|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mỹ chặn nguồn cung chip của Huawei: Lợi bất cập hại

08:08 | 20/05/2020
Chia sẻ
Trong một năm qua, chính phủ Mỹ đã tìm cách ngăn cản Huawei Technologies thương mại hóa mạng 5G cũng như mua linh kiện cần thiết để phát triển công nghệ mạng mới này. Bất chấp chiến dịch gây khó khăn của Washington, doanh thu của Huawei vẫn tăng hơn 19% trong năm ngoái, buộc chính quyền Tổng thống Trump phải tăng gấp đôi nỗ lực.
Nikkei: Mỹ chặn nguồn cung chip của Huawei, lợi bất cập hại - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nikkei Asian Review

Ngày 15/5, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kế hoạch sửa đổi Qui định Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài, theo đó cân nhắc thêm các sản phẩm được sản xuất bên ngoài nước Mỹ nhưng sử dụng công nghệ Mỹ vào danh mục "sản phẩm trực tiếp" của Mỹ và do đó phải tuân theo qui định xuất khẩu của Mỹ.

Theo thay đổi mới, Huawei không còn có thể mua chip từ nhà cung ứng chất bán dẫn lớn nhất thế giới TSCM vì TSMC sản xuất chip cho Huawei bằng các thiết bị mua của các công ty Mỹ như Applied Materials và Teradyne.

Để tiếp tục hợp tác với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, TSMC phải nhận được giấy phép của chính phủ Mỹ, tuy nhiên nhà cung ứng có trụ sở tại Đài Loan này nhiều khả năng sẽ bị từ chối.

Huawei đau một, Mỹ thiệt hại mười

Qui định mới gây ảnh hưởng cho Huawei nhưng cũng sẽ giáng một đòn đau vào các doanh nghiệp Mỹ, ông Joy Tan - Phó Chủ tịch cấp cao của Huawei viết trên tờ Nikkei Asian Review.

Tháng trước, 9 hiệp hội thương mại tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã viết thư cho Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross, cho rằng động thái mới sẽ gây hại cho "ngành công nghiệp bán dẫn, chuỗi cung ứng toàn cầu và lĩnh vực công nghệ trên qui mô lớn".

Lá thư trên được gửi đi sau khi một công văn từ người đứng đầu SEMI - một hiệp hội thương mại đại diện cho chuỗi cung ứng thiết bị điện tử và chất bán dẫn, đến tay Tổng thống Trump.

Lưu ý rằng các công ty Mỹ xuất khẩu khoảng 20 tỉ USD thiết bị sản xuất chip mỗi năm, SEMI nhận định động thái mà chính phủ Mỹ khi đó đang dự tính thực hiện nhằm chống lại Huawei sẽ "gây cản trợ hoạt động đầu tư và đổi mới". Đồng thời, bước đi này sẽ khuyến khích các công ty công nghệ trên khắp thế giới "loại bỏ" linh kiện Mỹ khỏi sản phẩm của họ.

Ông Joy Tan nhận định, thay đổi Qui định Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài sẽ gây tổn thất đáng kể cho doanh thu của doanh nghiệp Mỹ.

Vào tháng 3, một báo cáo độc lập của tập đoàn tư vấn Boston nhấn mạnh "ngành công nghiệp chất bán dẫn vững mạnh là vô cùng quan trọng đối với khả năng cạnh tranh và an ninh quốc gia của Mỹ trên toàn cầu".

Boston dự đoán, trong 3 - 5 năm tới, doanh thu của doanh nghiệp Mỹ có thể giảm 16% nếu Washington tiếp tục duy trì các lệnh hạn chế hiện tại và thậm chí có thể giảm đến 37% nếu Washington hoàn toàn cấm các hãng sản xuất chip bán sản phẩm cho khách hàng Trung Quốc.

Nếu tổn thất lớn như trên, các công ty Mỹ sẽ buộc phải giảm chi tiêu R&D và chi tiêu vốn, từ đó năng lực đổi mới của Mỹ cũng sụt giảm. Thiệt hại đó cũng có thể buộc các công ty giảm 15.000 - 40.000 nhân sự chuyên môn cao trong ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ, theo ước tính của Boston.

Đại dịch COVID-19 đang hoành hành càng không phải là lúc để gây thêm rủi ro cho thị trường lao động. Kể từ khi áp dụng các lệnh phong tỏa đến nay, hơn 36 người lao động tại Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết nền kinh tế Mỹ có thể mất đến 47 triệu việc làm.

Nếu như vậy, tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ rơi vào khoảng 32%, cao hơn mức từng ghi nhận trong Đại Khủng hoảng vào những năm 1930.

Về lâu dài, qui định của Mỹ có thể buộc các nhà sản xuất chip trên thế giới đưa ra lựa chọn: cắt đứt quan hệ kinh doanh với doanh nghiệp Trung Quốc hoặc ngừng sử dụng thiết bị của Mỹ để sản xuất chip.

Với sự phát triển của ngành công nghệ Trung Quốc, các nhà sản xuất chip có thể chọn phương án thứ hai, tạo ra một ngành bán dẫn hoàn toàn mới và thoát li khỏi Mỹ.

Kịch bản đó sẽ đặt các công ty công nghệ Mỹ vào cảnh trì trệ và suy yếu, làm hỏng hệ sinh thái công nghệ toàn cầu và có nguy cơ phá hủy sự thống trị của Mỹ trong ngành bán dẫn, Phó Chủ tịch Joy Tan của Huawei viết.

Khả Nhân