Huawei chỉ trích quyết định của Mỹ: Độc đoán, nguy hiểm và làm suy yếu ngành công nghiệp thế giới
Ngày 15/5, trong một động thái nhằm thắt chặt sự kìm hãm đối với đại gia công nghệ Trung Quốc Huawei, chính quyền Tổng thống Trump đã yêu cầu các nhà sản xuất chip toàn cầu, như TSMC của Đài Loan, ngừng giao các lô hàng chất bán dẫn cho Huawei.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết đang sửa đổi một qui định xuất khẩu, để nhắm vào mục tiêu là những công ty sản xuất dựa trên phần mềm và công nghệ Mỹ không thể bán sản phẩm cho công ty bị Mỹ cấm.
Với những thay đổi này, các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ sẽ được yêu cầu phải có giấy phép của Mỹ, trước khi bán chip cho Huawei hay công ty con là HiSilicon.
Như vậy, Huawei nếu muốn tiếp tục được mua chipset hoặc sử dụng một số thiết kế bán dẫn gắn với phần mềm và công nghệ nhất định của Mỹ, buộc phải có giấy phép từ Bộ Thương mại Mỹ.
Hôm nay (18/5), Huawei đã chính thức ra thông báo phản đối các qui định mới của Bộ Thương mại Mỹ.
"Quyết định này là độc đoán và nguy hiểm, đe dọa làm suy yếu toàn bộ ngành công nghiệp trên toàn thế giới. Qui tắc mới này sẽ tác động đến việc mở rộng, bảo trì và hoạt động liên tục của các hệ thống mạng trị giá hàng trăm tỉ USD mà chúng tôi đã triển khai ở hơn 170 quốc gia.
Nó cũng sẽ tác động đến các dịch vụ truyền thông cho hơn 3 tỉ người sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của Huawei trên toàn thế giới", Huawei chỉ trích trong báo cáo.
"Để tấn công một công ty hàng đầu từ một quốc gia khác, chính phủ Mỹ đã cố tình quay lưng lại với lợi ích của khách hàng và người tiêu dùng Huawei. Điều này đi ngược lại với tuyên bố của chính phủ Mỹ, rằng nó được thúc đẩy bởi an ninh mạng", báo cáo viết.
Theo Huawei, quyết định này của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến Huawei. Nó sẽ có tác động nghiêm trọng đến nhiều ngành công nghiệp toàn cầu.
Về lâu dài, điều này sẽ làm tổn hại lòng tin và sự hợp tác trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu mà nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào đó, làm tăng xung đột và thiệt hại, mất mát trong các ngành này.
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cho biết họ đang tiến hành đánh giá toàn diện Qui tắc mới này.
"Hoạt động kinh doanh của chúng tôi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi sẽ cố gắng tất cả những gì có thể để tìm kiếm ra giải pháp. Chúng tôi hi vọng rằng khách hàng và nhà cung cấp của chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với chúng tôi, và giảm thiểu tác động của Qui tắc phân biệt đối xử này", Huawei cho hay.
Trước đó, vào tháng 5/2019,Mỹ đã đơn phương đưa Huawei vào danh sách đen thương mại, cấm Huawei tiến hành kinh doanh với bất kì công ty nào có trụ sở tại Mỹ.
Lệnh cấm đã thúc đẩy gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc xây dựng hệ sinh thái của riêng mình, không phụ thuộc vào dịch vụ của Google. Và nó cũng đã tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh của Huawei tại các thị trường ngoài Trung Quốc.
Mới đây nhất, ngày 14/5 Tổng thống Trump cũng đã gia hạn lệnh hành pháp, kêu gọi bảo đảm thông tin quốc gia và dịch vụ viễn thông khỏi khác mối đe doạ, trong đó có Huawei.
Ông Trump khẳng định các doanh nghiệp Trung Quốc có trong danh sách đen về thương mại, tiếp tục là mối đe doạ đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Mỹ.
Do vậy, tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban hành ngày 15/5/2019, vẫn phải tiếp tục có hiệu lực sau ngày 15/5/2020, và thi hành trong một năm tiếp theo.
Việc gia hạn lệnh cấm này cũng được áp dụng với một hãng công nghệ khác của Trung Quốc là ZTE.