|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ-Trung đối chọi, quét sạch hàng tỉ USD của Apple, Boeing cùng nhiều hệ lụy

20:04 | 18/05/2020
Chia sẻ
Động thái chặn nguồn chip cung ứng của Huawei Technologies mà Bộ Thương mại Mỹ công bố hồi tuần trước là khởi đầu cho một giai đoạn căng thẳng mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời thể hiện lập trường của ông Trump đối với Trung Quốc trong thời gian tranh cử.

Hệ lụy đầu tiên do doanh nghiệp hai bên cùng gánh

Trong vài tuần trở lại đây, Tổng thống Donald Trump đã liên tục chỉ trích Trung Quốc che đậy đại dịch và đe dọa trừng phạt.

Tuy nhiên, qui định mới của Bộ Thương mại Mỹ - công bố hôm 15/5 - lại là biện pháp trừng phạt kinh tế lớn đầu tiên của chính quyền ông Trump với Trung Quốc sau khi hai nước đặt bút kí thỏa thuận giai đoạn một hồi tháng 1 năm nay.

Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ cấm các công ty toàn cầu như TSCM cung ứng chip sử dụng thiết bị và phần mềm Mỹ cho Huawei mà không có giấy phép.

"Ai là gà" là lí thuyết trò chơi mà hai người chơi lái ô tô đối đầu nhau trên một con đường hẹp. Nếu không tránh, cả hai sẽ đâm vào nhau và cùng thua cuộc, nếu một người rút lui trước thì sẽ bị gọi là "gà".

Dù vậy, căng thẳng leo thang đặt hai siêu cường vào thế "ai là gà" vì sau động thái của Bộ Thương mại Mỹ, Trung Quốc cũng đe dọa trả đũa.

"Dựa theo thông tin tôi nắm được, nếu Mỹ chặn nguồn cung ứng công nghệ chính của Huawei, Trung Quốc sẽ kích hoạt 'danh sách thực thể không đáng tin cậy', hạn chế hoặc điều tra các công ty Mỹ như Qualcomm, Cisco và Apple, cũng như ngừng mua máy bay Boeing", ông Hồ Tích Tiến - tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, cho hay.

Nikkei Asian Review nhận định, nếu lời đe dọa của Trung Quốc thành hiện thực, Boeing sẽ thiệt hại lớn. Hãng chế tạo máy bay Mỹ đã gặp không ít rắc rối với lệnh cấm bay của dòng 737 MAX sau hai tai nạn thảm khốc hồi năm ngoái cũng như lệnh hạn chế bay vì đại dịch COVID-19.

Mỹ - Trung đối chọi, quét sạch hàng tỉ USD của Apple, Boeing và kéo theo nhiều hệ lụy khác - Ảnh 3.

Nếu Trung Quốc hành động như lời đe dọa với Mỹ, Boeing sẽ chịu thiệt hại vô cùng lớn. (Ảnh: Reuters)

Tháng trước, Boeing cho biết đã cắt giảm 16.000 việc làm, tương đương 10% lực lượng lao động của tập đoàn. Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 13,6% tổng doanh thu của Boeing trong năm 2018, thời điểm mà cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa được kích hoạt.

Qualcomm đang đặt cược tăng trưởng vào việc thương mại hóa mạng 5G, đặc biệt là tại Trung Quốc. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ kì vọng nhu cầu của thị trường tỉ dân sẽ phục hồi, giúp họ bù mức giảm lợi nhuận 29% trong quí I do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

"Tuy nhiên, Trung Quốc có thể nhanh chóng rời bỏ Qualcomm", ông Brad Gastwirth - chiến lược gia công nghệ tại Wedbush Securities, cho hay.

Trong khi đó, Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan chiếm hơn 16% tổng doanh thu của Apple, theo báo cáo tài chính mới nhất của "táo khuyết". Ngoài là thị trường tiêu dùng khổng lồ của Apple, Trung Quốc còn là cơ sở sản xuất lớn nhất của công ty này.

Theo Nikkei, Boeing, Apple và Qualcomm đã mất tổng cộng 14 tỉ USD vốn hóa vào ngày 15/5 do lo ngại Trung Quốc trả đũa Mỹ.

Hệ lụy về mặt chính trị và thương mại

Sau khi ý định gia tăng áp lực nhắm vào Huawei của chính phủ Mỹ được tiết lộ vào tháng 3, ông Eric Xu - chủ tịch luân phiên của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, cho biết ông không nghĩ rằng "Bắc Kinh sẽ ngồi xem Huawei bị ức hiếp". Ông Xu cũng cảnh báo về nguy cơ leo thang căng thẳng nếu Washington thực hiện một bước đi như vậy.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể "tự bắn vào chân mình nếu trả đũa doanh nghiệp Mỹ để chứng tỏ sự cứng rắn của chính quyền ông Tập Cận Bình", bà Wendy Cutler - cựu nhà đàm phán thương mại của Mỹ kiêm phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á (tại New York), nhận định.

Hành động như thế "có thể đẩy nhanh tốc độ doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc ngay tại thời điểm Bắc Kinh cần các công ty này để phục hồi kinh tế", bà Cutler nói.

Một cuộc xung đột ăn miếng trả miếng cùng thời gian này cũng có thể gây hại cho Mỹ khi trong quí I năm nay, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã sụt 4,8% so với cùng kì năm ngoái. Hơn 36 triệu người lao động Mỹ đã nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp kể từ khi lệnh phong tỏa được ban bố.

Tuy nhiên, giới chính trị gia tại thủ đô Washington đang có xu hướng gây leo thang căng thẳng Mỹ - Trung, một số nhà lập pháp diều hâu kêu gọi chính quyền ông Trump trừng phạt kinh tế, dừng cấp thị thực cho người dân Trung Quốc,...

"Các bằng chứng cho thấy ông Trump quan tâm nhất đến nhiệm kì thứ hai của bản thân, sau đó mới đến vấn đề thương mại", ông Daniel Russel - một chuyên gia chính sách khác tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, cho hay.

"Ông Trump đã ngăn các diều hâu có tư tưởng bài xích Trung Quốc trong chính phủ và ngăn Bộ Thương mại hoặc Bộ Ngoại giao áp các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Trung Quốc" khi cố gắng đàm phán thỏa thuận giai đoạn một với ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, "khi nhận thấy công kích Trung Quốc mang lại lợi thế về mặt chính trị, ông Trump đã tỏ ra cứng rắn", ông Russel lí giải.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, quan hệ thù địch giữa hai nước lại gia tăng, mỗi bên đều lên tiếng chỉ trích hoặc đổ lỗi cho phía còn lại.

Theo Nikkei, Bắc Kinh ca ngợi mô hình quản lí đất nước ưu việt của họ đã mang lại hiệu quả trong quá trình kiểm soát dịch bệnh, đồng thời một số quan chức trong chính quyền đưa ra thuyết âm mưu rằng virus SARS-CoV-2 được quân đội Mỹ mang đến Trung Quốc.

Chính quyền ông Trump cáo buộc Bắc Kinh che đậy dịch bệnh và thông đồng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tổng thống Trump cùng một số quan chức như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định rằng virus SARS-CoV-2 thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán mà không có bằng chứng.

Báo cáo của tình báo Mỹ cũng kết luận rằng ban đầu, Trung Quốc đã hạ thấp mối nguy của đại dịch để tích trữ vật tư y tế. Hôm 14/5, ông Trump còn đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh nếu muốn.

"Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc chỉ giỏi dọa chứ không hành động vì mối quan hệ song phương khó mà cắt đứt chỉ trong một đêm được", ông Todd Mariano - giám đốc công ty tư vấn Eurasia Group, nhận định.

Mặc dù ông Trump hiện đang không thể sử dụng các biện pháp thương mại như thuế quan trừng phạt vì kinh tế trong nước lao dốc, ông vẫn còn trong tay các công cụ phi thương mại hoặc các biện pháp trừng phạt cụ thể như lệnh cấm cung ứng linh kiện cho Huawei để tấn công Trung Quốc.

Trong vài năm qua, Bắc Kinh cũng đã tấn công ông Trump ở chỗ hiểm, cụ thể là các tiểu bang nông nghiệp có đông đảo cử tri ủng hộ ông Trump nhưng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để xuất khẩu đậu nành.

Yên Khê