|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lên tiếng bênh vực Huawei, lãnh đạo Microsoft bị loạt thượng nghị sĩ Mỹ gửi thư cảnh báo

05:57 | 11/10/2019
Chia sẻ
Các thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng Huawei là mối đe dọa rất thật, rất cấp bách đối với an ninh quốc gia Mỹ và do vậy, Microsoft không thể lơ là, mất cảnh giác.

Huawei June 2019 Reuters

CEO Huawei Nhậm Chính Phi tại một sự kiện vào tháng 6/2019. Ảnh: Reuters.

Tháng 5 năm nay, tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen về thương mại với cáo buộc hỗ trợ hoạt động gián điệp của Bắc Kinh và đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Từ đó, Huawei không được phép mua bất kì sản phẩm, dịch vụ nào từ các doanh nghiệp Mỹ, bao gồm cả hệ điều hành Android của Google hay Windows của Microsoft.

"Huawei là mối đe dọa rất thật và cấp bách"

Tháng trước trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Bloomberg Businessweek, ông Brad Smith - Chủ tịch (President) kiêm Giám đốc Pháp chế của Microsoft đã cho rằng lệnh cấm vận mà Mỹ áp lên Huawei cần được xem xét lại để đảm bảo rằng mọi việc được thực hiện "trên cơ sở hợp lí về tình hình thực tế, logic và luật pháp".

Quan điểm này của vị lãnh đạo Microsoft đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của những người có thái độ cứng rắn đối với Huawei. 

Hôm 7/10 vừa qua, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã gửi thư cho ông Brad Smith, khẳng định rằng "những lo ngại an ninh đối với Huawei là rất thật và cấp bách".

Trong bức thư của mình, 5 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa là Marco Rubio, Tom Cotton, Rick Scott, Mike Braun và Josh Hawley phân tích chi tiết các cáo buộc của mình về hoạt động gián điệp, ăn cắp công nghệ và gây chiến tranh kinh tế của Huawei.

Từ đó, các nghị sĩ này kết luận "Có nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy Huawei phục vụ hoạt động thu thập tình báo của nhà nước Trung Quốc".

Các nghị sĩ còn trích dẫn lời của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho biết: "Huawei là phương tiện giúp Trung Quốc thâm nhập vào hệ thống mạng của chúng ta, nhằm mục đích lấy thông tin hoặc làm hỏng hệ thống hoặc phá hoại những gì chúng ta đang cố gắng làm".

Bằng chứng chống lại Huawei là thông tin tuyệt mật

Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 9, Giám đốc Pháp chế Brad Smith của Microsoft còn cho rằng những bằng chứng chống lại Huawei còn khá mờ nhạt và không được công bố rộng rãi.

Khi ông hỏi các cơ quan quản lí về nguyên nhân trừng phạt Huawei, câu trả lời thường là "Nếu bạn biết những gì chúng tôi biết, bạn sẽ nhất trí với chúng tôi".

Ông chia sẻ với Bloomberg: "Và chúng tôi đáp, 'Tuyệt, hãy cho Microsoft biết các vị đang có những thông tin gì, để chúng tôi có thể tự đưa ra quyết định. Đó là cách nước Mỹ vận hành'".

Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đồng ý với quan điểm của ông Smith rằng đa phần các thông tin chính phủ liên quan đến vụ việc này đều là tuyệt mật và họ "rất thông cảm với nỗi băn khoăn rằng Microsoft và các doanh nghiệp khác không được biết những thông tin chống lại Huawei".

Vì không thể công bố các thông tin mật nói trên, trong bức thư của mình các nghị sĩ đã dẫn chứng các cáo buộc gián điệp chống lại Huawei ở Ethiopia, Uganda và Ba Lan.

Báo cáo công nghệ của tổ chức Finite State cho rằng "Các thiết bị Huawei có rủi ro định lượng cao đối với người dùng. Trong hầu hết các hạng mục mà chúng tôi kiểm tra, thiết bị của Huawei tỏ ra kém bảo mật hơn so với các nhà cung cấp thiết bị tương tự".

Nghiên cứu của tổ chức Henry Jackson Society thì cho rằng một số lượng đáng kể nhân viên của Huawei có quan hệ với cơ quan quân đội và tình báo, dẫn tới tình trạng "đại gia viễn thông này và các tổ chức công nghệ cao do quân đội hỗ trợ có quan hệ mật thiết hơn nhiều người trước đây vẫn tưởng".

Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa còn chỉ ra cụ thể rằng nhà sáng lập và CEO của Huawei là Nhậm Chính Phi từng là một kĩ sư trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA). Ngoài ra, Đảng Cộng sản Trung Quốc còn "có văn phòng và cán bộ ở trong trụ sở của Huawei tại thành phố Thẩm Quyến".

Huawei từng khẳng định việc công ty này có chi bộ Đảng là bắt buộc, theo qui định của Trung Quốc.

Huawei self (4)

Một cửa hàng bán thiết bị di động của Huawei. Ảnh: Song Ngọc.

Huawei thiệt hại hay ngành công nghệ Mỹ thiệt hại?

Trong buổi phỏng vấn hồi tháng 9, ông Smith còn so sánh tình cảnh của Huawei với một doanh nghiệp trong ngành nghỉ dưỡng – một lĩnh vực quen thuộc với Tổng thống Donald Trump.

"Nói một công ty công nghệ có thể bán sản phẩm nhưng không được mua hệ điều hành hay chip thì chẳng khác nào bảo một công ty khách sạn rằng nó thể mở cửa đón khách nhưng không được nhập giường chiếu hay mua thức ăn. Trong cả hai trường hợp, sự tồn vong của công ty đều bị đe dọa".

Đáp lại lập luận này, 5 thượng nghị sĩ đã kể ra những bê bối công nghiệp của Huawei với ý nói chính ngành công nghệ của Mỹ đã phải chịu thiệt hại và bị đe dọa. 

Các ví dụ được kể đến bao gồm cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ của T-Mobile, Cisco, Motorola và Nortel; cáo buộc rằng chính phủ Trung Quốc giúp Huawei tăng trưởng thần tốc bằng "trợ cấp, tài trợ xuất khẩu và bảo lãnh các khoản vay".

Ngoài ra, các nghị sĩ còn cho rằng Huawei đã dùng các công ty vỏ bọc ở Iran và Syria để vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính của Huawei, đồng thời là con gái của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đã bị cảnh sát Canada bắt giữ theo yêu cầu của phía Mỹ cũng vì cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận này.

Nhìn chung, bức thư của năm thượng nghị sĩ Mỹ không gây nhiều ngạc nhiên và không có chi tiết nào thực sự mới. Có thể coi bức thư này là một phản ứng tiêu cực đối với bình luận của vị lãnh đạo Microsoft và là một công cụ để thể hiện rõ quan điểm của các chính trị gia.

Thời gian sóng gió với Huawei

Trong vài tuần vừa qua, Huawei phải trải qua một quãng thời gian sóng gió. Chiếc smartphone Mate 30 của Huawei trở thành dòng sản phẩm đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề từ lệnh cấm vận của Mỹ do không được cài hệ điều hành Android của Google.

Thay vào đó, chiếc Mate 30 sử dụng hệ điều hành HongMengOS do Huawei tự phát triển.

Vì vậy, giới phân tích theo dõi sát sao các thông tin liên quan đến dòng sản phẩm này để đánh giá xem tác động của lệnh cấm vận của Mỹ lên Huawei thực sự lớn đến đâu.

Tháng 6 năm nay, CEO Huawei Nhậm Chính Phi từng ước tính lệnh cấm của Mỹ có thể khiến tập đoàn này thiệt hại khoảng 30 tỉ USD doanh thu trong vòng hai năm.

Trả lời phỏng vấn tờ The Economist tháng 9 vừa qua, ông Nhậm Chính Phi nói: "Tính đến cuối tháng 8, doanh thu của chúng tôi tăng trưởng 19,7%, lợi nhuận ròng không đổi so với năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng của chúng tôi giảm từ 30% quí đầu năm xuống còn 23% nửa đầu năm và giờ còn 19,7%".

Khi được hỏi liệu Huawei có nguy cơ thua lỗ hay không, vị CEO quả quyết: "Không, tăng trưởng của chúng tôi chậm lại, nhưng chúng tôi sẽ không thua lỗ".

Ông Nhậm Chính Phi và Huawei từ lâu đã phủ nhận mọi cáo buộc của Mỹ liên quan tới đánh cắp công nghệ, hỗ trợ gián điệp hay đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Song Ngọc, Kiên Dương

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.