Việt Nam và nhiều nước không dùng thiết bị 5G Huawei, CEO Nhậm Chính Phi nói: ‘Chê’ mạng tốc độ cao là chấp nhận tụt hậu
Một cửa hàng của Huawei tại Times City, Hà Nội. Ảnh: Song Ngọc.
Trong buổi trao đổi, CEO và nhà sáng lập của tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc nói về nhiều vấn đề như quá trình toàn cầu hóa, quan hệ Mỹ - Trung Quốc, tác động của lệnh cấm vận của Mỹ đối với Huawei, khả năng tăng trưởng và tạo lợi nhuận của công ty, ...
Dưới đây chúng tôi xin trích một đoạn từ cuộc phỏng vấn này:
The Economist: Khi ông nhìn vào quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, ông có lo lắng rằng nó sẽ ảnh hưởng tới tương lai của tiến trình toàn cầu hóa hay không?
Ông Nhậm Chính Phi: Tôi tin là có. Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Mỹ trước đây đóng vai trò là "Cảnh sát của Thế giới" và giữ gìn trật tự toàn cầu. Đổi lại, Mỹ có quyền phát hành đồng USD.
Nếu Mỹ tiếp tục cơ chế này và duy trì sự ổn định của đồng USD, Mỹ sẽ không thiệt gì.
Tuy nhiên, chính nước Mỹ lại phá hủy cơ chế này. Không ai còn tin rằng Mỹ đang muốn giữ gìn trật tự thế giới và cũng không cho rằng USD là đồng tiền dự trữ đáng tin cậy nhất hành tinh.
Khi niềm tin của thế giới vào nước Mỹ và đồng USD bắt đầu lung lay, nội bộ nước Mỹ sẽ có những bất ổn lớn.
The Economist: Trong năm 2019, các nhà ngoại giao Mỹ đã rất nỗ lực để thuyết phục đồng minh của mình không sử dụng thiết bị do Huawei sản xuất. Ông có thể cho biết những nỗ lực này của Mỹ đã thành công đến đâu?
Rõ ràng là Mỹ đang tập trung vào những đồng minh thân thiết như Anh hay Australia, nhưng có vẻ như những nước như Việt Nam cũng đang chịu sức ép về việc không dùng sản phẩm Huawei.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg mới đây, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) Lê Đăng Dũng nói: "Chúng tôi sẽ không hợp tác với Huawei ngay lúc này".
"Hiện tại, hợp tác với Huawei khá nhạy cảm. Có nhiều báo cáo cho thấy sử dụng thiết bị của Huawei không an toàn.
Do đó, với tất cả thông tin nói trên, lập trường của chúng tôi là Viettel sẽ hợp tác với các hãng thiết bị viễn thông an toàn hơn. Vì vậy mà chúng tôi lựa chọn Nokia và Ericsson, hai hãng đến từ châu Âu", ông Dũng nói.
Theo Bloomberg, các nhà mạng khác của Việt Nam dường như cũng đang tránh xa Huawei. Mobifone đang sử dụng thiết bị của Samsung Electronics, trong khi Vinaphone quyết định hợp tác với Nokia để triển khai mạng 5G của công ty.
Australia đã tuyên bố không cho phép Huawei tham gia vào phát triển mạng 5G của nước này. Nước Anh đang chịu sức ép rất lớn từ phía Mỹ nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức cuối cùng về việc có dùng thiết bị 5G của Huawei hay không.
Ông Nhậm Chính Phi: Việc các khách hàng không mua sản phẩm từ Huawei là hoàn toàn bình thường. Thực tế, nhiều khách hàng đã không mua hàng Huawei trong quá khứ. Quá trình lựa chọn chủ yếu dựa trên những cân nhắc mang tính thương mại.
Nói về 5G, tôi nghĩ việc chính trị hóa 5G hay coi 5G là thứ gì đó nguy hiểm là điều hết sức sai lầm. Việc Huawei trở thành tập đoàn số một về 5G trên thế giới và bỏ xa các đối thủ khác chỉ là một sự ngẫu nhiên.
Lấy ví dụ, khoảng 1.000 năm trước, Trung Quốc đang ở triều đại nhà Đường và nhà Tống. Chúng tôi khi đó là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Sự thịnh vượng được miêu tả trong bức tranh nổi tiếng Thanh minh thượng hà đồ (Dọc theo dòng sông trong lễ Thanh Minh) là hoàn toàn có thật chứ không phải bịa.
Vài trăm năm trước, người Anh phát minh ra tàu hỏa và tàu thủy chạy bằng hơi nước. Tuy nhiên Trung Quốc lại vẫn di chuyển bằng xe ngựa kéo là chủ yếu. Ngựa chậm hơn tàu và chở được ít hàng hóa hơn tàu hơi nước.
Tất nhiên triết lí và hệ thống xã hội của nước Anh cũng tạo điều kiện cho cuộc cách mạng công nghiệp khi đó. Anh trở thành một cường quốc công nghiệp và bán sản phẩm đi khắp thế giới. Ngày nay khoảng 2/3 dân số thế giới nói Tiếng Anh. Như các bạn thấy, tốc độ quyết định tiến bộ xã hội.
5G là một sản phẩm tuyệt vời mang lại tốc độ cao, băng thông rộng và độ trễ thấp. 5G tượng trưng cho tốc độ trong xã hội thông tin ngày nay. Bất cứ ai có được tốc độ sẽ có thể tiến lên phía trước nhanh hơn. Ngược lại, những quốc gia nào từ bỏ tốc độ và không lựa chọn các sản phẩm tốt có thể phải chịu cảnh kinh tế giảm tốc.
Nhậm Chính Phi
CEO Huawei
Tốc độ quyết định tiến bộ của xã hội. Mạng 5G tượng trưng cho tốc độ trong xã hội thông tin ngày nay.
Người Anh rất thông minh. Các trường đại học của Anh nằm trong nhóm tốt nhất trên thế giới. Nếu Anh muốn lấy lại địa vị của mình trong ngành công nghiệp, họ sẽ cần có tốc độ trong xã hội thông tin hiện nay.
Mạng cáp quang và công nghệ 5G trợ giúp mạng lưới này sẽ kết nối các siêu máy tính và siêu hệ thống lưu trữ để hỗ trợ cho trí thông minh nhân tạo (AI).
Nếu một AI có thể thay thế cho 10 công nhân, vậy thì nước Anh sẽ có thể trở thành một cường quốc công nghiệp với đội ngũ lao động tương đương hàng trăm triệu người.
Khi tôi nói một AI thay thế cho 10 công nhân là tôi chỉ ước chừng vậy thôi. Thực tế là trong một số ít trường hợp, với sự hỗ trợ của AI, chúng tôi nhận thấy hiệu quả có thể tăng tới 1.000 lần.
Cha đẻ của AI - nhà khoa học Alan Turing là một người Anh. Người nhân bản vô tính cừu Dolly cũng là người Anh. Tôi không thể hình dung được khi công nghệ gene và công nghệ điện tử kết hợp với nhau sẽ có thể mang lại những thành quả gì.
Tôi tin rằng nước Anh rất có tiềm năng trong việc khôi phục lại vị thế trước kia. Tốc độ sẽ quyết định liệu nước Anh có thành công một lần nữa hay không.
Mọi người đều biết rằng Trung Quốc là một nước nông nghiệp. Quân đội trước đây chủ yếu là bộ binh. Ngược lại, những người lính dân tộc thiểu số lại cưỡi trên lưng ngựa. Hai lần các dân tộc thiểu số ngoại bang thống trị Trung Quốc cũng là những lần cương thổ đất nước được mở rộng.
Một lần là Thành Cát Tư Hãn lập ra nhà Nguyên và một lần là vua Đường Thái Tông. Bộ binh rất chậm chạp nên không thể sánh được với kị binh.
CEO và nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Ảnh: Bloomberg.
The Economist: Trong những tháng qua, các hành động của Mỹ chống lại Huawei đã gây ra những tác động gì? Tình hình tài chính của công ty bị ảnh hưởng ra sao kể từ khi bị đưa vào Danh sách Thực thể hồi tháng 5? Doanh thu của công ty có bị ảnh hưởng không?
Ông Nhậm Chính Phi: Tính đến cuối tháng 8, doanh thu của chúng tôi tăng trưởng 19,7%, lợi nhuận ròng không đổi so với năm ngoái.
Tốc độ tăng trưởng của chúng tôi giảm từ 30% quí đầu năm xuống còn 23% nửa đầu năm và giờ còn 19,7%.
Lí do chính là sự tăng lên đáng kể trong hoạt động đầu tư chiến lược của chúng tôi. Chúng tôi đã tuyển dụng thêm hàng nghìn nhân viên trên khắp thế giới, đa phần là các nhân tài top đầu như các thần đồng trẻ tuổi, người mới tốt nghiệp Tiến sĩ, để giúp chúng tôi lấp các lỗ hổng do Danh sách Thực thể gây ra.
Hiện nay, danh sách Thực thể vẫn tác động đến mảng hàng tiêu dùng của chúng tôi và Huawei sẽ cần thêm thời gian để khắc phục vấn đề này.
The Economist: Huawei gặp vấn đề gì khi giao dịch với các ngân hàng phương Tây sau khi có tên trong Danh sách Thực thể không? Trước đây, Huawei vẫn sử dụng dịch vụ của các ngân hàng như Citi Group, HSBC, …
Ông Nhậm Chính Phi: Chúng tôi có bị ảnh hưởng. Nhưng dù không có sự hợp tác của các ngân hàng lớn, chúng tôi vẫn có thể xây dựng các kênh dàn xếp tài chính với ngân hàng nhỏ.
Sản phẩm chip của chúng tôi có phương án dự phòng và kế hoạch tài chính của chúng tôi cũng vậy.
The Economist: Cuối tháng này Huawei sẽ ra mắt dòng điện thoại di động mới Mate 30. Liệu sản phẩm này có các ứng dụng của Android và Google không?
Ông Nhậm Chính Phi: Chiếc Mate 30 sẽ không có hệ sinh thái Dịch vụ Di động Google (GMS) cài đặt sẵn.
The Economist: Nếu không có đủ bộ ứng dụng của Google, phải chăng doanh số của Huawei bên ngoài Trung Quốc sẽ suy giảm so với trước? Liệu công ty của ông có đối mặt với thiệt hại lớn về tài chính trong nửa cuối năm, trong quí IV hay không?
Ông Nhậm Chính Phi: Trước hết tôi phải khẳng định rằng chúng tôi muốn tiếp tục sử dụng hệ điều hành Android. Huawei và Google có quan hệ hữu hảo với nhau.
Dù chính phủ Mỹ cấm chúng tôi dùng, chúng tôi đã có các phương án thay thế. Sẽ phải mất 2-3 năm nữa hệ điều hành của chúng tôi mới thay thế được Android. Trong thời gian đó, doanh số bên ngoài Trung Quốc sẽ giảm. Đây là điều dễ hiểu.
Điện thoại thông minh của chúng tôi có những đặc trưng riêng biệt, bên cạnh hệ sinh thái các ứng dụng. Vì vậy chúng tôi tin rằng vẫn sẽ có nhiều khách hàng thích và tin dùng sản phẩm của chúng tôi.
The Economist: Khi Huawei phải dùng hệ điều hành của chính mình, ông có nghĩ là Huawei sẽ rơi vào cảnh thua lỗ không?
Ông Nhậm Chính Phi: Không, tăng trưởng của chúng tôi sẽ chậm lại, nhưng chúng tôi sẽ không thua lỗ.