SCMP: Việt Nam thăng hoa trên nhiều mặt trận
Ngôi sao kinh tế
Theo SCMP, không chỉ ghi dấu ấn về năng lực quản lý của chính phủ, thành tích của Việt Nam trên mặt trận chống COVID-19 đã chuyển thành lợi ích kinh tế và giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia ghi nhận tăng trưởng GDP dương trong năm 2020.
Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng hơn 6%. Đây là một thành tựu có thể giúp Việt Nam củng cố vai trò "ngôi sao đang lên" của châu Á.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận Việt Nam đã tiến tới "chung sống an toàn cùng COVID-19" và hoàn thành mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế.
Ông Lye Liang Fook, thành viên cấp cao của Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cũng cho rằng thành tích chống dịch đã cho phép Việt Nam tập trung lấy lại đà tăng trưởng.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Irvin Seah của DBS Group tin rằng, Việt Nam cuối cùng đã "đến thời điểm chín muồi" khi các nền tảng kinh tế và chính sách sâu rộng có thể đảm bảo triển vọng tăng trưởng dài hạn. Ông Seah từng gọi Việt Nam là ngôi sao đang lên trong một báo cáo năm 2019.
"Xét về quy mô nền kinh tế, trong thập kỷ tới, Việt Nam được kỳ vọng sẽ đứng cùng hàng với một số nền kinh tế tương đối phát triển trong khu vực", ông Seah nhận định.
Vị chuyên gia của DBS Group lập luận, các khu công nghiệp công nghệ cao, vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng khu vực, ưu đãi thuế hấp dẫn, thuế suất doanh nghiệp thấp và lực lượng lao động cạnh tranh là các yếu tố giúp Việt Nam đi đến thành công đó.
WHO, ông Lye Liang Fook hay ông Irvin Seah không phải là người hâm mộ duy nhất của Việt Nam. World Bank và Economist Intelligence Unit cũng đưa ra các đánh giá khả quan về tiềm năng phát triển của Việt Nam.
Động lực để bức tốc
Ông Ivan V. Small, thành viên cấp cao tại ISEAS, cho biết đà tăng trưởng của Việt Nam sẽ tiếp tục khi hoạt động du lịch phục hồi sau đại dịch. Ngoài ra, xuất khẩu nông sản và hàng chế tạo, bao gồm điện thoại thông minh, chip điện tử, dệt may, giày dép, cà phê và gạo, cũng có khả năng tăng trưởng.
Theo ông Small, đà tăng trưởng trên được thúc đẩy bởi chiến lược đầu tư "China Plus One" mà nhiều công ty nước ngoài đang tham gia sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Các công ty này đang có kế hoặc (hoặc đã chuyển) cơ sở sản xuất sang Việt Nam để tránh đầu tư vào Trung Quốc cũng như để đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Ông Seah của DBS Group nói, quá trình đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc đã bắt đầu từ vài năm trước nhưng tăng tốc dưới cuộc chiến thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Việt Nam chắc chắn đang hưởng lợi lớn", ông Seah nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ niềm tin rằng xu hướng trên sẽ tiếp tục.
Ngoài ra, ông Ivan Small còn cho rằng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết trong năm 2020 như EVFTA và RCEP sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới và giúp Việt Nam thâm nhập sâu vào nền kinh tế khu vực châu Á.
Ông Bill Hayton, thành viên của viện chính sách Chatham House, cho biết các tập đoàn như Vingroup là một nguồn tăng trưởng khác. Vingroup được cho là sẽ chiếm vị trí quan trọng trong thị trường nội địa, đồng thời xuất khẩu sản phẩm ra khắp thế giới.
Ngoài bất động sản và khu nghỉ dưỡng, Vingroup còn mở rộng sang mảng bán lẻ, trường học, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, xe điện và điện thoại thông minh, ông Hayton liệt kê.
"Cho đến nay, thành công của Vingroup còn khá hạn chế, vì hầu hết mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều đến từ các công ty nước ngoài như Samsung. Song, chúng ta có thể theo dõi một số định hướng tương lai từ chính phủ Việt Nam", ông Hayton lưu ý.
Quyền lực đang lên
Theo SCMP, tốc độ phát triển kinh tế đáng nể của Việt Nam cũng được nhiều chuyên gia coi là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang trở thành một cường quốc trung lưu và có nhiều cơ hội bức phá hơn nữa.
Phóng viên Jim Laurie của đài NBC News từng đến Việt Nam vào thập niên 1970 và sau đó quay trở lại vào những năm 1990. Tới Đà Nẵng, ông Laurie đã ngạc nhiên bởi những thay đổi mới. Đà Nẵng khi đó đã trở thành một hình mẫu cho cải cách kinh tế và tư nhân hóa doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây, các học giả Việt Nam ngày càng thục giục đất nước hành động như một cường quốc trung lưu bằng cách đóng vai trò lớn hơn trong mặt trận hợp tác kinh tế và an ninh khu vực.
Theo Chỉ số Sức mạnh châu Á của Viện Lowy năm 2020, Việt Nam xếp hạng thứ 12 trong 26 quốc gia châu Á về sức mạnh toàn diện, hạng 11 về năng lực quân sự và được ca ngợi là "một cường quốc tầm trung ở châu Á".
Ông Lye Liang Fook của Viện ISEAS nói hội nghị thượng định Mỹ - Triều năm 2019 là một bằng chứng cho thấy Việt Nam đã bắt đầu đóng vai trò lớn trên trường quốc tế. "Có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang tìm cách đóng vai trò quan trọng hơn để tương xứng với khả năng và tầm vóc của mình", ông Lye kết luận.
Đầu tháng 1, . Huỳnh Tâm Sáng của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM (thuộc Đại học Quốc gia TP HCM) nhận định đây là thời điểm để Việt Nam đánh giá lại vị thế của đất nước trên bảng xếp hạng cường quốc thế giới.
Ông Sáng cho biết Việt Nam chưa chính thức chấp nhận khái niệm "cường quốc trung lưu" vì một số thách thức. Song, ông lưu ý các chuyên gia Việt Nam ngày càng ý thức về vị thế mới trên các phương tiện truyền thông.
#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.
#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.
Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.
Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.