Toan tính sâu xa của Trung Quốc khi phá giá nhân dân tệ và ngừng mua nông sản Mỹ
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh thao túng tiền tệ để cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế và không giữ lời hứa mua thêm nông sản Mỹ.
Việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ và ngừng mua nông sản mới đây nhiều khả năng sẽ càng khiến ông Trump thêm tức giận. Bloomberg đã liên hệ với Nhà Trắng tuy nhiên chưa nhận được bình luận.
Đồng tiền của các quốc gia mới nổi và nhiều thị trường chứng khoán lập tức sụt giảm do lo ngại cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường kinh tế có thể tiếp tục kéo dài, tác động xấu tới tăng trưởng toàn cầu.
Trong khi đó, các tài sản "tránh bão" an toàn như đồng yên Nhật, trái phiếu Chính phủ Mỹ và vàng lại tăng giá. Các nhà đầu tư cũng thêm kì vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất.
Ông Michael Every – Giám đốc thị trường tài chính châu Á của Rabobank nhận định: "Đây là một trong những kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra. Đầu tiên là thị trường bán tháo, sau đó ông Trump đăng tweet và mọi chuyện nhanh chóng vượt tầm kiểm soát".
Cuối tuần trước, ông Trump đe dọa áp thuế suất 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ kể từ ngày 1/9, khiến cho cuộc chiến thương mại giữa hai nước đột ngột bùng lên sau khi đã thống nhất không leo thang căng thẳng tại Thượng đỉnh G-20 ở Nhật Bản.
Chính các quan chức Trung Quốc tham gia đàm phán với Mỹ cũng cảm thấy sốc.
Lời đe dọa áp thuế của ông Trump được đưa ra đúng lúc Chủ tịch Tập Cận Bình và nhiều quan chức Trung Quốc cấp cao đang họp kín tại Bắc Đới Hà.
Trong nhiều tuần gần đây, ông Tập đã phải chịu áp lực cần phải tỏ ra cứng rắn hơn trong đàm phán thương mại, đặc biệt là sau khi Mỹ đưa tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc vào danh sách bị cấm làm ăn với doanh nghiệp Mỹ.
Nhân dân tệ chạm đáy 11 năm: Giảm nhẹ tác động thuế quan
Theo nhận định của New York Times cuối tuần trước, trong thời gian gần đây Trung Quốc đã phải chủ động giữ giá trị đồng nhân dân tệ không xuống thấp quá ngưỡng 7 NDT/USD. Chỉ cần quan chức Trung Quốc khẽ nới lỏng tay trong việc kiểm soát, giá trị đồng nhân dân tệ sẽ đi xuống và lập tức khiến chính quyền ông Trump phải chú ý.
Quả nhiên ngay ngày đầu tuần này, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã để mặc cho đồng NDT mất giá.
Lần đầu tiên trong hơn 10 năm gua, giá trị đồng nhân dân tệ giảm quá ngưỡng 7 đổi 1 USD. Nguồn: Bloomberg.
Trong thông cáo chính thức của mình, PBoC cho biết biến động của đồng nhân dân tệ xuất phát từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại và lo ngại tăng cường thuế quan vào hàng hóa Trung Quốc trong tương lai. PBoC đồng thời cho biết cơ quan này vẫn có thể duy trì một đồng tiền ổn định.
Ông Evans-Pritchard, chuyên gia tại Capital Economics đánh giá: Bằng việc nêu rõ quan hệ giữa nhân dân tệ mất giá và lời đe dọa thuế quan gần đây, PBoC đã biến tỷ giá trở thành một thứ vũ khí.
"Việc PBoC để tỉ giá vượt ngưỡng 7 nhân dân tệ/USD cho thấy Trung Quốc gần như đã từ bỏ gần như hoàn toàn hi vọng về một thỏa thuận thương mại".
Việc NDT mất giá sẽ khiến cho hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc trở nên rẻ đi tương đối và do vậy bù lại phần nào tác động của thuế quan mà ông Trump áp lên.
Tuy nhiên để cho NDT suy yếu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với Trung Quốc. Giữa năm 2015, khi nước này bất ngờ phá giá đồng tiền, dòng vốn đã ồ ạt tháo chạy ra nước ngoài và làm cho thị trường toàn cầu một phen chao đảo.
Ông Trump có nhiều cách để đáp trả.
Chiều 5/8 (theo giờ Mỹ), Bộ Tài chính Mỹ ra thông báo chính thức đưa Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Từ khi tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump đã nói đến việc gắn mác thao túng tiền tệ lên Trung Quốc nhưng phải đến hôm 5/8 sau khi Trung Quốc phản đòn thương mại, chính quyền của ông mới thực hiện.
Quyết định này nằm ngoài qui trình đánh giá thông thường của chính phủ Mỹ. Hàng năm, Bộ Tài chính Mỹ định kì hai lần gửi đánh giá tiền tệ đến Quốc hội. Lần đánh giá mới đây nhất diễn ra vào tháng 5 và Mỹ quyết định không gắn mác thao túng tiền tệ vào Trung Quốc. Lần đánh giá tiếp theo phải đến tháng 10 mới diễn ra.
Ngoài ra ông Trump có thể tiếp tục nâng thuế suất đối với hàng hóa Trung Quốc. Trong một sự kiện cuối tuần trước ở Cincinnati, ông Trump tuyên bố có thể "mạnh tay đánh thuế" cho đến khi Trung Quốc chịu thỏa thuận.
Ngừng mua nông sản: Đòn hiểm đánh vào giấc mơ tranh cử của ông Trump
Kiểm soát nhập khẩu nông sản Mỹ là một vũ khí khác trong tay chính quyền Bắc Kinh. Một nguồn tin giấu tên của Bloomberg cho biết các công ty nông nghiệp thuộc nhà nước Trung Quốc đã ngừng mua nông sản Mỹ và đang đợi tiến triển trong đàm phán thương mại.
Ngày 6/8, Bộ Thương mại Trung Quốc đã xác nhận việc chỉ đạo ngừng nhập nông sản.
Thoạt nhìn thì đây là hành động dễ hiểu của Trung Quốc: Chủ tịch Tập Cận Bình không thể tỏ ra yếu đuối và nhượng bộ trước áp lực từ Tổng thống Trump. Ông Trump dọa đánh thuế, ông Tập đương nhiên ngừng mua đậu nành.
Đối với ông Tập, đây còn là một trong những quyết định hết sức dễ dàng về mặt kinh tế. Kim ngạch thương mại nông nghiệp giữa hai nước đạt đỉnh vào năm 2012 và sụt giảm từ rất lâu trước khi ông Trump phát động cuộc chiến thương mại.
Trung Quốc giảm nhập khẩu nông sản Mỹ từ năm 2012. Nguồn: Bloomberg/Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Nếu loại bỏ các mặt hàng có giá trị giao dịch ổn định như gỗ, giấy và bột giấy, sự sụt giảm lại càng rõ rệt: Trung Quốc nhập khẩu 25 tỉ USD nông sản Mỹ vào năm 2014 rồi giảm xuống còn 13,93 tỉ USD vào năm 2018. Nói cách khác, Trung Quốc từ lâu đã giảm phụ thuộc vào nông sản Mỹ
Trong khi đó, Trung Quốc không đe dọa ngừng mua tàu bay, máy móc, hàng điện tử, các thiết bị chính xác và xe hơi. Đây đều là các sản phẩm chiếm tỉ trọng lớn hơn trong cơ cấu nhập khẩu của Trung Quốc so với nông sản, đồng thời cũng là những mặt hàng khó tìm nguồn cung thay thế hơn.
Trung Quốc nhập tàu bay và máy móc từ Mỹ nhiều hơn là nông sản. Nguồn: Bloomberg.
Lệnh cấm nhập nông sản này còn có tác động chính trị cực lớn.
Tổng thống Trump từng thể hiện rõ rằng giao thương nông nghiệp là vấn đề mà ông rất quan tâm, coi việc Trung Quốc mua nông sản Mỹ là điều kiện phải có trong bất cứ thỏa thuận thương mại nào.
Nguyên nhân là những bang dao động (swing state) như Iowa và Wiscosin từng đóng vai trò rất quan trọng trong chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử 2016. Đây cũng là những bang nông nghiệp lớn của Mỹ.
(Swing state là những bang mà số người ủng hộ hai đảng ngang nhau, không nghiêng hẳn về bên nào và do vậy ông Trump muốn tranh thủ sự ủng hộ tối đa của cử tri để có thể giành chiến thắng ở các bang này).
Việc Trung Quốc cắt đứt kênh giao thương này đúng lúc nông dân Mỹ đang choáng váng vì lũ lụt là một cách hiệu quả để đánh đúng vào chỗ hiểm của chính quyền ông Trump.
Chưa kể, đây có thể không phải chỉ là hành động xả giận tức thời. Trước đây khi các cuộc đàm phán đạt được tiến triển, Trung Quốc rất sẵn lòng thể hiện thiện chí tăng cường mua nông sản.
Nhưng mọi thảo luận về bản chất đều là một cuộc mặc cả. Với động thái ngừng nhượng bộ hiện nay, Bắc Kinh đã tạo ra cho mình thêm một quân bài để mang ra mặc cả trong tương lai.
Trung Quốc hiện không phải một nhà nhập khẩu lớn của hàng hóa nông nghiệp Mỹ, đứng sau Canada, Mexico, EU và Nhật Bản. Do vậy tiềm năng của thị trường Trung Quốc là khổng lồ.
Theo một nghiên cứu của Đại học bang Iowa, nếu Trung Quốc loại bỏ toàn bộ các rào cản thương mại, giá trị xuất khẩu nông sản Mỹ sang quốc gia tỉ dân có thể tăng 54% lên mức 53 tỉ USD.
Trung Quốc tụt hạng trong danh sách quốc gia nhập khẩu nông sản Mỹ. Nguồn: Bloomberg/Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Nếu việc Trung Quốc ngừng mua nông sản là cây gậy thì tiềm năng của thị trường khổng lồ này lại là một củ cà rốt thơm ngon.
Chủ tịch Tập Cận Bình có thể toan tính rằng ông Trump đang rất cần một chiến thắng trước ngày bầu cử và do vậy sẽ đồng ý nhượng bộ để đổi lại Trung Quốc mua nông sản.
Khi đó, việc mở hầu bao cũng sẽ dễ dàng như việc đóng lại ngay lúc này.