|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Liên kết công nghệ Mỹ - Trung sụp đổ trong 100 ngày cuối nhiệm kì Tổng thống Trump

15:48 | 19/08/2020
Chia sẻ
Các nhà lãnh đạo chính trị thường ám ảnh về 100 ngày đầu tiên nắm quyền. Song Tổng thống Trump lại đang tập trung nhiều hơn vào 100 ngày cuối cùng của nhiệm kì đầu để cắt đứt quan hệ giữa ngành công nghệ Mỹ với Trung Quốc.
Liên kết công nghệ Mỹ - Trung sụp đổ trong 100 ngày cuối nhiệm kì Tổng thống Trump - Ảnh 1.

Khi chỉ còn khoảng ba tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ, ông Trump đang trở nên vội vã hơn. Tuần trước, ông chủ Nhà Trắng đã ban hành một sắc lệnh mới, yêu cầu ByteDance thoái sạch vốn khỏi hoạt động của TikTok ở Mỹ trong vòng 90 ngày.

Nikkei Asian Review nhận định, ông Trump nhiều khả năng đang muốn nhắm đến các tập đoàn công nghệ Trung Quốc.

TikTok thu hút nhiều sự chú ý trên báo chí hơn, tuy nhiên đòn tấn công của Tổng thống Trump vào ứng dụng nhắn tin WeChat của Tencent mới có thể gây hậu quả nặng nề nhất, cả về phạm vi ảnh hưởng và thiệt hại tiềm tàng đối với hoạt động kinh doanh của Mỹ tại Trung Quốc.

Vào đầu tháng 8, ông Trump đã khiến công chúng bối rối với lệnh hành pháp yêu cầu các công ty Mỹ ngừng sử dụng WeChat trong vòng 45 ngày. Tuy nhiên, văn bản khá mơ hồ, khiến các giám đốc doanh nghiệp Mỹ không rõ liệu qui định mới chỉ áp dụng tại Mỹ hay cho cả chi nhánh ở Trung Quốc.

Liên kết công nghệ Mỹ - Trung sụp đổ trong 100 ngày cuối nhiệm kì Tổng thống Trump - Ảnh 2.

Tencent tuyên bố lệnh hành pháp của ông Trump không áp dụng tại Trung Quốc - thị trường tập trung phần lớn trong hơn 1 tỉ người dùng của WeChat. Tuy nhiên, một loạt doanh nghiệp Mỹ có tầm ảnh hưởng tương đối lớn ở Trung Quốc như Disney và Apple đều đang lo lắng.

Theo Nikkei, người nước ngoài khó có thể hiểu mức độ thống trị của WeChat đối với hoạt động kinh doanh và truyền thông cá nhân của người Trung Quốc.

Ví dụ, tại một công ty Internet lớn ở Zhongguancun (Bắc Kinh) - hay Thung lũng Silicon Trung Quốc, nhân viên chỉ làm việc trên WeChat và bỏ qua các công cụ phổ biến ở phương Tây.

Sự thống trị của WeChat có thể lí giải được tâm trạng lo lắng của giới doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc.

Ôn Trump quyết dùng 100 ngày cuối trên ghế tổng thống  buộc doanh nghiệp Mỹ chia tay Trung Quốc? - Ảnh 1.

Người nước ngoài khó có thể hiểu mức độ thống trị của WeChat đối với hoạt động kinh doanh và truyền thông cá nhân của người Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Ngay cả khi nhân viên ở Trung Quốc có thể tiếp tục sử dụng WeChat, lệnh hành pháp của Tổng thống Trump sẽ khiến nhân viên của các tập đoàn có trụ sở tại Mỹ như Ford Motor và Goldman Sachs không thể sử dụng nó để liên lạc với các văn phòng Trung Quốc.

Ngoài ra, qui định cũng có thể cấm các công ty Mỹ sử dụng hệ thống thanh toán của WeChat cho các giao dịch kinh doanh, đây sẽ là một bất lợi lớn cho họ.

Apple cũng phải đối mặt với các vấn đề riêng khi mà theo lệnh hành pháp mới, Apple có thể phải gỡ WeChat khỏi kho ứng dụng. Thay đổi này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến doanh số bán iPhone tại Trung Quốc vì người tiêu dùng Trung Quốc có thể đổi thiết bị để tiếp tục sử dụng WeChat.

Theo lẽ thường, giới doanh nghiệp lớn của Mỹ có thể kì vọng về một tổng thống cố gắng và bảo vệ lợi ích của họ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, khi ngày bầu cử càng đến gần, ông Trump dường như không thực sự quan tâm đến lợi ích của họ.

Tại một cuộc họp báo gần đây, ông Trump đã làm rõ thông điệp. Khi phóng viên nói về nỗi lo lắng của các doanh nghiệp Mỹ, ông chủ Nhà Trắng cau có và trả lời một cách vô tâm: "Sao cũng được!"

Liên kết công nghệ Mỹ - Trung sụp đổ trong 100 ngày cuối nhiệm kì Tổng thống Trump - Ảnh 4.

Nỗi lo của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc cũng không làm lung lay lập trường của hai nhóm chính trị gia đang thôi thúc ông Trump hành động trong 100 ngày cuối cùng của nhiệm kì đầu.

Phe thứ nhất, chủ yếu liên quan đến cố vấn thương mại Peter Navarro, muốn các công ty Mỹ đưa dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về nước. Phe thứ hai coi Trung Quốc là một mối đe dọa về chính trị và dân chủ, đơn cử như Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Liên kết công nghệ Mỹ - Trung sụp đổ trong 100 ngày cuối nhiệm kì Tổng thống Trump - Ảnh 5.

Theo Nikkei, cả hai nhóm đều không lo lắng nhiều về thiệt hại tiềm tàng đối với các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc.

Hai nhóm dường như sẽ rất hài lòng nếu dấu ấn của doanh nghiệp Mỹ tại thị trường tỉ dân giảm xuống, dưới danh nghĩa tách bạch ngành công nghệ Mỹ - Trung nói chung hay bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước/an ninh quốc gia nói riêng.

Ngoài ra, cả hai phe cũng nhận ra nhiệm kì của họ sắp hết, do đó họ muốn trói buộc chính quyền của cựu Phó Tổng thống Biden nếu ông này thực sự đắc cử.

Đây là điểm trọng tâm trong kế hoạch "Mạng lưới Sạch" của Ngoại trưởng Pompeo nhằm loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi kiến trúc Internet của Mỹ, từ mạng 5G đến cáp quang dưới biển.

Liên kết công nghệ Mỹ - Trung sụp đổ trong 100 ngày cuối nhiệm kì Tổng thống Trump - Ảnh 6.

Mô hình "Mạng lưới Sạch" của Ngoại trưởng Mike Pompeo. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Mỹ)

Điểm đáng báo động hơn là không rõ loạt chính sách mới của ông Trump được thông qua nhanh chóng đến đâu, khi mà hầu hết được ban hành mà không có sự tham vấn hoặc cân nhắc kĩ về hậu quả lâu dài.

Ví dụ, ý tưởng cấm ứng dụng TikTok tại Mỹ chỉ thực sự xuất hiện vào đầu tháng 7, sau quyết định tương tự của Ấn Độ.

Vì vậy, ngay cả khi lệnh cấm WeChat của ông Trump hiện không ngăn các công ty Mỹ sử dụng ứng dụng này tại Trung Quốc, tương lai rất khó đoán định. Nikkei cho rằng, với "lá chắn" an ninh quốc gia, lệnh cấm hiện tại có thể thay đổi và áp dụng cho các công ty Mỹ tại Trung Quốc.

Trong 100 ngày cuối của chính quyền mình, ông Trump và các đồng minh phải đối mặt với một thực tế khó chịu là nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tốt ở Trung Quốc và muốn tiếp tục như vậy.

Do đó, mục tiêu của ông Trump có thể là gây khó khăn cho hoạt động của các công ty Mỹ tại thị trường tỉ dân hết mức có thể. Trong gần 100 ngày tới, Nikkei dự đoán sẽ tiếp tục có thêm nhiều quyết định bất ngờ và gây xáo trộn từ chính quyền ông Trump.

Yên Khê