Danh sách đen: Từ trừng phạt kẻ sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt đến công cụ trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Đưa một công ty hay tổ chức vào "danh sách đen" thương mại thường được tuyên truyền là bước đi cần thiết để bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia.
Tuy vậy, những bằng chứng ủng hộ luận điểm này hiện còn rất mơ hồ. Điều chắc chắn và ai cũng thấy là "danh sách đen" là một thứ vũ khí nguy hiểm, rất có sức ảnh hưởng trong các cuộc chiến tranh thương mại.
Danh sách đen đang được dùng ở những đâu?
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa hàng chục doanh nghiệp Mỹ vào danh sách đen thương mại với tên chính thức là Danh sách Thực thể (Entity List).
Những doanh nghiệp bị đưa vào Danh sách Thực thể sẽ không thể tự do mua các sản phẩm, dịch vụ từ công ty Mỹ mà cần phải được chính phủ Mỹ cấp cho một loại giấy phép đặc biệt.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang ấp ủ kế hoạch đáp trả bằng một danh sách đen của riêng mình.
Danh sách đen còn được hai cường quốc kinh tế Châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản dùng để trả đũa lẫn nhau do mâu thuẫn về những vấn đề từ khi Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên hơn 70 năm trước.
Danh sách đen của Mỹ có những ai?
Cái tên Trung Quốc nổi bật nhất trong Danh sách Thực thể của Mỹ là Huawei – tập đoàn đứng số 1 thế giới về sản xuất thiết bị viễn thông và số 2 thế giới về sản xuất smartphone.
Huawei hiện còn là doanh nghiệp đi đầu, thống trị công nghệ mạng 5G trên toàn cầu. Đại gia công nghệ này bị Mỹ đưa vào Danh sách Thực thể với cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia và hỗ trợ hoạt động gián điệp của quân đội Trung Quốc. Huawei kiên quyết phủ nhận các cáo buộc trên.
Đầu tháng 10 này, Mỹ đưa thêm 28 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen thương mại cùng với Huawei với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Khu tự trị Tân Cương.
Các thực thể này bao gồm 8 tập đoàn công nghệ, đáng chú ý có hai hãng sản xuất thiết bị giám sát thuộc hàng lớn nhất thế giới là Hikvision và Zhejiang Dahua. Các công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) như SenseTime Group và Megvii Technology cũng mới góp mặt.
Huawei bị đưa vào Danh sách Thực thể của Mỹ vào tháng 5/2019. Ảnh: Song Ngọc.
Danh sách Thực thể của Mỹ còn có nhiều thực thể của các quốc gia khác, từ Afghanistan đến Vương quốc Anh. Tuy nhiên các công ty Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều trong mấy năm gần đây.
Tháng 8/2018, Mỹ đưa 44 thực thể Trung Quốc vào danh sách, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ như Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không hay Tập đoàn Công nghệ Điện Trung Quốc.
Bị đưa vào danh sách đen nghĩa là gì?
Theo định nghĩa của Cục An ninh và Công nghiệp (Bộ Thương mại Mỹ), đối tượng trong Danh sách Thực thể có thể là "doanh nghiệp, viện nghiên cứu, chính phủ, tổ chức tư nhân, cá nhân và các loại pháp nhân khác".
Thực thể bị đưa vào danh sách đen sẽ không được phép giao dịch với doanh nghiệp Mỹ trừ khi được chính phủ Mỹ cấp phép.
Huawei bị đưa vào danh sách đen hồi tháng 5 năm nay. Đến cuối tháng 6, Tổng thống Donald Trump ra tín hiệu cho biết Mỹ có thể cấp phép cho doanh nghiệp bán các hàng hóa không đe dọa đến an ninh quốc gia cho Huawei, và khuyến khích doanh nghiệp Mỹ nộp hồ sơ xin phép.
Mới đây, New York Times đưa tin Tổng thống Trump đã bật đèn xanh cho các cơ quan chính phủ bắt đầu cấp phép.
Ít nhất 130 bộ hồ sơ đã được nộp lên Bộ Thương mại Mỹ từ tháng 6 đến nay nhưng thực tế chưa hồ sơ nào được duyệt. Huawei gần đây phải ra mắt điện thoại Mate 30 mà không có hệ điều hành Android cũng chỉ vì danh sách đen của Mỹ.
Năm 2018, một tập đoàn công nghệ khác của Trung Quốc là ZTE cũng gặp phải "tai ương" về thương mại. Tuy nhiên ZTE không bị đưa vào Danh sách Thực thể như Huawei mà dính lệnh cấm thẳng thừng: ZTE không được mua sản phẩm và dịch vụ Mỹ trong 7 năm, không có cơ chế nộp hồ sơ xin phép như với Huawei.
Mục đích của Danh sách Thực thể là gì?
Danh sách Thực thể được công bố lần đầu vào năm 1997 nhằm trừng phạt các doanh nghiệp có liên quan tới hoạt động sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Về sau, Danh sách Thực thể được dùng để trừng phạt bất kì tổ chức, cá nhân nào bị cho là "gây hại đến an ninh quốc gia hoặc lợi ích đối ngoại của nước Mỹ".
Trung Quốc phản ứng ra sao?
Từ sau khi Huawei bị Mỹ đưa vào Danh sách Thực thể hồi tháng 5, Trung Quốc đã chuẩn bị một bản danh sách đen thương mại của riêng mình với tên gọi "Danh sách Thực thể không đáng tin cậy".
Theo chính phủ Trung Quốc, danh sách này sẽ bao gồm những thực thể "gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp" của doanh nghiệp Trung Quốc thông qua việc đi ngược lại qui tắc thị trường, vi phạm hợp đồng hoặc cắt đứt nguồn cung sản phẩm vì lí do phi thương mại.
Trung Quốc đã bắt đầu điều tra tập đoàn giao vận FedEx vì doanh nghiệp này chuyển một số kiện hàng đến Mỹ trong khi đúng ra phải chuyển đến cho Huawei ở Trung Quốc.
Sau khi Mỹ đưa 28 thực thể Trung Quốc vào Danh sách Thực thể đầu tháng 10 này vì cáo buộc vi phạm nhân quyền, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối dữ dội đồng thời thề sẽ đáp trả mạnh mẽ.
Tại sao danh sách đen được dùng ngày càng nhiều?
Danh sách đen được những người mang tư tưởng cứng rắn (diều hâu) ở cả hai nước Mỹ - Trung coi là một phần trong trận chiến vì sự thống trị kinh tế và công nghệ của thế kỉ 21.
Trung Quốc quyết tâm dùng nguồn lực nhà nước khổng lồ của mình để hỗ trợ các chính sách công nghiệp như "Made in China 2025".
Kế hoạch này được công bố vào năm 2015 trong đó xác định 10 ngành công nghiệp trọng điểm mà Trung Quốc phấn đấu đạt tiến bộ vượt bậc trước năm 2025 và leo lên ngôi vị thống trị toàn cầu trong thế kỉ này.
Năm 2017, Trung Quốc công bố một chiến lược phát triển riêng cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) với mục tiêu trở thành trung tâm cải tiến AI của thế giới trước năm 2030.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump coi các kế hoạch trên là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và kinh tế của Mỹ nên đã tích cực tìm cách kiềm chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc.