|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc đồng ý mua 40-50 tỉ USD nông sản: Nông dân Mỹ vừa mừng vừa lo, chẳng biết có mua thật không?

10:43 | 13/10/2019
Chia sẻ
Nông dân Mỹ đang ăn mừng sau khi chính quyền Tổng thống Trump thông báo Trung Quốc đã đồng ý tăng mạnh nhập khẩu nông sản Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người cũng đang lo lắng không biết khi nào những lời thông báo kia được thực hiện bằng “tiền tươi thóc thật”.
trump

Ảnh minh họa: Getty Images.

Chiều 11/10 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo kết quả hai ngày đàm phán cấp cao giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, một trong các nội dung quan trọng được chú ý nhất là việc Trung Quốc đã đồng ý mua 40-50 tỉ USD nông sản Mỹ.

Có mặt tại buổi thông báo, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cho biết những lần đàm phán trước đổ vỡ nhưng lần này hai bên có thể đi đến một thỏa thuận là nhờ vào "tinh thần hợp tác", còn Tổng thống Trump thì cho rằng nguyên nhân thành công là giá trị thương vụ lần này "lớn hơn".

Tổng thống Trump khẳng định: Đây là một "thỏa thuận siêu to khổng lồ cho những người nông dân". Ông còn khuyên nông dân Mỹ "hãy nhanh chóng mua thêm đất đai và máy kéo" để mở rộng sản xuất.

Ông Trump thậm chí đùa rằng thỏa thuận này sẽ khiến cho nông dân Mỹ phải "làm thêm giờ rất nhiều".

Con số lớn tới khó tin

Quả thực con số 40-50 tỉ USD là rất lớn trong bối cảnh hiện nay. Năm 2018 khi chiến tranh thương mại nổ ra, tổng xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc chỉ đạt 9,5 tỉ USD. Năm 2017 khi quan hệ hai nước còn nồng ấm, giá trị xuất khẩu cũng chỉ đạt 19,5 tỉ USD.

Như vậy, số 40-50 tỉ USD mà Trung Quốc cam kết mua lớn gấp 5 lần giá trị năm 2018 và gấp hơn 2 lần năm 2017.

agri 2

Số liệu: Bộ Nông nghiệp Mỹ. Việt hóa: Kiên Dương.

Tại buổi thông báo chiều 11/10, cả ông Trump lẫn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đều không nói rõ Trung Quốc đã đồng ý mua cụ thể những loại nông sản nào.

Nông dân Mỹ vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu đậu nành, thịt heo và chế phẩm sữa sang Trung Quốc. Trong hơn một năm thương chiến vừa qua, nông dân Mỹ là một trong những nhóm bị thiệt hại nặng nề nhất, thu nhập sụt giảm rõ rệt. Tổng thống Trump đã phải chi hàng chục tỉ USD để hỗ trợ cho nông dân nước mình.

Vậy nên khi thỏa thuận thương mại trên được thông báo, nhiều nông dân Mỹ vui mừng ra mặt.

Trao đổi với Reuters, ông Monte Peterson – một nông dân ở bang North Dakota nói: "Tôi rất phấn khởi. Đây là một thông tin rất tích cực cho ngành nông nghiệp Mỹ".

Tuy vậy ông Peterson cũng thận trọng cho rằng việc Trung Quốc có thực hiện thỏa thuận trên hay không mới là điều quan trọng nhất, còn thông báo này chưa có nhiều ý nghĩa thiết thực.

"Chúng tôi phải theo đuổi đến cùng. Chúng tôi phải thấy hàng của mình được chất lên tàu và chở đi thì mới yên tâm", ông Peterson nói.

Ông Gary Mickelson – người phát ngôn tập đoàn Tyson Foods nói: "Chúng tôi rất phấn khích về thỏa thuận thương mại này và mong muốn được biết thêm thông tin chi tiết trong tương lai".

Tháng 7/2018, Trung Quốc áp thuế suất 25% lên đậu nành nhập khẩu từ Mỹ khiến cho loại nông sản này bị dư thừa chất đống và kéo giá rớt thảm xuống đáy nhiều năm.

Ông Trump đã cam kết gói cứu trợ 28 tỉ USD cho nông dân – nhóm cử tri đông đảo từng bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử 2016.

Ông Jim Sutter – Tổng Giám đốc của Hội đồng Xuất khẩu Đậu nành Mỹ cho hay: "Những người nông dân của chúng ta có sức chịu đựng tốt nhưng họ cần một giải pháp lâu dài cho cuộc chiến thương mại hiện nay để đậu nành Mỹ có thể được xuất sang Trung Quốc mà không bị áp thuế quan".

Trong một năm rưỡi qua, Trung Quốc đã dựa vào nguồn đậu nành từ Argentina và Brazil ở khu vực Nam Mỹ để chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên nếu đạt được thỏa thuận với Mỹ, Trung Quốc có thể chuyển hướng thương mại sang nền kinh tế số một thế giới.

Người nông dân Nam Mỹ cũng không vì thế mà buồn bởi họ cho rằng một thỏa thuận thương mại sẽ mang đến sự ổn định mà thế giới đang rất cần.

Ông Cayron Giacomelli – một người trồng đậu nành ở Mato Grosso (Brazil) cho biết: "Nếu Mỹ-Trung thống nhất về thương mại, nông dân trồng đậu nành Brazil sẽ có thể lập dự toán dễ dàng hơn rất nhiều".

Từ trước khi đàm phán thương mại diễn ra tại Washington trong hai ngày 10 và 11/10, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu thịt heo từ Mỹ. Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, lượng thịt heo xuất khẩu sang Trung Quốc trong tuần đầu tháng 10 lên tới 142.200 tấn. Trong khi đó, con số của cả tháng 9 chỉ là 19.900 tấn.

Dịch tả heo châu Phi hoành hành khiến hàng triệu con heo của Trung Quốc phải bị tiêu hủy, đẩy quốc gia tỉ dân này vào tình trạng thiếu thịt trầm trọng và phải đi nhập thịt heo từ nhiều nơi trên thế giới.

Liệu có là lời hứa hão?

Nhà kinh tế học Bill Lapp – Chủ tịch Công ty tư vấn Advanced Economic Solutions tỏ ra nghi ngờ về con số 50 tỉ USD mà Tổng thống Trump cùng Phó Thủ tướng Lưu Hạc công bố.

"Chúng ta đều đã trông thấy những con số 'khủng' thế này trước đây, và chúng không phải lúc nào cũng trở thành hiện thực", ông nói.

Trước khi thỏa thuận tỉ đô được công bố hôm 11/10, giá đậu nành Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu hồi năm 2018. Ông Trump cho biết các điều khoản chi tiết của thỏa thuận có thể cần từ 3 đến 5 tuần để hoàn thiện.

Trong một email gửi hãng tin Reuters, công ty giao dịch hàng hóa toàn cầu Cargill Inc nhận định: "Chúng tôi cảm thấy phấn khích khi cả hai bên ngồi vào bàn đàm phán vì việc mở cửa trở lại thị trường Trung Quốc là rất quan trọng với nông dân Mỹ".

Trong niên vụ từ đầu tháng 9/2018 đến hết tháng 8/2019, Trung Quốc nhập hơn 13 triệu tấn đậu nành Mỹ. Trong niên vụ này, Trung Quốc đã mua gần 5 triệu tấn nữa. Những con số này thấp hơn rất nhiều khối lượng 30 triệu tấn mà Trung Quốc nhập hàng năm từ Mỹ trước khi cuộc thương chiến nổ ra.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã khẳng định sẽ không tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 15/10 tới như kế hoạch ban đầu. Tuy vậy, kế hoạch áp thuế 15% lên 160 tỉ USD vào ngày 15/12 thì vẫn còn "treo lơ lửng" trên đầu thỏa thuận thương mại giữa hai bên.

Hội Nông dân Ủng hộ Thương mại Tự do cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để ăn mừng.

Ông Brian Kuehl – Đồng Giám đốc của Hội nhận định: "Lời hứa mua nông sản là tin đáng mừng nhưng những chi tiết về thời gian biểu, giá cả, loại hàng hóa và nhiều vấn đề khác cần được trả lời cụ thể".

Kiên Dương

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.