|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc tiết lộ hình phạt cho các công ty nằm trong danh sách đen

16:12 | 19/09/2020
Chia sẻ
Hôm nay (19/9), Trung Quốc đã tiết lộ các biện pháp trừng phạt và qui trình thực thi của "danh sách thực thể không đáng tin cậy" mà Bắc Kinh lần đầu công bố vào tháng 5/2019, giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Trung Quốc tiết lộ hình phạt cho các công ty nằm trong danh sách đen - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AFP)

Theo thông báo ngày 19/9 trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc, các hình phạt dành cho bất kì quốc gia, doanh nghiệp, hội nhóm hoặc cá nhân nào xuất hiện trong "danh sách thực thể không đáng tin cậy" sẽ bao gồm hạn chế hoạt động thương mại (xuất - nhập khẩu), đầu tư và thị thực (visa).

Ngoài ra, giới chức Trung Quốc cũng sẽ "thực hiện các động thái phù hợp" đối với các công ty, tổ chức và cá nhân nước ngoài nếu hoạt động kinh doanh hoặc hành động có liên quan đến họ "gây tổn hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc".

Bên cạnh đó, động thái tương tự cũng áp dụng cho các công ty và cá nhân nước ngoài "vi phạm qui tắc thị trường, ngừng nghĩa vụ hợp đồng với các công ty hoặc cá nhân Trung Quốc, hoặc thực hiện các hành động phân biệt đối xử với doanh nghiệp hoặc cá nhân Trung Quốc đến mức làm tổn hại nghiêm trọng lợi ích hợp pháp của họ".

Theo South China Morning Post (SCMP), Bắc Kinh sẽ thành lập một văn phòng để điều tra và đưa ra phán quyết về các tổ chức hoặc cá nhân bị nghi ngờ vi phạm loạt qui định mới của Bộ Thương mại Trung Quốc.

Bất kì tổ chức hay cá nhân nào bị điều tra đều có cơ hội tự bào chữa và cho thêm thời gian để sửa chữa các hành vi không phù hợp.

Trong trường hợp Trung Quốc xác định một cá nhân vi phạm qui định mới, người đó sẽ bị tước giấy phép làm việc và cư trú, đồng thời có thể bị từ chối thị thực vào Trung Quốc. Trong một số trường hợp, phía vi phạm còn phải nộp phạt.

Tuy nhiên, dù công bố cụ thể về các biện pháp trừng phạt liên quan đến danh sách thực thể không đáng tin cậy, Trung Quốc lại không tiết lộ công ty hay cá nhân nước ngoài nào đang nằm trong danh sách.

Theo Bloomberg, Trung Quốc lần đầu tiên thông báo về danh sách thực thể không đáng tin cậy (tương tự như danh sách đen thương mại của Mỹ) vào giữa năm ngoái, khi cuộc chiến thương mại với Washington lên đến đỉnh điểm.

Cụ thể, tháng 5/2019, Bắc Kinh cho biết sẽ liệt các công ty hoặc cá nhân nước ngoài vi phạm qui tắc thị trường/qui định hợp đồng hoặc thực hiện các biện pháp làm tổn hại đến doanh nghiệp Trung Quốc hoặc đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc vào danh sách đen.

Thông báo của Bắc Kinh hồi năm ngoái khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài lo lắng không biết danh sách đen này sẽ được thực thi như thế nào.

Trước đây, SCMP từng đưa tin rằng các nhà chức trách Trung Quốc đã hoàn thiện chi tiết  danh sách vào cuối năm ngoái nhưng chần chừ công bố do lo ngại về phản ứng dữ dội của doanh nghiệp quốc tế, có thể khiến đất nước tỉ dân kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Giới phân tích đồn đoán rằng FedEx có thể là công ty đầu tiên bị Bắc Kinh đưa vào danh sách đen sau khi Trung Quốc tiến hành một cuộc điều tra vào năm ngoái để đánh giá các cáo buộc rằng hãng này cho phép vận chuyển vũ khí đến Trung Quốc và chuyển các gói hàng của Huawei sang Mỹ trái phép.

Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra thông báo mới nhất trong bối cảnh các ứng dụng Trung Quốc gồm TikTok và WeChat sẽ bị cấm tại Mỹ từ ngày 20/9.

Trong một tuyên bố riêng cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên án động thái chống lại WeChat và TikTok của chính phủ Mỹ. Bộ này cho hay họ sẽ thực hiện "các biện pháp cần thiết" để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc.

Giáo sư Liao Shiping của Đại học Sư phạm Bắc Kinh nhận định, danh sách đen của Trung Quốc chỉ nhắm đến hoạt động bất hợp pháp của các công ty và cá nhân nước ngoài. Ông Liao nói danh sách mới "không đồng nghĩa rằng Trung Quốc đang thay đổi quan điểm về việc chào đón và bảo vệ đầu tư nước ngoài".

"Các qui định mới không nhắm đến bất kì quốc gia hay tổ chức cụ thể nào", ông Liao nhấn mạnh. Theo vị giáo sư, Trung Quốc sẽ thực hiện điều tra và đưa ra quyết định một cách công khai, minh bạch.

Yên Khê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.