Chuyên gia Trung Quốc dự báo du lịch quốc tế có thể tái khởi động vào cuối 2021
Du lịch quốc tế có thể tái khởi động vào cuối năm nay
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) dẫn lời một chuyên gia hàng đầu ở Thượng Hải cho biết tình hình đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới có thể đạt tới một bước ngoặt vào tháng 6 hoặc tháng 7 khi phần lớn người dân được tiêm vắc xin chống lại virus SARS-CoV-2.
Zhang Wenhong, trưởng nhóm chuyên gia Thượng Hải về điều trị lâm sàng các trường hợp viêm phổi do virus SARS-CoV-2, cho biết: "Du lịch quốc tế với quy mô tương đối lớn có thể tái khởi động vào cuối năm nay khi việc tiêm chủng đã được triển khai hàng loạt trong các cộng đồng dân cư.".
"Tuy nhiên khi số lượng chuyến bay tăng lên, ngay cả khi mọi hành khách lên chuyến bay đều có báo cáo xét nghiệm axit nucleic hoặc đã được tiêm chủng, điều đó không có nghĩa là số lượng các trường hợp nhiễm bệnh nhập cảnh sẽ sớm giảm mạnh. Chúng ta sẽ thấy một quá trình giảm dần dần.", Zhang, giám đốc Khoa các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Huashan trực thuộc Đại học Fudan ở Thượng Hải cho biết.
Ông Zhang, người đã tiêm vắc xin COVID-19 hôm 31/12/2020, cho hay Trung Quốc cần tiêm đại trà loại vắc xin này cho đại đa số người dân. Về lâu dài, thay vì cách ly hoặc cô lập tại nhà, vắc xin sẽ là chìa khóa cho chiến lược phòng chống đại dịch của bất kỳ quốc gia nào.
Ông cũng lưu ý rằng một sản phẩm vắc xin COVID-19 có tỷ lệ bảo vệ từ 60 - 70% hoặc cao hơn là đủ điều kiện để sử dụng đại trà, và nhấn mạnh tỷ lệ bao phủ vắc xin trong toàn dân quan trọng hơn tỷ lệ bảo vệ cho mỗi cá nhân.
Ông Zhang cho biết: "Các nhóm đối tượng có nguy cơ cao được ưu tiên nhận vắc xin và chúng tôi tin rằng sự lây lan của virus sẽ bị dập tắt một cách hiệu quả khi tỷ lệ dân số được tiêm chủng đạt 70%.".
Vắc xin mở đường cho du lịch quốc tế, nhưng chưa phải là tất cả
Một mình vắc xin sẽ không thể đảm bảo việc nối lại du lịch quốc tế một cách an toàn. Còn một số yếu tố khác mà các quốc gia sẽ cần xem xét.
Khi mọi hành khách được tiêm chủng trước khi lên máy bay, điều này sẽ giúp giảm nguy cơ lây truyền COVID-19 quốc tế. Tuy nhiên, với những dữ liệu về vắc xin hiện có, chúng ta chưa thể biết hết những điều cần biết, theo CNN.
Lấy vắc xin của Pfizer/BioNTech phát triển làm ví dụ. Vắc xin này được báo cáo có hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng COVID-19, đã thử nghiệm trên khoảng một nửa trong số 43.000 người tham gia trong thử nghiệm giai đoạn III (nửa còn lại được dùng giả dược).
Vắc xin này gần như an toàn khi chỉ biểu hiện các tác dụng phụ nhẹ ở một số người tham gia. Đáng chú ý, thử nghiệm được tiến hành bao gồm cả những người từ 65 tuổi trở lên và những đối tượng dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, nghiên cứu đã không chính thức báo cáo hiệu quả của vắc xin trong việc chống lại việc bị mắc bệnh. Theo đó, nếu các hành khách vẫn có thể bị nhiễm SARS-CoV-2, họ vẫn có thể làm lây lan virus.
Uğur Şahin, giám đốc điều hành của BioNTech, tin rằng vắc xin có thể giảm 50% sự lây truyền. Điều này chưa thể đảm bảo việc tiêm phòng là chìa khóa để các chuyến du lịch quốc tế được an toàn.
"Ở giai đoạn này, chúng tôi cũng chưa biết khả năng miễn dịch sẽ kéo dài bao lâu đối với những người được tiêm chủng. Quá trình thử nghiệm sẽ tiếp tục trong vài tháng nữa, và một số dữ liệu sẽ được đưa ra trong năm nay.", ông Uğur Şahin cho biết thêm.
Chứng chỉ tiêm chủng và hộ chiếu
Khi vắc xin COVID-19 được tiếp cận, các quốc gia và hãng hàng không có thể yêu cầu du khách xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng. Giám đốc điều hành của Hãng hàng không quốc gia của Úc Qantas, Alan Joyce, đã đề nghị tất cả các hành khách quốc tế của Qantas từ năm nay phải có giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19.
Nhiều tổ chức trên khắp thế giới đang làm về hộ chiếu miễn dịch và công nghệ để theo dõi tình trạng nhiễm virus của khách du lịch. Nhiều khả năng du lịch quốc tế sẽ được nối lại trên toàn cầu trong nửa cuối năm 2021, sau khi việc tiêm chủng được tiến hành tốt. Nhưng thế giới sẽ phải mất một khoảng thời gian để du lịch trở lại được như trước khi đại dịch xuất hiện.