|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia góp ý để Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hàng đầu sau dịch COVID-19

15:46 | 22/01/2021
Chia sẻ
Theo các chuyên gia ngành du lịch trong nước và quốc tế, Việt Nam nên đầu tư vào du lịch nội địa, các sản phẩm du lịch mới, nguồn nhân lực chất lượng cao, số hóa ngành du lịch và cơ sở hạ tầng để giúp Việt Nam tỏa sáng trong nước và trên trường quốc tế.

Tọa đàm "Tương lai Du lịch Việt Nam? Cơ hội và Thách thức trong năm 2021" vừa được tổ chức tại TP HCM, thu hút các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và khách sạn, hàng không, điều hành tour, bán lẻ và bất động sản.

T.S Nuno Ribeiro, Giảng viên cao cấp, Trưởng Nhóm nghiên cứu ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn ĐH RMIT chia sẻ, chúng ta đã nhìn thấy những dấu hiệu tích cực từ thị trường du lịch nội địa rất sôi động, cũng như những sáng kiến của Chính phủ đã cực kỳ thành công trong việc tạo ra nhiều nhu cầu hơn cho du lịch nội địa trong khi vẫn duy trì các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về sức khỏe và an toàn.

T.S Nuno Ribeiro nhận định, chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu, không chỉ ở Đông Nam Á mà còn trên thế giới.

Các chuyên gia tham gia tọa đàm đề xuất các giải pháp để đưa du lịch Việt vượt qua sau đại dịch. (Ảnh: RMIT Việt Nam).

Các chuyên gia tham gia tọa đàm đề xuất các giải pháp để đưa du lịch Việt vượt qua sau đại dịch. (Ảnh: Mộng Thúy).

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP HCM Lê Trương Hiền Hòa, cho biết, một trong những trọng tâm chính của ngành du lịch TP HCM trong năm 2021 là triển khai các chương trình liên kết với các tỉnh thành và các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam cũng như các ngành du lịch để xây dựng các sản phẩm và dịch vụ du lịch mới nhằm thúc đẩy du lịch trong nước.

Ông Hòa cho biết thêm, năm 2021 cũng là thời điểm thuận lợi để TP HCM triển khai du lịch thông minh. Cơ sở dữ liệu du lịch là nền tảng quan trọng để đảm bảo các đề án du lịch thông minh thành công bên cạnh sự tham gia của nhiều ban ngành và lĩnh vực trong việc chuẩn hóa hệ thống thu thập dữ liệu đồng thời số hóa các dịch vụ du lịch.

Cũng tại tọa đàm, bà Trần Thị Thùy Trang, Phó Giám Đốc Khối Thị trường nước ngoài (Inbound) Công ty Vietravel, cho rằng Việt Nam nên quảng bá đất nước như một điểm đến an toàn và hấp dẫn trên thế giới.

"Không chỉ ngành du lịch, khách sạn mà Chính phủ cũng cần quảng bá hình ảnh du lịch Việt như một điểm đến an toàn để có thể tăng lượng khách quốc tế khi biên giới Việt Nam mở cửa trở lại và hoạt động lại bình thường", bà Trang khuyến nghị.

Ông Douglas, Giám đốc Điều hành The Grand Hồ Tràm Craig Douglas có ý kiến về tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sau đại dịch.

Ông Douglas nói: "Với một số dự án vẫn đang được triển khai trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực khác trong nước cũng như việc các cơ sở sản xuất quốc tế chuyển đến Việt Nam, nhu cầu nhân lực sẽ là một thách thức lớn và sẽ củng cố nhận định nguồn nhân lực là tài sản quý giá nhất".

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, năm 2019, ngành du lịch đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước.

Tính chung trong giai đoạn 2015-2019, ngành du lịch đạt tốc độ tăng trưởng cao 22,7%. Tổ chức Du lịch thế giới (UNTWO) xếp Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. 

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, du lịch Việt Nam thất thu 23 tỷ USD, giảm 80% khách quốc tế, du lịch nội địa giảm 50%.

Về giải pháp phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trên báo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết, cần nâng cao nhận thức; nâng cao năng lực cạnh tranh; tập trung phát triển nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng hàng không, hạ tầng du lịch; tăng cường quảng bá xúc tiến, đổi mới chính sách visa; chiến lược sản phẩm; tái cơ cấu ngành du lịch bảo đảm chuyên nghiệp và bền vững; tăng cường điểm đến; tăng vai trò quản lý nhà nước...


Chu Lai