Trung Quốc bị gắn mác thao túng tiền tệ đúng lúc ngừng thao túng tiền tệ
"Tỷ giá thả nổi có kiểm soát"
Đa phần các quốc gia tư bản hiện đại đều thả nổi tỷ giá (float), tức là để giá trị đồng tiền của mình tự do biến động so với các tiền của các quốc gia khác.
Trong khi đó, Trung Quốc lại duy trì chế độ tỷ giá "thả nổi có kiểm soát" (managed float hoặc controlled float) tức là đôi khi có bàn tay của nhà nước can thiệp vào biến động của tỷ giá.
Hôm 5/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã để cho giá trị đồng NDT giảm quá ngưỡng tâm lí quan trọng 7 đổi 1 USD, xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Cùng ngày này, Bộ Tài chính Mỹ chính thức coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.
Trong thông cáo báo chí chính thức phản hồi quyết định của phía Mỹ, PBoC tái khẳng định cơ chế tỷ giá của nước này: "Tỷ giá NDT được điều hành theo cơ chế thả nổi có kiểm soát dựa trên cung cầu thị trường và tham chiếu với một rổ tiền tệ".
Tuy nhiên bản thân cơ chế thả nổi có kiểm soát không đồng nghĩa với việc Trung Quốc thao túng tiền tệ.
Luật của Mỹ đặt ra ba tiêu chí để xếp một quốc gia vào danh sách thao túng tiền tệ là: Thặng dư tài khoản vãng lai hàng năm vượt 3% GDP, thặng dư thương mại với Mỹ hàng năm vượt 20 tỉ USD và liên tục tác động một chiều vào thị trường ngoại hối.
Trong báo cáo đánh giá chính thức gửi Quốc hội tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Trung Quốc chỉ đáp ứng một tiêu chí duy nhất là thặng dư thương mại với Mỹ vượt 20 tỉ USD và do vậy chưa đủ căn cứ để coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.
Đợt đánh giá chính thức tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 10 tới, tuy nhiên chưa đến ngày đó thì Bộ Tài chính Mỹ đã gắn mác thao túng tiền tệ lên Trung Quốc.
Mở đầu thông cáo phản hồi quyết định của Bộ Tài chính Mỹ, PBoC cũng nói: "Phía Trung Quốc rất lấy làm tiếc việc Mỹ coi chúng tôi là quốc gia thao túng tiền tệ. Quyết định này không tuân theo các tiêu chí định lượng do chính Bộ Tài chính Mỹ đặt ra".
Nhiều năm liền phá giá NDT
Theo Bloomberg và nhiều nghiên cứu, trong nhiều năm liền chính phủ Trung Quốc đã kiểm soát tỷ giá để khiến cho đồng nhân dân tệ rẻ một cách giả tạo.
Theo đó, Trung Quốc in tiền NDT để mua lại các đồng tiền khác, chủ yếu là USD. Nguồn cung NDT nhiều hơn dẫn tới giá trị NDT giảm đi, nhu cầu USD tăng lên khiến cho đồng USD mạnh hơn. Hệ quả chung là NDT rẻ đi tương đối so với USD.
Chính sách tỷ giá này giúp cho hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn so với hàng của các quốc gia khác, từ đây lại dẫn tới hai hệ quả là 1) doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc hưởng lợi vì dễ bán hàng ở các thị trường nước ngoài và 2) người tiêu dùng trong nước ưu tiên dùng hàng Trung Quốc vì rẻ hơn hàng ngoại.
Chính sách này đã giúp cho Trung Quốc không rơi vào suy thoái kinh tế trong cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008, đồng thời hỗ trợ công cuộc xây dựng năng lực sản xuất công nghiệp khổng lồ của quốc gia tỉ dân.
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), năm 2007 nếu Trung Quốc không thao túng tiền tệ, thặng dư thương mại của nước này sẽ chỉ là 22 tỉ USD thay vì 353 tỉ USD như thực tế.
Giá trị đồng tiền của một quốc gia giảm đi đồng nghĩa giá cả hàng hóa của nước đó cũng giảm đi.
Ví dụ: Giá một chiếc bút do Trung Quốc sản xuất là 30 NDT, với tỷ giá 5 NDT đổi 1 USD, người Mỹ muốn mua chiếc bút này phải chi ra 6 USD.
Nếu tỷ giá thay đổi thành 10 NDT đổi 1 USD, tức là giá trị đồng NDT giảm đi so với USD (cần tới 10 NDT mới đổi được 1 USD thay vì chỉ 5 NDT như trước), để mua chiếc bút này, người Mỹ chỉ cần 3 USD, rẻ bằng một nửa so với trước.
Như vậy thông qua việc phá giá NDT, Trung Quốc đã làm cho hàng hóa của mình rẻ đi.
Nhiều chính trị gia Mỹ đến từ cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã nhiều lần kêu gọi chính thức gắn mác thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc, tuy nhiên từ năm 1994 đến trước ngày 5/8/2019, không có quốc gia nào bị gắn mác này.
Sở dĩ như vậy là vì các Tổng thống Mỹ trước đây không biết làm gì sau khi liệt Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ.
Bản thân hành động gắn mác này không kèm theo biện pháp trừng phạt nào cụ thể. Nó có thể được dùng để khai hỏa một cuộc chiến thương mại tổng lực kéo dài, nhưng các Tổng thống Mỹ trước không muốn điều này.
Đến ngày 5/8 vừa qua dưới thời Tổng thống Donald Trump, mọi chuyện rõ ràng đã thay đổi.
Ngừng thao túng và bị gắn mác
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Fred Bergsten đến từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Trung Quốc quả thực đã thường xuyên thao túng tiền tệ trong giai đoạn 2003-2014 để giữ giá trị đồng NDT ở mức thấp.
Khi Tổng thống Trump và chính quyền Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, ý được nói đến ở đây là Trung Quốc phá giá và giữ giá trị đồng NDT quá thấp để hưởng lợi một cách không công bằng trong thương mại quốc tế.
Tuy nhiên từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc đã dừng việc đè nén giá trị đồng NDT do người dân và doanh nghiệp nước này mạnh tay bán NDT để tích trữ tài sản ở nước ngoài, gây áp lực giảm đáng kể lên đồng NDT.
Hệ quả là chính phủ Trung Quốc phải tác động theo chiều ngược lại so với trước, dùng dự trữ ngoại hối để mua vào NDT, ngăn dòng vốn chảy ra ngoài và không để cho giá trị đồng tiền nước mình giảm quá sâu.
Theo ước tính của Bloomberg, trong hai năm 2015-2016, Trung Quốc đã phải chi khoảng 800 tỉ USD (tương đương 20% dự trữ ngoại hối khi đó) để mua vào NDT nhằm ổn định tỷ giá.
Số liệu được PBoC công bố mới đây cho thấy dự trữ ngoại hối Trung Quốc đã giảm 15,54 tỉ USD trong tháng 7, trước khi ông Trump đe dọa áp thuế vào hôm 1/8.
Như vậy, từ chỗ phá giá và kìm hãm giá trị đồng NDT ở mức thấp để hỗ trợ xuất khẩu, Trung Quốc phải chuyển sang thực hiện các biện pháp hỗ trợ khi cần thiết để giá trị đồng NDT không giảm sâu.
Tuy nhiên đến ngày 5/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tạm ngừng các biện pháp can thiệp, khiến cho giá trị NDT giảm quá ngưỡng tâm lý quan trọng 7 đổi 1 USD và xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Điều trớ trêu là đúng lúc này - khi Trung Quốc không thao túng tiền tệ nữa, ông Trump lại nổi giận đùng đùng và chính thức gắn mác thao túng tiền tệ lên Trung Quốc.
Tỷ giá giảm qua mốc 7 là "phù hợp theo cung cầu thị trường"
Câu hỏi được đặt ra lúc này là tại sao Trung Quốc lại để giá trị đồng NDT xuống đáy 11 năm?
Lí do dễ thấy nhất là Trung Quốc muốn gửi đi thông điệp mạnh mẽ, đáp trả lời đe dọa áp thuế của ông Trump ít ngày trước đó.
Việc thả cho giá trị đồng NDT đi xuống cũng có lợi ích kinh tế nhất định. Như trình bày ở trên, khi đồng tiền của một quốc gia mất giá thì hàng hóa của quốc gia đó trở nên rẻ đi.
Ông Trump đánh thuế lên hàng Trung Quốc, khiến cho hàng hóa Trung Quốc đắt lên. Việc đồng NDT mất giá sẽ có thể bù trừ phần nào tác động tiêu cực của việc Mỹ áp thuế quan.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - ông Dịch Cương cho biết việc giá trị NDT giảm xuống dưới ngưỡng 7 đổi 1 USD là bình thường và "phù hợp theo cung cầu thị trường".
Lời giải thích này cũng phù hợp với lí thuyết kinh tế bởi Trung Quốc đang cùng với Mỹ bế tắc trong cuộc chiến thương mại, hàng trăm tỉ USD hàng hóa đang bị đánh thuế, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quí vừa qua ghi nhận mức thấp nhất 27 năm.
Vì vậy, việc dòng vốn chảy ra ngoài để tránh thuế quan, gây áp lực suy giảm lên giá trị đồng NDT là có thể hiểu được.
Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu Mỹ sẽ phản ứng thế nào? Như đã nói, Trung Quốc in tiền NDT để mua USD, làm cho đồng NDT rẻ đi tương đối so với USD. Vậy thì Mỹ có thể làm điều ngược lại, tức là in USD để mua đồng NDT và triệt tiêu tác động từ phía Trung Quốc. Lúc này hai nước sẽ không chỉ tham chiến về thương mại mà cả về tiền tệ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/