Ngoại trưởng Mỹ: Thế giới ngày càng coi Trung Quốc là mối đe dọa
Trong vài tháng qua, khi mối quan hệ giữa hai siêu cường thế giới đổ vỡ, Ngoại trưởng Pompeo đã tăng cường công kích sự quản lí của Bắc Kinh, hệ thống kinh tế do nhà nước lãnh đạo và cách xử lí đại dịch của Trung Quốc.
Phát biểu trước Hội đồng Đại Tây Dương, ông Pompeo khẳng định: "Thế giới đã thức tỉnh và quan điểm của tôi là tình thế đã thay đổi. Tôi nghĩ chúng là những chuyển biến mạnh mẽ trong quan điểm của thế giới về mối đe dọa từ Trung Quốc".
Theo Chỉ số Quyền lực mềm 30, thứ hạng của Trung Quốc rơi xuống vị trí 27 vào năm 2019, giảm hai bậc so với năm 2017. Chỉ số này theo dõi việc các quốc gia sử dụng năng lực thuyết phục thay vì ép buộc để đạt được các mục tiêu, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Một trong số những hành động đầu tiên của ông Trump khi thành tổng thống là rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận giữa 12 nước nhằm cùng nhau giải quyết những thách thức chung liên quan đến Trung Quốc.
Kể từ đó, ông Trump cũng phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc và cả Liên minh châu Âu (EU). Những người chỉ trích nói rằng ông Trump thường xuyên coi quan hệ ngoại giao là trò chơi tranh đấu thay vì hợp tác để các bên cùng có lợi.
"Tôi biết về những chỉ trích này", ông Pompeo thừa nhận. Nhưng ông nói ưu tiên lớn nhất của chính quyền ông Trump là giúp người Mỹ hiểu về mối đe dọa của Trung Quốc về mặt kinh tế và an ninh quốc gia.
Ông Peompeo khẳng định "Hàng chục triệu việc làm tại Mỹ đã bị đánh cắp thông qua hoạt động kinh tế theo kiểu săn mồi của Trung Quốc" và điều này không được phép tiếp tục diễn ra.
Chuyển sang cuộc chiến giành vị trí tối cao trong lĩnh vực viễn thông, ông Pompeo tin các đối thủ phương Tây của Huawei sẽ mạnh lên và trở thành tiêu chuẩn công nghiệp toàn cầu.
"Tôi tự tin rằng các doanh nghiệp phương Tây sẽ tạo ra được sản phẩm có giá cả hợp lí, cung cấp dịch vụ ngang bằng hoặc tốt hơn [Huawei]". Tuy nhiên, ngoại trưởng Mỹ cũng thừa nhận rằng sẽ khó mà đánh bại giá cả của Trung Quốc vì trợ cấp từ nhà nước Bắc Kinh.
Ông Pompeo nói rằng mô hình kinh tế Trung Quốc được xây dựng dựa trên các công ty được nhà nước hậu thuẫn và "đánh cắp công nghệ Mỹ, mang chúng về quê hương, sau đó quay lại và bán phá giá ở Mỹ cũng như toàn thế giới".
Bất chấp chính sách đặt "Nước Mỹ lên trên hết" của ông Trump, giới phân tích nói rằng Bắc Kinh đã không thể tận dụng và kết thêm đồng minh. Sự ngờ vực của quốc tế về Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã gia tăng xoay quanh nhiều lĩnh vực từ tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, Nhật Bản đến luật an ninh quốc gia Hong Kong.
Trong những tháng gần đây, làn sóng chỉ trích Trung Quốc của cộng đồng quốc tế đã mạnh lên, xoay quanh việc Trung Quốc xử lí COVID-19, phân phối thiết bị y tế kém chất lượng và ngấm ngầm đe dọa kinh tế một số nước.
Ngày càng nhiều đồng minh của Mỹ, bao gồm Anh, Đức, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ quyết định hạn chế thiết bị Huawei trong mạng lưới 5G quốc gia.
Quan chức ngoại giao ở Bắc Kinh đã nhiều lần lên án các phát biểu chống Trung Quốc của ông Pompeo. Hôm 11/9, ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: "Công việc hàng ngày của Pompeo là nói dối về Trung Quốc. Dù Mỹ có khoác lác như thế nào đi chăng nữa thì sự thật cũng biến họ thành trò cười".
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc phô diễn sức mạnh kinh tế và chính trị, một số chuyên gia nhận thấy nguy cơ xảy ra sự cố ngoài ý muốn giữa cả hai nước đang tăng lên.
Hôm 14/9, bà Greta Nabbs-Keller, nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland cảnh báo: "Có nguy cơ xảy ra đụng độ quân sự, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông". Ngay cả một cuộc đụng độ tương đối nhỏ cũng có thể gây ra phản ứng lớn trên toàn khu vực châu Á, bà nói thêm.
Ông Amanda Hsiao, Giám đốc dự án tại Trung tâm Đối thoại Nhân đạo nói: Việc điều động tàu chiến và máy bay quân sự "có rủi ro gây ra một vụ va chạm ngẫu nhiên hoặc một sự cố khiến quan hệ Mỹ-Trung rơi xuống điểm mà cả hai bên đều không muốn", "sự cố ngoài ý muốn sau đó leo thang thành điều gì đó lớn hơn nhiều".