'Mũi tên' thuế quan của ông Trump nhằm vào cả ‘hai con chim’ là Trung Quốc và Fed?
Hôm 1/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố kế hoạch áp thuế suất 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa còn lại từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ kể từ ngày 1/9 tới. Cộng với 250 tỉ USD hàng hóa hiện đang bị áp thuế, sắp tới toàn bộ hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ đều phải chịu thuế suất từ 10 đến 25%.
Trút giận lên Trung Quốc
Tuyên bố áp thuế của ông Trump đã nhanh chóng vấp phải phản ứng dữ dội từ Trung Quốc. Đầu tiên là truyền thông nhà nước, sau đó là Bộ Ngoại giao và sang đến đầu tuần này cả bộ máy chính quyền Trung Quốc đã vào cuộc.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thì thả cho giá trị đồng nhân dân tệ trượt xuống dưới ngưỡng 7 đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Bộ Thương mại Trung Quốc thì xác nhận đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước ngừng mua nông sản từ Mỹ.
Tỷ giá NDT và mua nông sản chính là hai vấn đề "nhức nhối" nhất rất được ông Trump quan tâm, và vì vậy từ ngay sau khi lời đe dọa áp thuế được đưa ra, hai bước đi này của Trung Quốc đã được nhiều chuyên gia dự báo trước.
Từ lâu ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ để cạnh tranh không lành mạnh, ông cũng như cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã đồng ý mua nông sản Mỹ rồi lại nuốt lời, không thực hiện.
Giá trị đồng nhân dân tệ so với USD giảm mạnh từ khi chiến tranh thương mại nổ ra và đã phá ngưỡng 7 đổi 1 USD. Nguồn: Bloomberg.
Hôm 1/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer trở về Washington sau vài giờ đàm phán tại Thượng Hải mà không đạt được kết quả như mong đợi.
Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết, sau khi nghe báo cáo về kết quả đàm phán, Tổng thống Trump đã ngay lập tức đề xuất áp thuế hàng Trung Quốc. Bất chấp lời can ngăn của nhiều cố vấn thân cận, ông Trump vẫn giữ quan điểm cứng rắn vì ông cho rằng mạnh tay đánh thuế là cách thúc đẩy đàm phán thương mại tốt nhất.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng – Larry Kudlow mới đây cho rằng nước Mỹ đang chiếm thế thượng phong trong đàm phán thương mại với Trung Quốc vì "nền kinh tế Mỹ rất khỏe mạnh, kinh tế Trung Quốc thì không".
Theo ông Kudlow, Trung Quốc có thể sẽ từ chối thỏa thuận thương mại nhưng Mỹ sẽ có khả năng ứng phó tốt hơn Trung Quốc khi xảy ra tình trạng kinh tế giảm tốc.
Tuy vậy đến nay, chưa có vẻ gì là tình hình đàm phán và hòa giải thương mại giữa hai nước sẽ tiến triển. Những gì mà chúng ta thấy chỉ là những bước leo thang, những đòn trả đũa ngày càng nguy hiểm.
Trung Quốc từ lâu đã yêu cầu Mỹ phải gỡ bỏ toàn bộ thuế quan nếu muốn đạt thỏa thuận thương mại. Sau lời đe dọa mới đây, truyền thông Trung Quốc tiếp tục lặp lại quan điểm cứng rắn trên và khẳng định nước này sẽ không nhượng bộ trong các vấn đề cốt lõi.
Có thể kinh tế nền kinh tế Trung Quốc thua kém so với Mỹ thật, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình không thể tỏ ra yếu đuối và nhượng bộ các vấn đề mang tính nguyên tắc quan trọng vì áp lực từ Tổng thống Trump.
Trong hoàn cảnh này, phản pháo dữ dỗi là chiến thuật dễ hiểu nhất nhìn từ phía Trung Quốc.
Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ năm 2018 là 120 tỉ USD và hiện Trung Quốc đã áp thuế lên khoảng 110 tỉ USD. Khi không thể tăng qui mô áp thuế như Mỹ dự định làm, Trung Quốc sử dụng các biện pháp phi thuế quan như hạ tỷ giá hay ngừng mua nông sản.
Dồn Fed vào chân tường
Chiều 31/7 (giờ Mỹ), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày và công bố quyết định giảm lãi suất 25 điểm cơ bản.
Trong buổi họp báo sau đó, ông Powell giải thích thêm rằng quyết định giảm lãi suất này chỉ là một "sự điều chỉnh giữa chu kì" chứ không phải sự khởi đầu cho một giai đoạn nới lỏng chính sách kéo dài.
Tổng thống Trump từ lâu đã chỉ trích Fed nâng lãi suất quá nhanh, quá nhiều lần và giữ lãi suất ở mức quá cao trong thời gian quá dài.
Không hài lòng với mức giảm lãi suất 'nhỏ mọn' 25 điểm cơ bản cũng như định hướng chính sách mà Chủ tịch Fed đưa ra trong buổi họp báo, ông Trump lại dùng Twitter chỉ trích:
"Điều mà thị trường muốn nghe từ ông Powell và Fed là lần giảm lãi suất này là điểm khởi đầu cho một giai đoạn cắt giảm lãi suất mạnh tay và kéo dài, tương xứng với hành động của Trung Quốc, EU và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nhưng như thường lệ, Jerome Powell đã làm chúng ta phải thất vọng."
Ngay trong bài phát biểu mở đầu họp báo ngay 31/7, ông Powell đã nhận định: "Sau khi lắng dịu hồi đầu năm, căng thẳng thương mại đột ngột sôi sục lên trong tháng 5 và tháng 6 nhưng hiện nay tình hình có vẻ đã lắng dịu trở lại".
Tuy nhiên Fed vẫn giảm lãi suất vì muốn giúp nền kinh tế chống chịu tốt hơn với "các yếu tố rủi ro từ tăng trưởng toàn cầu chậm lại và bất ổn chính sách thương mại".
Và chưa đầy 24 giờ sau buổi họp báo của Chủ tịch Fed, ông Trump đẩy căng thẳng thương mại lên đỉnh cao mới với kế hoạch áp thuế lên 300 tỉ USD hàng Trung Quốc.
Theo Bloomberg, hai sự việc diễn ra quá gần nhau về thời gian khiến nhiều người nghi ngờ chúng có quan hệ với nhau.
Theo luật, nhiệm vụ của Fed là tối đa hóa việc làm và ổn định lạm phát. Đây là hai yếu tố mà ông Trump có thể tác động phần nào nhưng không thể kiểm soát theo ý mình được.
Tuy nhiên khi Fed điều hành chính sách dựa theo "tăng trưởng toàn cầu" và "căng thẳng thương mại" như lời ông Powell thì Tổng thống Mỹ lại chắc chắn có thể tác động một cách trực tiếp.
Nhiều chuyên gia đặt ra giả thuyết: Fed tuyên bố cắt giảm lãi suất vì lo ngại căng thẳng thương mại, vậy nên ông Trump gây ra căng thẳng thương mại để Fed phải giảm lãi suất?
Sau nhiều lần "nói suông", công kích qua Twitter và báo chí nhưng Fed không chịu nghe lời, phải chăng ông Trump đã quyết định đẩy Fed vào hoàn cảnh buộc phải hạ lãi suất theo ý mình?
Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ dường như đang suy diễn theo hướng này. Theo công cụ FedWatch của CME Group, ngày 31/7 thị trường đánh giá khả năng Fed hạ lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 18/9 tới đây là 2,1%. Đến hôm nay 7/8, xác suất này đã tăng lên thành 21,2%, tức cao gấp 10 lần.
Hôm 5/8 khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thả cho giá trị đồng nhân dân tệ xuống dướng ngưỡng 7 đổi 1 USD, ông Trump lại "nhắc khéo" Fed: "Trung Quốc phá giá đồng nội tệ xuống gần mức thấp nhất lịch sử. Hành động đó gọi là 'thao túng tiền tệ'. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có biết điều này không? …"
Lợi bất cập hại, xôi hỏng bỏng không
Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump trong nhất thời có thể khiến Trung Quốc quan ngại và buộc Fed hạ lãi suất. Nhưng đây là một nước cờ mạo hiểm và cái giá phải trả có thể sẽ không hề rẻ.
Tác động trực tiếp cũng như gián tiếp của việc áp thuế lên hàng trăm tỉ USD hàng hóa Trung Quốc có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Theo số liệu của Bloomberg, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 3 tháng đầu tuần này cao hơn lợi suất kì hạn 10 năm tới 32 điểm cơ bản – mức chênh lệch lớn nhất kể từ năm 2007.
Lợi suất TPCP Mỹ kì hạn 3 tháng cao hơn lợi suất kì hạn 10 năm tới 32 điểm cơ bản – mức chênh lệch lớn nhất kể từ năm 2007. Nguồn: Bloomberg.
Hiện tượng lợi suất kì hạn ngắn lớn hơn kì hạn dài được biết đến với tên gọi đường cong lợi suất đảo ngược và được coi là một chỉ báo khá tin cậy cho các cuộc suy thoái kinh tế.
Nhưng hãy chú ý đến diễn biến theo thời gian của chênh lệch lợi suất này. Vào ngày 31/7 khi Fed hạ lãi suất tham chiếu, lợi suất kì hạn 3 tháng chỉ cao hơn kì hạn 10 năm vài điểm cơ bản.
Đến ngày 1/8 khi ông Trump công bố kế hoạch áp thuế lên hàng trăm tỉ USD hàng Trung Quốc, mức chênh lệch tăng thêm 14 điểm cơ bản. Hôm 5/8 khi Trung Quốc công bố đòn trả đũa (thả tỷ giá NDT và ngừng mua nông sản Mỹ), chênh lệch lợi suất này tăng thêm tới 10 điểm nữa.
Những biến động mạnh cỡ này ít khi xảy ra. Bản thân lợi suất kì hạn 10 năm đã giảm 14 điểm cơ bản xuống mức thấp nhất kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống. Ngày 5/8, chỉ số S&P 500 và Dow Jones có phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2019.
Bloomberg cho rằng sự leo thang trong cuộc chiến thương mại do ông Trump khơi mào rõ ràng đã khiến nhiều nhà đầu tư hoảng sợ. Một số còn lo sợ chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed sẽ không đủ để bù đắp tác động tiêu cực của thuế quan, nhất là trong bối cảnh lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ khá èo uột.
Khi Fed hạ lãi suất hôm 31/7, lẽ ra ông Trump có thể tuyên bố chiến thắng, coi như Fed đã chịu khuất phục sau khi bị ông chỉ trích mấy tháng ròng. Ông Trump có thể tiếp tục đổ lỗi cho Fed nếu suy thoái hay rủi ro nào khác xảy ra với nền kinh tế, như trước đây ông từng nói "kinh tế Mỹ sẽ phi như tên lửa nếu Fed hạ lãi suất".
Tuy nhiên, với kế hoạch áp thuế và leo thang thương mại mới đây, ông Trump không chỉ đứng trước rủi ro đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái mà ông cũng không thể đổ lỗi cho Fed được nữa. Nếu chuyện không hay xảy ra, ông Trump và chính sách thuế quan của ông sẽ phải chịu trách nhiệm.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/