|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thêm một lí do khiến Trung Quốc muốn thỏa thuận thương mại với Mỹ: Xuất khẩu bất ngờ giảm trong tháng 11

10:21 | 09/12/2019
Chia sẻ
Giá trị xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ suy giảm trong tháng 11 chỉ ra một lí do tại sao Bắc Kinh muốn kí thỏa thuận thương mại giai đoạn một: thuế quan trừng phạt của Mỹ đang gây áp lực cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc tại thời điểm nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu đã chững lại.
yq-chinaexports-08122019

Ảnh: Bloomberg

Theo dữ liệu mà cơ quan hải quan Trung Quốc công bố hôm 8/12, tổng giá trị xuất khẩu trong tháng 11 giảm 1,1% so với cùng kì năm ngoái, trong khi xuất khẩu sang Mỹ giảm tới 23%.

Đây là kết quả tồi tệ nhất đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ kể từ tháng 2 và là tháng suy giảm thứ 12 liên tiếp.

Trước đó, tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 được dự đoán sẽ tăng 0,8%, vì các nhà bán lẻ và doanh nghiệp tiến hành dự trữ hàng hóa trước mùa mua sắm Giáng sinh.

2

Nguồn: Bloomberg/Tổng cục Hải quan Trung Quốc

3

Nguồn: Bloomberg/Tổng cục Hải quan Trung Quốc

Cuộc chiến thuế quan kéo dài 18 tháng qua đã gây hại cho cả hai nền kinh tế, khi mà doanh nghiệp Trung Quốc và nông dân Mỹ bán được ít sản phẩm hơn cho nước còn lại.

Khi hai bên đồng ý đàm phán thỏa thuận giai đoạn một vào tháng 10, nhiều chuyên gia hi vọng thỏa thuận có thể tạo ra một giải pháp nhanh chóng để xử lí ít nhất là một số vấn đề cơ bản. Tuy nhiên, quá trình đàm phán kéo dài và cho dù một số mức thuế quan có được gỡ bỏ, tình hình kinh tế của hai nước vẫn sẽ sút kém hơn so với trước khi tranh chấp xảy ra.

"Nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu chững lại, đặc biệt là ở các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, đã kéo tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đi xuống", Bloomberg dẫn lời nhà nghiên cứu Wang Youxin của Bank of China Institute of International Finance cho hay.

Đồng thời, ông Wang nhận định đồng nhân dân tệ suy yếu trong tháng 11 cũng làm giảm giá trị xuất khẩu theo đồng USD.

"Trong tương lai, xuất khẩu của Trung Quốc tăng hay giảm phụ thuộc vào tiến trình đàm phán thương mại. Nếu hai bên đạt được thỏa thuận giai đoạn một và thuế quan được gỡ bỏ một phần, doanh nghiệp có thể tự tin hơn và xuất khẩu có thể đi lên", ông nói.

Diễn biến mới nhất từ cuộc đàm phán cho thấy Washington và Bắc Kinh đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận, bất chấp tuyên bố cứng rắn từ cả hai phía về vấn đề Tân Cương và Hong Kong.

Phía Mỹ hi vọng thỏa thuận thương mại giai đoạn một sẽ hoàn tất trước thời hạn chót 15/12 - thời điểm thuế quan bổ sung Tổng thống Trump đe dọa áp lên 156 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực.

Nếu đợt thuế quan trên có hiệu lực, nó sẽ gây tổn hại hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc và kéo giá nhiều mặt hàng như smartphone và máy tính tại Mỹ tăng lên.

Trong khi đó, theo nhà kinh tế Larry Hu của Macquarie Securities (Hong Kong), sự phục hồi trong hoạt động nhập khẩu cho thấy tác động ổn định ngắn hạn trong nền kinh tế Trung Quốc.

Một phần của sự phục hồi kể trên là do nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ tăng 2,7%. Con số này có liên quan đến động thái tăng mua nông sản Mỹ để thể hiện thiện chí trong thỏa thuận thương mại của Bắc Kinh.

Giá trị đậu nành nhập khẩu đã tăng 41% so với cùng kì năm ngoái, mặc dù chính phủ Trung Quốc không công bố dữ liệu về nguồn gốc của lượng đậu nành kể trên.

Khả Nhân

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.