|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

[Timeline] Cuộc chiến Huawei-Mỹ đã nổ ra và leo thang thế nào?

12:58 | 13/06/2019
Chia sẻ
Thông tin liên quan đến những tranh chấp, cáo buộc, trừng phạt, trả đũa ... giữa tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc và chính phủ Mỹ xuất hiện dày đặc trên các mặt báo trong thời gian gần đây, chúng tôi đã tổng hợp một danh sách sự kiện chính để độc giả tiện theo dõi.
[Timeline] Chuỗi bê bối gắn liền với Huawei bắt đầu như thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Hiện tại, Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thống số một thế giới. Đồng thời, "đại gia" viễn thông Trung Quốc cũng đánh bật Apple, trở thành hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai toàn cầu chỉ sau Samsung. Tuy nhiên, Huawei ngày càng rơi vào thế bí trong năm 2019.

Mỹ từng nhiều lần cáo buộc Huawei là "cánh tay nối dài" của quân đội và chính phủ Trung Quốc, vì vậy Mỹ bày tỏ lo ngại rằng thiết bị viễn thông của Huawei có thể được sử dụng với mục đích do thám các quốc gia và doanh nghiệp khác, đặc biệt là Mỹ.

Đó chính là lí do tại sao Mỹ cấm các doanh nghiệp nước này sử dụng thiết bị mạng của Huawei vào năm 2012 và liệt Huawei vào danh sách đen của Cục Công nghiệp và An ninh (thuộc Bộ Thương mại Mỹ) vào ngày 15/5. 

Ngày 17/5 vừa qua, sau một lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm Huawei và 68 chi nhánh vào danh sách đen, cấm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc mua công nghệ và linh kiện của doanh nghiệp Mỹ mà không có phê chuẩn của Chính phủ Mỹ.

Nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ (như Microsoft, Intel, Qualcomm, ...) và nước ngoài (Toshiba, ARM, ...) sau đó đã tuyên bố ngừng quan hệ làm ăn với đại gia viễn thông của Trung Quốc.

Về phần mình, Huawei từ lâu đã phủ nhận mọi hành vi sai trái cũng như khẳng định không có quan hệ thân thiết với chính phủ Trung Quốc như Mỹ cáo buộc.

Dưới đây là danh sách các sự kiện chính liên quan đến cuộc chiến Huawei - Mỹ mà chúng tôi tổng hợp từ nhiều nguồn như Cnet.com, Bloomberg, South China Morning PostReuters, SlashGear, ComputerWorld UK, Silicon UK GMSArena để độc giả tiện theo dõi vụ việc.

Những bất hòa xa xưa

Tháng 1/2003: Cisco cáo buộc Huawei sao chép phần mềm và hướng dẫn sử dụng. Đây là lần đầu tiên Huawei bị kiện về hành vi ăn cắp công nghệ ở nước ngoài.

Năm 2011: 8 năm sau, một bê bối khác nổ ra khi Verizon và AT&T gửi thông tin đến Bộ Thương mại Mỹ về phần mềm gián điệp có liên quan đến Huawei.

Tháng 9/2012: Bất chấp một số cáo buộc trước đó, Cựu Thủ tướng Anh David Cameron và nhà sáng lập Nhậm Chính Phi vẫn gặp nhau để xác nhận khoản đầu tư trị giá 1,3 tỉ bảng Anh, gồm chi phí cho nghiên cứu và phát triển cũng như trả lương cho nhân viên.

Tháng 10/2012: Một tháng sau khi Chính phủ Anh và nhà sáng lập Huawei kí kết thỏa thuận hợp tác, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ (PDF) cảnh báo về khả năng Huawei và ZTE gây rủi ro đến nước Mỹ. Theo sau báo cáo, một cuộc điều tra kéo dài 11 tháng đã được tiến hành. Đồng thời, Huawei cũng đối mặt với một lệnh cấm tại Canada.

CFO bị bắt - cái kết buồn cho một năm 2018 nhiều sóng gió

Ngày 9/1: Khởi đầu năm 2018, Huawei Technologies xác định thỏa thuận phân phối điện thoại thông minh thông qua công ty mạng viễn thông AT&T đã bị hủy bỏ.

Ngày 22/3: Không chỉ dừng lại ở AT&T, Huawei "tuột tay" đối tác bán lẻ Mỹ khác là Best Buy.

Ngày 2/5: Lầu Năm Góc ngày càng bày tỏ lo ngại về Huawei và quyết định cấm bán điện thoại di động hãng và ZTE tại các căn cứ quân sự của Mỹ.

Ngày 5/6: Reuters tiết lộ Facebook đã cho Huawei quyền truy cập đặc biệt vào cơ sở dữ liệu người dùng.

Ngày 11/7: Australia bất ngờ tuyên bố sẽ cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G do lo ngại về bảo mật.

Ngày 18/10: Dù thường xuyên dính dáng đến các buộc liên quan đến ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ từ phía Chính quyền Tổng thống Trump, Huawei không ngần ngại kiện công ty khởi nghiệp CNEX Labs của Mỹ (do một cựu nhân viên Huawei là Ronnie Huang đồng sáng lập) vì hành vi trộm cắp bí mật công nghệ. 

Ngày 6/12: Thế giới sửng sốt khi CFO của Huawei là bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu của Mỹ. Bà bị phía Mỹ cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận với Iran đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ. Bà Mạnh Vãn Chu là con gái của nhà sáng lập, CEO Huawei Nhậm Chính Phi.

2019: Bão tố ập đến

Ngày 11/1: Không lâu sau lệnh bắt giữ CFO, một nhân viên của Huawei tại Ba Lan đã bị bắt với cáo buộc làm gián điệp. Ba ngày sau, Huawei sa thải nhân viên đó.

Ngày 25/1: Reuters đưa tin một số trường đại học lớn tại Mỹ đã loại bỏ thiết bị Huawei để xoa dịu sức ép ngày càng lớn từ Chính quyền Tổng thống Trump. 

Ngày 29/1: Mỹ cáo buộc Huawei với 23 tội danh cho cáo buộc trộm cắp bí mật thương mại và gian lận.

Ngày 6/2: Bộ Ngoại giao Mỹ vận động các nước đồng minh châu Âu không sử dụng thiết bị Huawei cho việc triển khai mạng 5G, tuy nhiên Đức, Italy và Anh đều chần chừ ra quyết định cuối cùng.

Ngày 20 -  21/2: Nhà sáng lập, CEO Nhậm Chính Phi lên tiếng, cho rằng việc bắt giữ con gái ông, CFO của công ty, "xuất phát từ động cơ chính trị và Mỹ đối xử với 5G như một công nghệ quân sự".

Ngày 22/2: Các chính trị gia Italy "nhập cuộc", khuyến khích lệnh cấm mạng 5G Huawei.

Ngày 8/3: Để đáp trả động thái gây sức ép từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, Huawei kiện Chính phủ Mỹ vì lệnh cấm thiết bị của hãng.

Ngày 12/3: Mỹ yêu cầu Đức từ bỏ Huawei, nếu không Mỹ sẽ hạn chế chia sẻ thông tin tình báo. 

Ngày 14/3: Huawei tuyên bố đã "lo xa" và phát triển hệ điều hành riêng trong trường hợp không thể sử dụng Android hoặc Windows.

Ngày 19/3: Trái ngược với Italy, Thủ tướng Angela Merkel đẩy lùi áp lực từ phía Mỹ trong việc ngăn chặn Huawei tham gia vào hoạt động triển khai mạng 5G của Đức.

Ngày 29/3: Huawei chỉ trích Mỹ có "thái độ của kẻ thua cuộc" bởi công nghệ của nước này không thể cạnh tranh lại hãng.

Ngày 30/4: Bloomberg đưa tin hãng thông tin di động Vodafone từng tìm thấy cửa hậu giấu trong thiết bị Huawei vào năm 2011-2012. Vodafone cho biết sự việc đã được giải quyết ngay thời điểm đó.

Ngày 3/5: Các quốc gia soạn thảo đề xuất bảo mật 5G khi Mỹ một lần nữa cảnh báo về mối đọa liên quan đến thiết bị của Huawei.

Ngày 15/5: Giữa lúc căng thẳng Mỹ và Huawei lên cao, Tổng thống Trump ra lệnh hành pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về lĩnh vực an toàn công nghệ thông tin.

Ngày 16/5: Huawei khẳng định lệnh cấm của Mỹ  sẽ "gây hại đáng kể" đến thị trường việc làm và doanh nghiệp Mỹ.

Ngày 17/5: Căng thẳng tiếp tục leo thang khi Bộ Thương mại Mỹ liệt Huawei và 68 chi nhánh vào danh sách đen, cấm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc mua công nghệ và linh kiện của doanh nghiệp Mỹ mà không có phê chuẩn của Chính phủ Mỹ.

Ngày 19/5: Tuân thủ lệnh của Chính quyền Tổng thống Trump, Google tuyên bố ngừng cập nhật phiên bản hệ điều hành Android mới cho điện thoại Huawei sản xuất.

Ngày 20/5: Google cập nhật Android cho Huawei trong 90 ngày sau khi Bộ Thương mại Mỹ giảm bớt một số điều kiện trong lệnh cấm với gã khổng lồ Trung Quốc. Tuy nhiên, khác với động thái mềm mỏng hơn từ Google, các nhà sản xuất chip (Intel, Qualcomn, Xilinx và Broadcom) đã thông báo với nhân viên rằng họ sẽ không cung cấp linh kiện cho Huawei cho đến khi có thông báo mới từ chính phủ.

Ngày 23/5: Mỹ cáo buộc Huawei che giấu mối quan hệ với Chính phủ Trung Quốc.

Ngày 26/5: Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi cho biết ông sẽ là "người đầu tiên phản đối" nếu Trung Quốc trả đũa Apple.

Ngày 28/5: Nhằm đối phó với tình trạng cắt đứt hợp tác từ các doanh nghiệp Mỹ, Huawei được cho là đã lên kế hoạch "tự cung tự cấp" hệ điều hành riêng tại Trung Quốc, dự kiến phát hành trong nước vào cuối năm nay, và trên thị trường quốc tế vào năm 2020.

Ngày 30/5: Nối gót loạt ông lớn ngành công nghệ Mỹ khác, Microsoft ngừng cung cấp hệ điều hành Windows cho Huawei.

Chiến tranh công nghệ lan sang lĩnh vực khoa học sau khi cộng đồng khoa học lớn nhất thế giới (Viện Kĩ sư Điện và Điện tử - IEE) cấm nhân viên Huawei bình duyệt các nghiên cứu.

Ngày 31/5: Huawei được cho là đã huỷ các cuộc họp quan trọng, yêu cầu nhân viên quốc tịch Mỹ rời trụ sở ở Trung Quốc về nước. 

Ngày 3/6: IEE bỏ lệnh cấm bình duyệt đối với nhân viên Huawei.

Ngày 5/6: Chủ tịch Huawei "xuống nước", cho biết công ty sẵn sàng kí thỏa thuận "không làm gián điệp" với Mỹ.

Ngày 6/6: Trong khi đang căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc hợp tác với Nga để Huawei phát triển mạng 5G của nước này. Đồng thời, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới  cũng hỗ trợ Huawei bằng cách cấp giấy phép thương mại 5G cho 4 doanh nghiệp.

Ngày 7/6: Facebook ngừng cho phép Huawei cài đặt sẵn các ứng dụng của họ trên điện thoại của hãng. 

Google cũng được cho là đã cảnh báo Chính quyền Tổng thống Trump rằng lệnh cấm Huawei có thể gây rủi ro an ninh quốc gia. Phiên tòa về việc dẫn độ CFO Mạnh Vãn Chu từ Canada sang Mỹ được lên lịch vào tháng 1/2020.

Ngày 9/6: Căng thẳng tạm dịu bớt khi có tin Google ra sức vận động Chính phủ Mỹ cho phép giữ lại mối quan hệ hợp tác với Huawei. Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Tổng thống Donald Trump có thể nới lỏng các hạn chế đối với Huawei nếu có tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Yên Khê

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.