Trung Quốc khuyên Mỹ ‘nên dừng bước trước bờ vực thẳm’, khẳng định nhân dân tệ là đồng tiền mạnh nhất G20
Hôm 1/8 tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố kế hoạch áp thuế lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ tháng 9 tới.
Sau đó vào ngày 5/8, Trung Quốc thả cho giá trị đồng nhân dân tệ (NDT) đi xuống, phá ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ năm 2008. Cùng ngày 5/8, Bộ Tài chính Mỹ chính thức liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ.
Theo phiên bản Tiếng Anh của thông cáo chính thức đăng trên website của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hôm nay 6/8, cơ quan này cho biết:
"Phía Trung Quốc rất lấy làm tiếc việc Mỹ coi chúng tôi là quốc gia thao túng tiền tệ. Quyết định này không tuân theo các tiêu chí định lượng do chính Bộ Tài chính Mỹ đặt ra. Đây là một hành động bất thường thể hiện chủ nghĩa đơn phương cũng như chủ nghĩa bảo hộ".
"Nó sẽ phá hoại nghiêm trọng các qui tắc quốc tế và tác động mạnh lên nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu".
PBoC sau đó giải thích về cơ chế điều hành tỷ giá NDT của cơ quan này:
"Tỷ giá NDT được điều hành theo cơ chế thả nổi có kiểm soát dựa trên cung cầu thị trường và tham chiếu với một rổ tiền tệ. Không hề có chuyện thao túng tỷ giá vì về bản chất, tỷ giá NDT là do cung cầu thị trường quyết định".
"Việc đồng NDT mất giá trong thời gian từ đầu tháng 8 tới nay là do sự tác động của các xung lực trên thị trường và phản ánh sự thay đổi của môi trường tỷ giá toàn cầu, trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang".
"PBoC vẫn liên tục cam kết giữ tỷ giá NDT cơ bản ổn định ở điểm cân bằng và có khả năng thích ứng. Nỗ lực của chúng tôi đã được đối tác quốc tế công nhận rộng rãi".
PBoC sau đó đưa ra dẫn chứng cho thấy đồng nhân dân tệ không hề bị thao túng hay phá giá để cạnh tranh không lành mạnh như Mỹ cáo buộc:
"Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), trong giai đoạn từ 2005 đến tháng 6/2019, tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa (NEER) và tỷ giá hữu hiệu thực (REER) của nhân dân tệ cho thấy đồng tiền này tăng giá lần lượt 38% và 47%".
"Nhân dân tệ là đồng tiền mạnh nhất trong nhóm các quốc gia G20. Mức độ tăng giá của NDT cũng thuộc vào loại lớn nhất trong số tất cả đồng tiền trên thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã chỉ ra trong Báo cáo tham vấn Điều IV vừa được thực hiện mới đây rằng giá trị đồng NDT nhìn chung phù hợp với các yếu tố căn bản".
"Trong Cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 và Cuộc khủng hoảng Tài chính toàn cầu 2008, Trung Quốc đã giữ đúng cam kết kiểm soát ổn định giá trị NDT và tích cực hỗ trợ sự ổn định của thị trường tài chính cũng như sự hồi phục của kinh tế toàn cầu".
"Mặc dù Mỹ đã liên tục leo thang chiến tranh thương mại từ đầu năm 2018 đến nay, Trung Quốc vẫn giữ đúng lời hứa không thực hiện chính sách phá giá cạnh tranh. Trung Quốc chưa bao giờ và sẽ không bao giờ dùng tỷ giá NDT làm công cụ giải quyết xung đột thương mại".
"Tuy nhiên Mỹ hoàn toàn phớt lờ những thực tế này và gắn mác quốc gia thao túng tiền tệ lên Trung Quốc. Phía Trung Quốc cực lực phản đối vì hành động này làm tổn hại đến lợi ích của cả Trung Quốc và Mỹ".
Đoạn cuối của thông cáo, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nói nhiều về tác hại của việc gắn mác thao túng tiền tệ với nước này:
"Chưa kể, hành động này của Mỹ còn phá hoại nghiêm trọng trật tự tài chính quốc tế, làm náo loạn các thị trường tài chính, cản trở hoạt động thương mại cũng như hồi phục kinh tế toàn cầu và rồi sẽ làm hại chính nước Mỹ".
"Hành động đơn phương này còn phá hoại những đồng thuận đa phương về tỷ giá và sẽ có tác động tiêu cực nghiêm trọng đối với hoạt động của hệ thống tiền tệ quốc tế. Phía Trung Quốc khuyên Mỹ hãy ghìm lại dây cương ngựa trước bờ vực thẳm, quay đầu ra khỏi con đường sai lầm này và trở về với hướng đi đúng đắn".
"Trung Quốc vẫn cam kết theo đuổi chế độ tỷ giá thả nổi có kiểm soát dựa theo cung cầu thị trường và tham chiếu với một rổ tiền tệ. Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục giữ tỷ giá NDT căn bản ổn định ở điểm cân bằng và có khả năng thích ứng".
Những tập tiền 100 nhân dân tệ. Ảnh minh họa: AFP/Getty Image.
Hàng năm, Bộ Tài chính Mỹ định kì hai lần gửi đánh giá tiền tệ đến Thượng viện trong đó liệt kê các nước bị coi là có hành vi thao túng tiền tệ.
Trong lần đánh giá mới đây nhất diễn ra vào tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ kết luận Trung Quốc không phải nước thao túng tiền tệ theo các tiêu chí định lượng mà cơ quan này đặt ra.
Lần đánh giá tiếp theo phải tới tháng 10 này mới được thực hiện. Như vậy quyết định đưa Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ hôm 5/8 là hoàn toàn bất thường và nằm ngoài qui trình của chính phủ Mỹ.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trong 25 năm qua một quốc gia bị gán mác thao túng tiền tệ. Lần gần đây nhất, năm 1994 cũng chính Trung Quốc bị chính quyền Tổng thống Bill Clinton gắn lên cái mác này.