|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chiến tranh thương mại có thể 'đổ thêm dầu vào lửa' ở rừng Amazon

07:42 | 26/08/2019
Chia sẻ
Thoạt nhìn, ngọn lửa chiến tranh thương mại Mỹ-Trung dường như không liên quan gì tới những đám cháy đang thiêu rụi khu rừng mưa nhiệt đới Amazon của Brazil. Trong thực tế, hai hiện tượng này lại có quan hệ gần gũi hơn nhiều người tưởng.
ECmM_hbXsAEq21w

Nhiều đám cháy đang thiêu rụi rừng mưa Amazon của Brazil, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Twitter của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Một trong những biện pháp trả đũa của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại là quyết định ngừng nhập khẩu đậu nành từ Mỹ, khối lượng ước tính từ 30 đến 40 triệu tấn mỗi năm. Do đó, Trung Quốc sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào đậu nành Brazilian để bù đắp phần thiếu hụt.

soybean

Trung Quốc giảm nhập đậu nành từ Mỹ và tăng nhập từ Brazil khi chiến tranh thương mại leo thang căng thẳng. Nguồn: Bloomberg, Cục Hải quan Trung Quốc.

Trong 12 tháng tính tới tháng 4 vừa qua, Trung Quốc nhập khẩu tới 71 triệu tấn đậu nành Brazil, ngang với tổng khối lượng nhập khẩu vào năm 2014.

Quyết định này của Trung Quốc đã thúc đẩy một sự bùng nổ trong hoạt động đầu tư vào ngành nông nghiệp Brazil. Nhiều "tay chơi" lớn về nông nghiệp như Nutrien và Mosaic đang dần chuyển trọng tâm hoạt động sang Brazil để tận dụng nhu cầu của Bắc Kinh về đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm, hạn chế phụ thuộc vào Mỹ.

Cuối tháng 7, CEO của Nutrien cho biết trong 5 năm tới, tập đoàn này sẽ đầu tư 200-300 triệu USD mỗi năm để tăng cường hiện diện tại Brazil. Trước đó, hoạt động của Nutrien ở Brazil rất mờ nhạt. Năm 2018, doanh thu của doanh nghiệp này từ Brazil chỉ khoảng 112 triệu USD, tương đương 0,6% doanh thu từ bên thứ ba.

Tương tự với Mosaic, năm 2018 tập đoàn này lần đầu tiên có doanh thu từ Brazil lớn hơn từ Mỹ (3 tỉ USD > 2,7 tỉ USD).

Lẽ ra những hiện tượng này sẽ không có tác động trực tiếp lên rừng Amazon. Đa phần đậu nành của Brazil được trồng ở các đồng cỏ trên cao nguyên (cerrado) ở phía nam và đông của khu vực rừng mưa nhiệt đới. 

Hoạt động đầu tư nông nghiệp lâu nay tập trung vào việc chuyển đồi đất thảo nguyên cerrado vốn được dùng để chăn thả gia súc sang trồng các loại hoa màu như đậu nành.

Tuy nhiên đất đai của Brazil cũng chỉ là hữu hạn và nếu diện tích đất dùng cho mục đích này tăng lên thì đất cho hoạt động khác phải giảm đi. Đa phần diện tích mở rộng đất trồng trọt của Brazil trong 10 năm qua đến từ việc phá rừng trồng lại – loại rừng ít được bảo vệ hơn so với rừng nguyên sinh như Amazon.

Năm nay cháy rừng lan rộng, những người chăn thả gia súc trên vùng đồng cỏ bị mất đất cho trồng chọt có thể chuyển đến những khu đất mà đám cháy rừng Amazon để lại.

Đây là dấu hiệu rất đáng ngại khi mà các chiến dịch bảo tồn có vẻ mới bắt đầu mang lại tác dụng trong những năm gần đây. Khoảng một thập kỉ qua, tình trạng phá rừng Amazon gần như đã bị ngăn chặn hoàn toàn, mặc dù rừng trồng lại vẫn liên tiếp bị đốn gục.

Đã vậy, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro lại nổi tiếng là người ghét bỏ rừng Amazon. Ông trúng cử với tư tưởng ủng hộ phá hủy khu rừng mưa nhiệt đới này. Theo ông, mong muốn bảo vệ rừng Amazon của thế giới đã khóa chặt nguồn tài nguyên thiên nhiên của Brazil và đã đến lúc nước này phải gỡ bỏ cái khóa đó.

Ông là người ủng hộ hoạt động mở rộng nông nghiệp và cho rằng việc bảo tồn rừng Amazon sẽ gây thiệt hại về kinh tế với đất nước.

Năm 2018, ông Bolsonaro được đặt cho biệt hiệu "Ông Trump vùng nhiệt đới" (Tropical Trump) vì chính sách của ông có những nét tương đồng với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vị Tổng thống Brazil này còn yêu cầu mọi người gọi mình bằng biệt danh "Đội trưởng Cưa máy" (Captain Chainsaw) để thể hiện chính sách ủng hộ phá rừng Amazon của mình.

Amazon

Đất nông nghiệp đe dọa rừng Amazon. Ảnh: Getty Image.

Kể cả khi hoạt động nông nghiệp diễn ra ở xa rừng Amazon, tác hại tới bầu khí quyển vẫn rất lớn. Các đồng cỏ cerrado có thể chính là vùng rừng rậm với nhiều thân cây lớn. Chuyển đổi vùng đồng cỏ này sang đất trồng trọt đòi hỏi phải đào tận gốc các cây to, khiến cho quá trình chuyển đổi rất khó khăn và tốn kém.

Thêm vào đó, đất đồng cỏ mà gia súc dẫm lên có tác dụng nhốt carbon khí quyển trong đất, nhưng đất trồng trọt được cày sới hàng năm thì không có khả năng này.

Trong một năm qua, số vụ cháy rừng tại Amazon tăng tới 84% và hiện chưa biết cụ thể ai là người phải chịu trách nhiệm chính. Mức độ dữ dội của các đám cháy nhiều khả năng là hệ quả của hạn hán, nhưng việc số lượng đám cháy đi lên thì gần như chắc chắn đến từ hoạt động con người gia tăng.

Hơn một nửa số đám cháy xảy ra trong khu vực rừng Amazon và khoảng 30% khác đến từ khu vực đồng cỏ cerrado, đa phần số còn lại xảy ra ở rừng bờ biển Đại Tây Dương.

amazon

Hơn một nửa số vụ cháy rừng tại Amazon trong năm nay là ở rừng mưa Amazon. Nguồn: Bloomberg/G1News/INPE.

Sự nguy hiểm của tình thế hiện tại là "lòng tham không đáy" của Trung Quốc đối với đậu nành có thể khiến cho hoạt động phá rừng gia tăng trở lại sau khi tạm ngừng trong vài năm qua.

Mối lo thường trực của Trung Quốc là vấn đề an ninh lương thực cho 1,4 tỉ dân và do vậy chính quyền Bắc Kinh rất muốn Brazil mở rộng hoạt động nông nghiệp.

Viễn cảnh "hốt bạc" từ tăng cường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có thể tạo ra sức hút rất lớn đối với Tổng thống Jair Bolsonaro, khiến cho ông làm theo bản năng và đẩy mạnh việc phá rừng. Đây sẽ là một hệ quả tiêu cực từ cuộc chiến tranh thương mại mà ít người ngờ tới.

Song Ngọc