|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hủy mua nông sản, Trung Quốc giáng đòn mạnh vào ngành nông nghiệp đang 'chật vật' của Mỹ

13:43 | 07/08/2019
Chia sẻ
Khi Trung Quốc sử dụng nông nghiệp như một vũ khí chống lại chính quyền Tổng thống Trump trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương nhất chính là nông dân Mỹ.
106042805-1564151510102rtx712rt

Ảnh: CNBC

Với việc Trung Quốc chính thức ngừng mua nông sản, nông dân Mỹ đang mất đi một trong những khách hàng lớn nhất. Đây có thể là một đòn "đau" trong một năm vốn đã khó khăn đối với cây trồng và giá hàng hóa.

Động thái này cũng có thể gây "sứt mẻ" tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ và làm tổn thương các công ty như Deere vì hoạt động kinh doanh của hãng liên quan trực tiếp với ngành nông nghiệp Mỹ.

"Doanh số đã giảm sâu hơn trong năm nay vì thuế quan hiện có. Nếu Trung Quốc không nhập nông sản, điều đó chắn chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn hơn đến thị trường và giá cả", ông Pat Westhoff, giám đốc của Viện Nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp và Thực phẩm tại Đại học Missouri, cho hay.

"Loại bỏ hoàn toàn Trung Quốc khỏi thị trường nông sản sẽ là một vấn đề rất lớn", ông Westhoff nói.

Theo CNBC, Trung Quốc đã mua đến 5,9 tỉ USD nông sản Mỹ trong năm 2018, theo Cục Điều tra Dân số Mỹ. Trung Quốc, quốc gia mua đậu nành hàng đầu thế giới, đã mua khoảng 60% đậu nành từ Mỹ vào năm ngoái.

Ông Westhoff ước tính giá đậu nành đã giảm 9% kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung bắt đầu vào tháng 7/2018.

Trong giai đoạn 9/2017 - 5/2018, xuất khẩu đậu nành Mỹ sang Trung Quốc đạt 27,7 triệu tấn. Con số này đã giảm hơn 70% xuống còn 7 triệu tấn trong giai đoạn 9/2018 - 5/2019, theo một phân tích của Đại học Missouri.

1

Nguồn: Cục Thống kê Dân số Mỹ, đơn vị: tỉ USD.

Ông Westhoff ước tính giá trị đậu nành xuất khẩu sẽ giảm thêm 4 tỉ USD nữa sau ảnh hưởng của thuế quan, nhưng trước thời điểm mất đi khách hàng lớn là Trung Quốc. Thuế quan cũng gây ra hiệu ứng lan truyền sang các loại cây trồng khác.

Khi nhu cầu đậu nành giảm , nông dân sẽ chuyển sang trồng các cây trồng khác, chẳng hạn như ngô. Điều này sẽ khiến giá ngô giảm thấp hơn vì nguồn cung dư thừa.

Cựu Phó Thống đốc bang Iowa, bà Patty Judge cho hay việc mất một đối tác thương mại như Trung Quốc đang tạo ra một tình huống nguy hiểm.

"Nông dân Mỹ sẽ gánh chịu một số hậu quả nghiêm trọng", bà Judge nói.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản Mỹ lớn thứ 4 trên thế giới, sau Canada, Mexico và Nhật Bản.

Mặc dù xuất khẩu nông sản chỉ là một phần tương đối nhỏ trong 20.000 tỉ USD GDP thường niên của Mỹ, bà Judge nhận định tình trạng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân và làm trầm trọng thêm các vấn đề mà họ đang phải đối mặt.

Thu nhập ròng của nông dân Mỹ đã giảm trong 6 năm qua, trước khi thuế quan có hiệu lực. Thu nhập của họ đã giảm 45% kể từ mức cao 123,4 tỉ USD năm 2013 xuống còn 63 tỉ USD vào năm ngoái, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Khó khăn bủa vây nông dân Mỹ

Ngoài thuế quan, nông dân còn phải đối mặt với lũ lụt và dịch tả heo châu Phi trong năm nay, khiến nhu cầu đậu nành và thức ăn chăn nuôi khác dành cho heo chững lại.

Tháng 5, Nhà Trắng đã tung ra gói viện trợ liên bang trị giá 16 tỉ USD để giúp nông dân vượt qua chiến tranh thương mại và các vấn đề khác. 

Tuy nhiên, bà Judge nhận định phần lớn gói cứu trợ đã bỏ qua các hộ nông dân nhỏ và không được xem là một giải pháp lâu dài, ít nhất là ở Iowa.

"Nông dân muốn thu về một khoản lợi nhuận hợp lí vào cuối năm. Họ muốn đạt được mục tiêu đó trên thị trường chứ không phải thông qua một chương trình của chính phủ", bà Judge nói.

Đồng thời, cựu Phó Thống đốc bang Iowa còn nhận định, các hộ nông dân nhỏ lẻ rất khó tiếp cận khoản vay nếu nhu cầu của khách hàng không ổn định.

Hôm 6/8, Tổng thống Trump đã đăng tải trên Twitter rằng nông dân Mỹ phải biết Trung Quốc sẽ không làm tổn hại họ vì ông đã đứng về phía họ.

Yên Khê