Mỹ tính bơm tiền cho Nokia và Ericsson để cạnh tranh với Huawei
Tập đoàn Huawei Technologies của Trung Quốc hiện đang thống trị thị trường thiết bị viễn thông và 5G toàn cầu. Ảnh minh họa: Financial Times.
Financial Times mới đây dẫn nguồn tin riêng cho biết các quan chức chính phủ Mỹ đang xem xét việc cấp tín dụng cho Nokia và Ericsson, mục đích là giúp những tập đoàn công nghệ này đuổi kịp Huawei trong cung cấp các điều khoản thanh toán hào phóng cho khách hàng.
Đề xuất này là một phần trong nỗ lực giúp các công ty đối thủ cạnh tranh với đại gia công nghệ Huawei Technologies của Trung Quốc. Hiện nay Huawei là công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và đang bị Mỹ coi là mối đe dọa với an ninh quốc gia.
Financial Times dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ nói:
"Từ nhiều thập kỉ trước, chúng ta đã từ bỏ ưu thế của mình trong sản xuất thiết bị viễn thông. Giờ đây, chúng ta nhận ra rằng quyết định này không phải là điều tốt nhất cho an ninh quốc gia của Mỹ. Hầu như tất cả phòng ban, cơ quan chính phủ giờ đây đang cuống cuồng tìm cách quay lại top đầu của cuộc chơi."
"Nếu không, Huawei có thể sẽ sớm trở thành lựa chọn duy nhất cho bất cứ ai muốn xây dựng mạng 5G", quan chức này nói thêm.
Một quan chức Mỹ khác nói: "Đây là một trong những băn khoăn lớn của chính phủ vào thười điểm hiện tại. Mọi người từ Bộ Quốc phòng, Bộ Thương mại tới Bộ An ninh nội địa đều đang nghiên cứu vấn đề này".
Nhà Trắng từ chối yêu cầu bình luận của Financial Times.
Một cửa hàng Huawei tại Việt Nam. Ảnh: Song Ngọc.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Dell'Oro, Huawei hiện đang nắm giữ khoảng 28% thị phần thiết bị truyền thông. Huawei cũng có nhiều hợp đồng cung cấp mạng 5G hơn bất cứ công ty nào khác.
Hai đối thủ ngay sau Huawei là Ericsson và Nokia. Cả hai công ty này đều từ chối đưa ra bình luận.
Tháng 5 năm nay, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen về thương mại, cấm tập đoàn này mua sản phẩm của doanh nghiệp Mỹ, đồng thời cấm các cơ quan chính phủ Mỹ mua thiết bị của Huawei. Lí do mà chính phủ Mỹ đưa ra là lo ngại về an ninh quốc gia và bảo mật thông tin.
Tháng 9 vừa qua, Huawei đã buộc phải ra mắt dòng điện thoại mới Mate 30 mà không có hệ điều hành và ứng dụng của Google do lệnh cấm của Mỹ. Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi từng ước tính lệnh cấm của Mỹ có thể khiến hãng này thiệt hại khoảng 30 tỉ USD doanh thu trong hai năm.
Nhưng dường như lệnh cấm trên là chưa đủ để cản bước tiến của Huawei trong hoạt động xây dựng mạng 5G toàn cầu.
Cuối tháng 6 năm nay, Nikkei Asian Review dẫn lời Chủ tịch luân phiên của Huawei – ông Ken Hu cho biết, tính từ khi bắt đầu nhận đặt hàng năm ngoái, tập đoàn này đã giành được 50 hợp đồng thương mại cung cấp thiết bị mạng 5G tại 30 quốc gia trên thế giới, không kể Trung Quốc.
Có lẽ vì thế mà chính phủ Mỹ phải xem xét thêm các biện pháp như hỗ trợ các đối thủ của Huawei.
Tại sao Mỹ muốn tài trợ cho hai công ty châu Âu?
Theo Financial Times, sở dĩ Mỹ tính chuyện bơm tiền cho hai công ty châu Âu Ericsson và Nokia là bởi nước Mỹ không có tập đoàn công nghệ nào có khả năng cho ra sản phẩm cạnh tranh với Huawei.
Ông Dan Hesse – một cựu lãnh đạo cấp cao của Sprint và AT&T Wireless nhận định: "Các doanh nghiệp Mỹ từng rất mạnh trong thời kì thế giới dùng mạng điện thoại có dây. Nhưng cũng vì thế mà các doanh nghiệp này ngại chuyển đổi một cách nhanh chóng và quyết liệt sang thời kì mạng di động và internet".
Thực tế này làm lãnh đạo Mỹ rất lo lắng. Từ lâu Mỹ đã kêu gọi các quốc gia đồng minh "cấm cửa" thiết bị Huawei khi xây dựng mạng 5G vì lo ngại Bắc Kinh có thể thông qua Huawei để hoạt động gián điệp và đánh cắp thông tin mật.
Tuy nhiên khi được hỏi Mỹ có công ty nào có thể thay thế Huawei thì Mỹ không thể đưa ra được câu trả lời thỏa đáng. Đây là một phần lí do khiến Anh – một đồng minh thân thiết của Mỹ - vẫn quyết định cho Huawei phát triển mạng 5G của mình.
Một số quan chức Mỹ cho rằng cách tốt nhất để chặn đường thống trị của Huawei là giúp các đối thủ tiếp cận được dòng vốn tương tự như luồng tín dụng hàng tỉ USD mà Huawei nhận từ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc.
Chính nhờ dòng tín dụng ưu đãi này mà hiện nay Huawei sẵn sàng cho phép khách hàng thanh toán chậm hơn so với các đối thủ.
Một số quan chức Mỹ khác lại muốn thúc đẩy một giải pháp nội tại, tức là khuyến khích các tập đoàn lớn của Mỹ như Oracle và Cisco tham gia vào lĩnh vực sản xuất thiết bị truyền phát sóng như Huawei.
Theo nguồn tin của Financial Times, cả hai tập đoàn Mỹ trên đều khước từ lời đề nghị của chính phủ vì chi phí quá đắt đỏ và mất quá nhiều thời gian.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng đang tính đến phương án cấp vốn cho các nhà mạng internet vùng nông thôn để các nhà mạng này tháo gỡ thiết bị Huawei rồi thay bằng sản phẩm của Mỹ hoặc châu Âu. Tuy nhiên kế hoạch này vẫn chưa được Quốc hội thông qua.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/