Danh sách đen của Trung Quốc có gì đáng sợ mà doanh nghiệp chịu chi hơn 50 triệu đồng/giờ để lẩn tránh?
Vết nhơ trong hồ sơ của một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc
Trong 4 năm qua, China Railway Construction đã triển khai hàng nghìn công nhân để xây dựng một phần của tuyến đường sắt vận chuyển than từ Nội Mông đến tỉnh Giang Tây, tương đương khoảng cách từ Midtown Manhattan đến Walt Disney World Resort ở Florida.
Dự án này tiêu tốn tổng cộng 200 tỉ nhân dân tệ (tương đương 28 tỉ USD) và được truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên truyền như một hình mẫu cho "sản xuất an toàn", không gây ra thương vong vào năm 2018.
Tuy nhiên, trên thực tế tai nạn đã xảy ra và các quản lí dự án của China Railway đã tìm cách che đậy sự việc.
Một số nguồn tin chia sẻ sự việc với các phóng viên địa phương và một đơn vị của China Railway (do nhà nước Trung Quốc điều hành) cuối cùng phải thừa nhận rằng ba công nhân đã tử vong vào năm 2017 khi tấm ván họ đang đứng rơi xuống sông Cám Giang.
Các quản lí cũng như chi nhánh phụ trách dự án đã bị phạt. Cụ thể, họ bị liệt vào danh sách đen bởi chính phủ Trung Quốc và phải chịu nhiều cuộc điều tra, hạn chế đấu thấu dự án công và giới hạn phát hành trái phiếu cũng như cổ phiếu.
Vết nhơ đó đã được lưu vào hệ thống tín nhiệm xã hội dành cho doanh nghiệp của Trung Quốc - một kho lưu trữ hành vi cả tốt lẫn xấu của toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mọi thứ đều có thể được theo dõi và lưu vào hệ thống tín nhiệm xã hội
Trong môi trường mà một dòng tweet, một tấm bản đồ hoặc thậm chí một chiếc áo thun in slogan không phù hợp đều có thể gây ra muôn vàn khổ sở, doanh nghiệp luôn muốn nằm ngoài tầm "quét radar" của chính phủ Trung Quốc.
Theo Bloomberg, công cuộc giám sát toàn bộ hành vi tuân thủ của doanh nghiệp trên không gian ảo chỉ khiến họ thêm lo lắng.
Hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình trong một sự kiện của chính phủ Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
"Hệ thống tín nhiệm xã hội của chính phủ Trung Quốc giống như một công cụ xếp hạng tín nhiệm điển hình được bơm thêm thuốc tăng cường cơ bắp steroid", ông Andrew Polk, đồng sáng lập công ty tư vấn Trivium China (có trụ sở tại Bắc Kinh), nhận định.
Ông nói thêm: "Hệ thống này sẽ được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc để giám sát doanh nghiệp trong và ngoài nước. Doanh nghiệp phải phân bổ các nguồn lực để đảm bảo hồ sơ của họ sạch sẽ".
Hệ thống giám sát doanh nghiệp đang được phát triển song song với hệ thống thu thập dữ liệu của hơn một tỉ dân Trung Quốc, gây ra nhiều lo ngại về việc Bắc Kinh ngày càng tăng cường kiểm soát người dân trong nước.
Hệ thống này tổng hợp dữ liệu từ nhiều cơ quan khác nhau để xác định doanh nghiệp tuân theo hay vi phạm hàng trăm qui tắc của chính phủ.
Hành vi của doanh nghiệp được phân loại và ghi lại, nhờ đó nếu thực hiện nhiều hành vi tốt có thể giúp họ đóng ít thuế, nhận được các điều khoản cho vay có lợi và nhiều cơ hội đấu thầu dự án công hơn.
Các hành vi được khen thưởng gồm nộp thuế đúng hạn, đáp ứng tiêu chuẩn phát thải, quyên góp từ thiện và có hồ sơ an toàn lao động tốt.
Việc lưu trữ tập trung những thông tin trên cho phép các cơ quan chính phủ, ngân hàng và người tiêu dùng ở một khu vực kiểm tra hành vi của doanh nghiệp ở một khu vực khác và tìm hiểu xem liệu họ có đáp ứng điều kiện để hợp tác hay không.
Trung Quốc cho biết điểm mấu chốt của hệ thống là khiến doanh nghiệp e dè để họ không phạm luật.
Thông qua hệ thống, chính phủ đe dọa bêu tên, chỉ trích hoặc trừng phạt nghiêm khắc để doanh nghiệp không trốn thuế, đối xử bất công với khách hàng hoặc nhân viên, không quảng cáo sai lệch về sản phẩm.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng hệ thống có thể bị sử dụng để buộc doanh nghiệp tuân thủ dù họ không đồng ý.
Các công ty có điểm tín nhiệm xã hội tốt sẽ ít bị kiểm tra hơn, giảm chi phí tuân thủ cũng như gánh nặng đối với nguồn lực của chính phủ, ông Lian Weiliang - Phó Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), phát biểu hồi tháng 7.
Ngoài ra, ông Lian cho biết doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến cuộc sống và tài sản của người dân sẽ đối mặt với những hình phạt "rất nghiêm khắc", trong đó bao gồm cả phương án xóa sổ khỏi thị trường.
Doanh nghiệp nước ngoài có nằm ngoài tầm quét của "radar"?
Đối với các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc, việc soạn thảo qui định luôn đặt ra câu hỏi rằng liệu hệ thống tín nhiệm xã hội có thể bị sử dụng như một vũ khí chống lại họ hay không, khi mà có nhiều công ty đa quốc gia bị cuốn vào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hoặc có thể bị gây áp lực để đối thủ trong nước giành được lợi thế cạnh tranh.
"Trong một số trường hợp, doanh nghiệp không nắm được thông tin về cách thức triển khai danh sách đen, dẫn đến tình trạng bất ổn ở nhiều công ty nước ngoài", ông Jacob Parker, Phó Chủ tịch phụ trách hoạt động tại Trung Quốc của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, cho biết.
"Nhiều công ty lo ngại rằng qui định của hệ thống xếp hạng tín nhiệm có quá nhiều hướng diễn giải và do vậy có thể được sử dụng để phân biệt đối xử các công ty nước ngoài", ông nói.
Một số tập đoàn nước ngoài thuộc nhóm lớn nhất tại Trung Quốc như Microsoft, Walmart, Adidas và General Motors đều từ chối đưa ra bình luận. Trong khi đó, Apple, JPMorgan, Morgan Stanley, Amazon và Walt Disney đều không phản hồi yêu cầu bình luận của Bloomberg.
Volkswagen, Ford Motor và tập đoàn Siemens của Đức đều cho biết họ đang đánh giá tác động của hệ thống trên.
Rủi ro lớn nhất đối với các công ty đa quốc gia nằm trong hệ thống tín nhiệm xã hội là mất cơ hội tiếp cận thị trường lớn nhất thế giới vì một sai lầm chính trị.
Bài học từ sai lầm của NBA và mối liên hệ giữa chính trị - kinh tế trong hệ thống tín nhiệm xã hội
Kịch bản trên chỉ mới nổi lên thời gian gần đây khi các trận bóng của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA) bị xóa sổ trên sóng truyền hình quốc gia Trung Quốc cũng như hệ thống phát trực tuyến của Tencent sau khi một nhà quản lí của hiệp hội đăng tweet ủng hộ phong trào biểu tình ở Hong Kong.
Các nhà tài trợ cắt đứt quan hệ với NBA, còn phía hiệp hội cho biết họ phải chịu tổn thất lớn sau vụ việc.
"Điểm tín dụng xã hội đo lường sự tuân thủ đối với pháp luật Trung Quốc", ông Jeremy Daum, chuyên gia cao cấp tại Paul Tsai China ở Trường Luật Yale, cho hay. "Nếu doanh nghiệp lo rằng luật pháp Trung Quốc có thể được dùng có mục đích chính trị, vậy thì họ đúng là nên lo sợ thật".
Tuy nhiên, việc xóa sổ doanh nghiệp nước ngoài khỏi thị trường tỉ dân phải xuất phát từ một danh sách "thực thể không đáng tin cậy" riêng, hoặc danh sách doanh nghiệp bị coi là đe dọa an ninh quốc gia hoặc "làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp" của doanh nghiệp trong nước.
Chính phủ Trung Quốc khẳng định danh sách thực thể không đáng tin cậy, vốn chưa được công bố, là nhằm đáp trả việc Mỹ liệt hàng chục doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei Technologies, Hikvision, SenseTime,... vào danh sách đen thương mại.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuần trước đưa tin Bắc Kinh có thể công bố danh sách này nhằm trả đũa dự luật về vấn đề Tân Cương của Mỹ. Một quan chức của Ủy ban NDRC cho biết không có mối liên hệ nào giữa hệ thống tín nhiệm xã hội và danh sách thực thể không đáng tin cậy.
Các công ty tư vấn kiếm bộn tiền nhờ hệ thống giám sát doanh nghiệp của Bắc Kinh
Một số công ty nước ngoài đang phân bổ nguồn lực để đi trước một bước. Trivium China tính phí 2.500 USD/giờ để giải thích hệ thống tín nhiệm xã hội cho khách hàng và lên đến 50.000 USD cho một lần kiểm toán.
Sinolytics (có trụ sở tại Berlin và Zurich) cho biết họ đang làm việc với các công ty đa quốc gia đến từ châu Âu và Mỹ trong lĩnh vực ô tô, dược phẩm, hóa chất, sản xuất và logistics.
"Thông tin về hệ thống tín nhiệm xã hội không đủ rõ ràng để doanh nghiệp xác định chính xác hoàn cảnh của họ", ông Mirjam Meissner, Giám đốc Sinolytics, chia sẻ.
Kiểm tra chéo giữa bộ, ngành trong chính phủ Trung Quốc
Hệ thống trên còn cho phép một cơ quan của chính quyềnTrung Quốc kiểm tra xem một cơ quan khác đã xử phạt doanh nghiệp hay chưa, chẳng hạn như trường hợp Bộ Quản lí Tình trạng Khẩn cấp xử phạt chi nhánh của China Railway nêu trên.
Sau một câu chuyện sống động kể về đường sắt Mạnh Hoa được đăng tải trên tờ Trung Hoa Nhật báo hồi tháng 3/2018, một số nguồn tin đã chia sẻ với truyền thông địa phương rằng một tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra khi Công ty Kĩ thuật số 4 (thuộc 22nd Bureau Group, China Railway) xây dựng bến tàu ở Tây An.
Công nhân tham gia dự án đường sắt Mạnh Hoa. (Ảnh: Imaginechina)
Một phóng viên tìm hiểu được từ gia đình một nạn nhân rằng công ty trên đã trả 1,3 triệu nhân dân tệ tiền bồi thường. Các nhà điều tra địa phương cho biết đơn vị này ban đầu phủ nhận vụ tai nạn trong suốt ba tháng. Cuối cùng, họ thừa nhận các trường hợp tử vong vào tháng 8/2017.
Vì hành vi "thiếu trung thực nghiêm trọng" này, Công ty Kĩ thuật số 4 đã bị liệt vào danh sách đen gồm khoảng 130 doanh nghiệp khác của Bộ Quản lí Tình trạng Khẩn cấp vào tháng 4/2019. Danh sách đen có hiệu lực trong vòng một năm.
"Tại thời điểm này, hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội vẫn đang trong quá trình mở rộng và không rõ sẽ qui mô sẽ lớn đến đâu", ông Lester Ross, một đối tác tại công ty luật WilmerHale, cho hay.
"Tuy nhiên, chúng tôi đã nghiên cứu nhiều khía cạnh khác cho thấy hệ thống giám sát xã hội của chính phủ Trung Quốc đã trở nên phức tạp, chi tiết và toàn diện hơn như thế nào. Hệ thống tín nhiệm xã hội doanh nghiệp cũng có tiềm năng tương tự".