cũng như cấm mua các linh kiện điện tử được phát triển hoặc sản xuất bằng phần mềm hoặc công nghệ Mỹ. Lệnh cấm mới có hiệu lực ngay lập tức.

Theo các chuyên gia pháp lí, lệnh cấm này là phần mở rộng cho qui định mà Bộ Thương mại Mỹ công bố hồi tháng 5 và lấp kín lỗ hổng, ngăn chặn doanh nghiệp Mỹ bán sản phẩm cho bên thứ ba để họ cung ứng hàng cho Huawei.

Hãng viễn thông Trung Quốc đang đối diện với bất lợi lớn vì các nhà cung ứng quan trọng của hãng từ Qualcomm, Samsung, MediaTek đến Sony đều sử dụng phần mềm, tài sản trí tuệ, công cụ thiết kế chip và vật liệu của Mỹ.

Mỹ ngắt cầu dao, chuỗi cung ứng chip của Huawei mất điện - Ảnh 1.

Mỹ ngắt cầu dao, chuỗi cung ứng chip của Huawei mất điện - Ảnh 2.

Ông Geoff Blaber - Phó Chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường CCS Insight, nhận định sau động thái dứt khoát của Washington, Huawei còn lại rất ít lựa chọn cho nguồn cung chip quan trọng.

Mỹ ngắt cầu dao, chuỗi cung ứng chip của Huawei mất điện - Ảnh 3.

"Ngành bán dẫn có tính toàn cầu, song nền tảng của nó phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ. Do đó, Huawei còn rất ít phương án để xoay xở", ông Blaber nhấn mạnh.

Nikkei Asian Review cho biết, các công ty hàng đầu trong lĩnh vực phần mềm thiết kế chip đều là doanh nghiệp của Mỹ, như Cadence Design Systems, Synopsys và Ansys.

Mentor Graphics - nhà cung ứng công cụ thiết kế chip lớn thứ ba thế giới, đã được Siemens của Đức thâu tóm năm 2016, song phần lớn hoạt động đều tập trung tại Mỹ.

4 công ty đó cùng nhau kiểm soát khoảng 90% thị trường công cụ thiết kế chip trên toàn cầu. Hơn nữa, vì Cadence, Synopsys, Ansys và Mentor Graphics sở hữu nhiều tài sản trí tuệ cần thiết để thiết kế chip. Rất ít doanh nghiệp có thể thay thế họ trong thời gian tới.

Khi hoạt động sản xuất chip trở nên phức tạp hơn, chỉ Cadence và Synopsys - hai công ty hàng đầu thế giới trong mảng này, mới có thể cung cấp các giải pháp đầu cuối cần thiết cho việc sản xuất chip tiên tiến.

Huawei vẫn đang sử dụng các phiên bản công cụ thiết kế chip cũ của hai công ty này trong máy tính của hãng.

Nếu không có bản cập nhật và hỗ trợ từ 4 tập đoàn Mỹ, ông lớn công nghệ Trung Quốc sẽ phải mất thêm thời gian và gặp nhiều khó khăn hơn để giải quyết vấn đề kĩ thuật phát sinh.

Trong khi đó, hãng thiết kế chip ARM của Anh là công ty có tiếng tăm trong thế giới smartphone, cung cấp bản mẫu cho hơn 90% chip di động trên toàn cầu.

ARM đặt trụ sở tại Cambridge. Tuy nhiên, họ lại có một trung tâm R&D, dây chuyền sản xuất lớn ở Mỹ cũng như sử dụng công cụ thiết kế của các công ty Mỹ như Cadence và nhiều tài sản trí tuệ của ARM có nguồn gốc từ các văn phòng tại Mỹ nên hãng sẽ phải tuân theo qui định xuất khẩu của Washington.

Tất cả các nhà phát triển chip trên thế giới, dù đặt trụ sở đâu, đều phụ thuộc vào công cụ và tài sản trí tuệ của Cadence, Synopsys, Ansys và Mentor Graphics. Một số cái tên có thể liệt kê gồm Apple, Huawei, Sony, Samsung, SK Hynix, Kioxia, NXP, Qualcomm, Nvidia, MediaTek, Broadcom và STMicroelectronics.

Sau thông báo ngày 17/8 của Bộ Thương mại Mỹ, tất cả các công ty nêu trên đều phải xin giấy phép của Washington để được phép cung ứng chip cho Huawei.

Mỹ ngắt cầu dao, chuỗi cung ứng chip của Huawei mất điện - Ảnh 5.

Phần mềm thiết kế chỉ là một lĩnh vực trong chuỗi cung ứng chip mà các công ty Mỹ có chỗ đứng vững chắc. Sau khi kĩ sư thiết kế chip, họ thường thuê các công ty khác sản xuất hoặc chế tạo chip trên thực tế.

Tuy nhiên, tương tự thiết kế thì chế tạo chip cũng chủ yếu dựa vào thiết bị sản xuất và kiểm tra chip do Mỹ sản xuất.

Ba công ty Mỹ gồm Applied Materials, Lam Research và KLA-Tencor, cùng với ASML của Hà Lan và Tokyo Electron của Nhật Bản đang thống trị qui trình chế tạo chip, Nikkei liệt kê.

ASML có trụ sở chính tại Hà Lan, tuy nhiên máy móc của hãng này được sản xuất bằng công nghệ Mỹ và một số linh kiện quan trọng trong máy sản xuất chip cũng được chế tạo trên đất Mỹ.

Khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, ASML cũng bị cuốn vào vòng xoáy. Cuối năm ngoái, ASML đã hoãn vận chuyển thiết bị quang khắc cực tím (EUV) cho hãng chip hàng đầu Trung Quốc là Semiconductor International Manufacturing Co. (SIMC).

Hãng chế tạo chip lớn cuối cùng trong danh sách trên - Tokyo Electron của Nhật Bản cũng phụ thuộc vào linh kiện và công nghệ Mỹ để xây dựng máy sản xuất chip.

Mỹ ngắt cầu dao, chuỗi cung ứng chip của Huawei mất điện - Ảnh 6.

Mỹ cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về vật liệu và hóa chất chế tạo chip, Nikkei cho hay. Ba công ty Mỹ gồm Dow DuPont, 3M và Corning đều có một ưu thế độc tôn trong qui trình sản xuất chip và màn hình.

Theo các chuyên gia pháp lí, ngoài chất bán dẫn, phạm vi của lệnh cấm mới còn áp dụng cho các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử quan trọng như tấm màn hình. Hầu hết tấm màn hình trên thế giới đều cần vật liệu của Mỹ do Corning và 3M cung ứng, cũng như cần thiết bị từ Applied Materials.

Theo ông Su Tze-yun - Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng tại đảo Đài Loan, trong nhiều năm qua, dù các công ty châu Á đã gia tăng chỗ đứng trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất chip, họ vẫn không nắm quyền kiểm soát các công cụ, tài sản trí tuệ và khoa học cơ bản của ngành.

Mỹ ngắt cầu dao, chuỗi cung ứng chip của Huawei mất điện - Ảnh 7.

"Cuối cùng, Mỹ vẫn kiểm soát các phần mềm, vật liệu, hóa chất, kim loại quan trọng cũng như các thiết bị cần thiết trong sản xuất chip hoặc thiết bị điện tử", ông Su chia sẻ với Nikkei.

Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) - hãng chip lớn nhất thế giới theo vốn hóa thị trường và Samsung Electronics - hãng chip nhớ lớn nhất thế giới đều có thể sản xuất các mẫu chip tiên tiến theo qui mô lớn nhưng phải phụ thuộc vào thiết bị của Mỹ.

Gần đây, Chủ tịch Mark Liu của TSMC đã xác nhận tầm quan trọng của các nhà cung ứng thiết bị chip hiện tại với khả năng cải tiến công nghệ chip của công ty. Ông Liu cũng ám chỉ rằng các hãng chip rất khó có thể cho ra sản phẩm mang tính cạnh tranh nếu thiếu sự tham gia của công nghệ Mỹ.

Qui trình sản xuất chip càng tiên tiến thì càng khó thay thế bất kì thiết bị, vật liệu hay hóa chất nào trong chuỗi cung ứng vì mỗi liên kết đều đã được sắp xếp cẩn thận để đảm bảo hiệu quả và hiệu suất tối đa, Nikkei nhấn mạnh.

Yên Khê