Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước những vận hội mới
Sáng nay (4/1), Bộ Tài chính tổ chức lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2021.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2021. Video: Lợi Hoàng
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Tài chính – Đinh Tiến Dũng cho biết quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 84,3% GDP. Bên cạnh đó, trong năm 2020 thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận là một trong những thị trường chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới.
"Năm 2021, trước nguy cơ tác động của đại dịch COVID-19, thị trường có thể vẫn có những biến động phức tạp, phụ thuộc vào các yếu tố chính như thời điểm vắc xin phòng COVID-19 đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Buộc chúng ta phải luôn luôn cảnh giác và đề phòng.
Tuy nhiên, với những kinh nghiệm và thành công bước đầu trong phòng chống đại dịch COVID-19 và tiềm năng vị thế sẵn có, tôi tin rằng kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng đang đứng trước những vận hội mới", Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá.
Từ đầu năm nay, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cùng có hiệu lực tạo ra khuôn khổ pháp lý và môi trường đầu tư đồng bộ hơn, minh bạch hơn cho hoạt động của doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư và phát triển thị trường chứng khoán bền vững.
Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ ngành, chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan tập trung nỗ lực, tận dùng thời cơ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, tập trung lỗ lực đưa ra các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, các văn bản hướng dẫn vào đời sống, để hỗ trợ doanh nghiệp phát hành, huy động vốn, bảo vệ quyền của nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển lành mạnh.
Thứ hai, đẩy nhanh việc cơ cấu lại thị trường chứng khoán theo đề án đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt. Trong đó, cùng với việc hoàn thiện bộ máy Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các sở giao dịch chứng khoán theo Quyết định số 37/2020 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng lộ trình cơ cấu lại thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên mô hóa, chuyên nghiệp hóa; tiếp tục tái cơ cấu lại các định chế trung gian trên thị trường theo định hướng của chính phủ.
Thứ ba, đảm bảo an toàn, hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động đồng bộ của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Trên cơ sở đó sẽ triển khai xây dựng thêm thị trường phái sinh trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ tư, thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng quy mô và chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán, thúc đẩy quy mô và thanh khoản thị trường, đưa thêm các sản phẩm mới.
Thứ năm, tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương của thị trường nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của doanh nghiệp.
Thứ sáu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021 – 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp, lộ trình phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn dài hạn.
"Tôi tin tưởng rằng, với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, Luật Chứng khoán đã được ban hành và những giải pháp thiết thực trên đây, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2021 tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô hiệu quả của chính phủ", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.