Doanh thu Huawei tăng trưởng mạnh dù bị Mỹ cấm vận
Bloomberg đưa tin, tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc Huawei vừa cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay đạt 610,8 tỉ nhân dân tệ, tương đương 86,1 tỉ USD, tăng trưởng 24% so với cùng kì năm ngoái. Riêng quí III, doanh thu của tập đoàn này tăng 27%.
Doanh số smartphone 9 tháng tăng 26% so với cùng kì 2018, lên mức 185 triệu đơn vị, giúp Huawei củng cố vị trí thứ hai trên thị trường smartphone toàn cầu.
Huawei bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen về thương mại vào ngày 16/5 năm nay với cáo buộc hỗ trợ chính phủ Trung Quốc trong hoạt động tình báo, gián điệp, đánh cắp bí mật của quốc gia khác.
Từ đó, Huawei không được phép mua sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp Mỹ, bao gồm các linh kiện chip của Qualcomm, Intel, hệ điều hành Windows của Microsoft hay bộ ứng dụng (app) của Google, …
Trả lời phỏng vấn truyền thông phương Tây hồi tháng 5, CEO và nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi ước tính tập đoàn này có thể thiệt hại 30 tỉ USD doanh số vì lệnh cấm của Mỹ. Con số này được tính toán dựa trên kế hoạch kinh doanh năm 2019, không phải dựa vào doanh thu thực tế 2018.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC đầu tháng 10 này, ông Nhậm Chính Phi cho biết sau khi nghiên cứu và đánh giá thêm tình hình, ban lãnh đạo Huawei cho rằng thiệt hại từ lệnh cấm vận của Mỹ sẽ không quá 10 tỉ USD.
Kết quả kinh doanh (chưa được kiểm toán) nói trên của Huawei cho thấy lệnh cấm của Mỹ vẫn chưa có tác động quá nghiêm trọng đến hoạt động doanh nghiệp.
Trong mấy tháng qua, Huawei đã nỗ lực cơ cấu lại hoạt động của mình theo hướng loại bỏ các lĩnh vực không cốt lõi, tập trung vào mảng kinh doanh chính là điện thoại di động và thiết bị viễn thông, đáng chú ý nhất là mạng 5G.
Ngoài ra, ban lãnh đạo Huawei cũng nhiều lần lên tiếng phủ nhận các cáo buộc gián điệp và ăn cắp bí mật mà phía Mỹ đưa ra, cố gắng duy trì hoặc lấy lại lòng tin của khách hàng.
Một số quốc gia như Nhật Bản, Australia, New Zealand đã cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G tại nước mình, trong khi một số quốc gia khác như Đức – bất chấp áp lực lớn từ Mỹ - vẫn quyết định không cấm đại gia công nghệ Trung Quốc này.
Một cửa hàng bán điện thoại Huawei tại Việt Nam. Ảnh: Kiên Dương
Trong "thời khắc sinh tử", Huawei trông cậy vào quê hương
Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi từng thông báo tới nhân viên của Huawei rằng lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Trump đã đẩy tập đoàn này vào "thời khắc sinh tử" và kêu gọi hàng nghìn kĩ sư của hãng chia ca làm việc suốt ngày đêm để bớt phụ thuộc vào công nghệ Mỹ, giảm thiểu tác động của lệnh cấm.
Một số hãng sản xuất chip Mỹ như Intel và Micron cho biết họ đã tìm ra cách để nối lại hoạt động cung cấp linh kiện cho Huawei – một tin rất đáng mừng cho hãng công nghệ Trung Quốc này.
Doanh số smartphone 9 tháng của Huawei vẫn tăng trưởng cao 26% cho thấy Trung Quốc – thị trường quê nhà của Huawei và cũng là thị trường lớn nhất thế giới – vẫn đang bù đắp tốt sự sụt giảm doanh số ở nước ngoài.
Smartphone Huawei dùng cho thị trường Trung Quốc không sử dụng các ứng dụng, phần mềm của Google hay Microsoft như phiên bản xuất khẩu. Vì vậy, lệnh cấm của Mỹ hầu như không ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số bán smartphone tại quê nhà.
Theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường IDC, trong năm 2018 Huawei đã bán tổng cộng hơn 206 triệu chiếc smartphone.
Huawei hiện đang hưởng lợi ở thị trường trong nước và sắp tới doanh số smartphone của hãng có thể tăng mạnh do cuối năm là mùa mua sắm tấp nập. Theo Bloomberg, Huawei đang đặt mục tiêu chiếm 50% thị phần smartphone Trung Quốc.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy nỗ lực của Mỹ trong việc ngăn cấm Huawei tham gia thị trường mạng 5G đang không thành công. Hôm nay 16/10, tập đoàn này cho biết đã kí hơn 60 hợp đồng thương mại 5G trên khắp thế giới.
Một lãnh đạo Huawei tại Ấn Độ cho biết chính phủ nước này "không có phản ứng tiêu cực nào" về Huawei.
Mỹ từng yêu cầu các nước đồng minh không nên dùng thiết bị Huawei vì nguy cơ rò rỉ thông tin mật, đồng thời đe dọa sẽ ngừng cung cấp tin tình báo quan trọng cho những nước không nghe theo.
Dù vậy tại Đức – một trong những thị trường viễn thông lớn nhất châu Âu – chính quyền Thủ tướng Angela Merkel vẫn kiên quyết không loại Huawei ra khỏi quá trình đấu thầu cung cấp thiết bị 5G.
Thị trường lớn nhất của Huawei vẫn là quê nhà Trung Quốc. Các nhà mạng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đều đã sẵn sàng xây dựng mạng 5G và không cần phải lo ngại vấn đề an ninh quốc gia khi chọn thiết bị Huawei.
Hiện chưa rõ lệnh cấm vận kéo dài của Mỹ có thể chặn được đà tăng trưởng của Huawei hay không. Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi từng thừa nhận tăng trưởng của Huawei đã chậm lại nhưng chắc chắn sẽ không đến mức thua lỗ.
Huawei là biểu tượng của sự trỗi dậy về công nghệ của quốc gia tỉ dân và hiện nay là tâm điểm trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Nhiều người chỉ trích rằng Huawei đã ăn cắp bí mật công nghệ từ Cisco System và Motorola Solutions để leo lên vị trí dẫn đầu ngành viễn thông thế giới hiện nay.
CEO Nhậm Chính Phi và các lãnh đạo của Huawei phủ nhận những cáo buộc trên và khẳng định nhiều năm nghiên cứu cùng các khoản đầu tư khổng lồ đã giúp Huawei đạt được thành quả ngày nay.
Huawei chi 15,3 tỉ USD cho hoạt động R&D trong năm 2018, nhiều hơn Microsoft, Apple, Intel. Nguồn: Bloomberg, EqualOcean.
Huawei hiện đang tăng cường chi tiêu vào chip trí tuệ nhân tạo (AI) và phần mềm di động. Nhân viên Huawei được kêu gọi nỗ lực tìm kiếm hoặc phát triển các sản phẩm hay phần mềm thay thế công nghệ của Mỹ để duy trì lợi thế của hãng trên thị trường smartphone và công nghệ 5G.