Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 2: Huawei là tâm điểm
Thỏa thuận lớn không có tên Huawei
Chiều 11/10 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sau hai ngày đàm phán cấp cao, Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất giai đoạn đầu của một "thỏa thuận thương mại to lớn".
Giai đoạn 1 này sẽ bao gồm các vấn đề như lo ngại về sở hữu trí tuệ và dịch vụ tài chính, Trung Quốc đồng ý mua khoảng 40-50 tỉ USD giá trị hàng nông sản Mỹ để đổi lại Mỹ không tăng thuế lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 15/10 như kế hoạch.
Theo ông Trump, "Giai đoạn 2 sẽ bắt đầu gần như ngay lập tức" sau khi giai đoạn đầu được kí kết, dự kiến vào tháng 11 tới tại Chile.
Nội dung của thỏa thuận giai đoạn 1 mà ông Trump công bố không hề nhắc tới đại gia công nghệ Huawei của Trung Quốc. Trả lời câu hỏi của phóng viên, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer xác nhận vấn đề Huawei sẽ không được đưa vào thỏa thuận giai đoạn 1 này mà sẽ được giải quyết sau.
"Trong thỏa thuận này, chúng tôi không giải quyết cụ thể vấn đề Huawei", ông Lighthizer nói ngày 11/10. Tổng thống Donald Trump thì cho biết vấn đề Huawei sẽ được thảo luận trong giai đoạn 2 của cuộc đàm phán.
Tư tưởng chống Huawei mạnh mẽ
Nhiều nghị sĩ Mỹ có quan điểm rất cứng rắn đối với đại gia công nghệ Trung Quốc này.
Khi cuộc đàm phán thương mại cấp cao đang diễn ra, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chuck Schumer - Lãnh đạo phe Thiểu số tại Thượng viện cho biết ông phản đối bất kì thỏa thuận nào có điều khoản nhượng bộ liên quan tới Huawei.
Thượng nghị sĩ này đăng trên tài khoản Twitter cá nhân: "Một thỏa thuận mini với Trung Quốc ư? Thỏa thuận đó không được phép có sự nhượng bộ đối với Huawei. Đó là điều mà Trung Quốc mong muốn nhất và nó sẽ thể hiện điểm yếu chết người của Mỹ".
Ít ngày trước khi đàm phán thương mại bắt đầu, một nhóm 5 Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã gửi thư cho Giám đốc Pháp chế Brad Smith của tập đoàn công nghệ Microsoft.
Tháng 9 năm nay, trong một buổi trả lời phỏng vấn với Bloomberg Television, ông Smith tỏ ý bênh vực Huawei đồng thời nghi ngờ lí do đằng sau quyết định cấm vận Huawei của chính quyền Mỹ.
Trong lá thư của mình, 5 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đưa ra nhiều dẫn chứng để khẳng định quan điểm rằng "Huawei là mối đe dọa rất thật và rất cấp bách".
Chính ông Trump từng cáo buộc Huawei là mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ nên nếu ông nới lỏng lệnh cấm với Huawei thì sẽ rất dễ bị đánh giá là coi thường an ninh đất nước.
Một cửa hàng Huawei tại Việt Nam. Ảnh: Kiên Dương.
Huawei trong vòng xoáy chiến tranh thương mại
Tháng 5 năm nay khi đàm phán thương mại giữa hai siêu cường kinh tế đổ vỡ, Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen về thương mại, cấm tập đoàn công nghệ Trung Quốc này mua sản phẩm dịch vụ từ doanh nghiệp Mỹ. Ông Trump còn cấm các cơ quan chính phủ Mỹ mua trang thiết bị do Huawei sản xuất.
Lí do mà phía Mỹ đưa ra là Huawei vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran, đang hỗ trợ lực lượng quân đội và tình báo Trung Quốc để thực hiện hoạt động gián điệp, đe dọa đến an ninh và lợi ích quốc gia Mỹ,...
Về phần mình, Huawei kiên quyết phủ nhận mọi cáo buộc của chính quyền Donald Trump.
Trước khi Huawei bị cấm vận, vào tháng 12/2018, bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc tài chính (CFO) và con gái của nhà sáng lập Huawei đã bị cảnh sát Canada bắt giữ theo đề nghị của phía Mỹ.
Khi quan hệ hai nước ấm lên phần nào sau Thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6 năm nay, ông Trump cho biết Mỹ có thể cho phép doanh nghiệp bán một số hàng hóa không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia cho Huawei.
Sau đó doanh nghiệp Mỹ đã nộp ít nhất 130 hồ sơ đề nghị cấp phép bán hàng cho đại gia công nghệ Trung Quốc.
Ngày 9/10 vừa qua, tờ New York Times dẫn nguồn tin thân cận cho biết Tổng thống Trump đã bật đèn xanh để các cơ quan chính phủ Mỹ bắt đầu phê duyệt cho doanh nghiệp Mỹ giao dịch với Huawei. Dù vậy đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào được duyệt.
Huawei chịu thiệt hại nặng nề từ lệnh cấm vận của Mỹ. Công ty không thể nhập được phần cứng Mỹ như linh kiện chip và cũng không mua được phần mềm như hệ điều hành Windows, Android, bộ ứng dụng của Google, …
CEO Nhậm Chính Phi hồi tháng 6 năm nay đã ước tính Huawei có thể thiệt hại khoảng 30 tỉ USD doanh thu trong hai năm do lệnh cấm của Mỹ.
Tháng 9 vừa qua, Huawei ra mắt sản phẩm mới đầu tiên mà không có bộ ứng dụng Google là chiếc điện thoại Mate 30.
Chính lãnh đạo Huawei từng thừa nhận HongMengOS vẫn chưa thực sự sẵn sàng và tập đoàn này vẫn rất muốn hợp tác với Google. Tuy nhiên, lệnh cấm của Mỹ cũng tạo động lực đáng kể để Huawei nỗ lực trong việc tự chủ công nghệ, giảm phụ thuộc vào doanh nghiệp Mỹ.