Cứ hai năm Foxconn lại mở mới một nhà máy, ông lớn lắp ráp iPhone đang làm ăn như thế nào tại Việt Nam?
Vào giờ tan tầm mỗi ngày, hàng nghìn công nhân từ nhà máy Foxconn ở Bắc Ninh lại đổ về các ngả. Những người công nhân đội mũ bảo hiểm và đi xe máy, cũng có người đi xe đạp, người nào cũng đeo một huy hiệu trên cổ áo và mang đồng phục màu đỏ hồng.
Lượng công nhân tan ca tăng đột biến đã khiến cả con đường đất xám xịt, nếu gặp trời mưa thì đường lầy lội, khó lưu thông. Nhiều công nhân đến các tiệm ăn gần nhà máy để mua một suất cơm bụi sau ngày làm việc. Các sạp hàng tuềnh toàng và đều là lộ thiên, trên mặt đất có một cái ô lớn.
Đó là cảnh tan làm của công nhân Foxconn tại một nhà máy ở Việt Nam được phóng viên của AI Finance ghi lại.
Foxconn có trụ sở tại Đài Loan, là đơn vị sản xuất hợp đồng lớn nhất thế giới, cung cấp các công ty từ Apple, HP, Dell, Amazon và Google cho Huawei và Xiaomi. Doanh thu chủ yếu của Foxconn đến từ việc sản xuất iPhone, iPad và một số thiết bị, phụ kiện cho Apple.
Cứ hai năm, Foxconn lại mở mới một nhà máy ở Việt Nam
Tháng 8/2007, Foxconn bắt đầu bước chân vào Việt Nam khi xây dựng hai nhà máy công nghệ cao gồm Fuhong Precision Component tại khu công nghiệp Đình Trám, Bắc Giang và Funing Precision Component đặt tại khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh. Tổng số vốn đầu tư theo công bố là 160 triệu USD.
Hoạt động chính của hai nhà máy này là lắp ráp linh kiện điện tử, màn hình LCD, bản mạch, màn hình điện thoại, màn hình máy vi tính,… Sản phẩm làm ra được cung cấp ngay cho các doanh nghiệp khác trong cụm công nghiệp như Công ty Canon, Tenma,…
Một năm sau, Foxconn tiếp tục rót thêm 80 triệu USD vào hai nhà máy này để sản xuất kinh doanh các sản phẩm và linh kiện máy quay, thiết bị quang học, màn hình máy vi tính, máy in…. đưa công suất lên 61 triệu sản phẩm/năm và tiến tới sản xuất linh kiện điện tử máy đúc khuôn, công suất 20,4 triệu sản phẩm/năm.
Năm 2016, nhà máy sản xuất điện thoại của Microsoft Mobile Việt Nam (trước đó thuộc Nokia Việt Nam), tại Bắc Ninh, đã được chuyển giao cho FIH Mobile, thuộc Foxconn trong một thương vụ trị giá 350 triệu USD nhằm mua đứt mảng kinh doanh điện thoại truyền thống của Microsoft.
Sau khi về tay Foxconn, nhà máy này được đổi tên thành Fushan Technology Việt Nam, sở hữu diện tích 70 ha tại khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh.
Tại thời điểm chuyển giao, Fushan Technology có trên 13.000 lao động, sản xuất được hơn 95,7 triệu sản phẩm mỗi năm, doanh thu đạt hơn 2.500 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước hơn 35 tỷ đồng, theo Cổng Thông tin điện tử Bắc Ninh.
Tuy nhiên, ngay sau đó Foxconn đã lập tức cải tổ lại nhà máy bằng cách cắt giảm 10.000 việc làm trong năm 2017, duy trì hoạt động chính vẫn là sản xuất dòng điện thoại phổ thông với công suất 50 triệu sản phẩm/năm.
Cùng năm đó, Foxconn tiếp tục thành lập thêm nhà máy New Wing Interconnect đặt tại khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang với quy mô lên tới 283 ha do FuGiang, một công ty con khác của Foxconn làm chủ đầu tư. Lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất cáp dữ liệu.
Gần đây nhất, vào tháng 12 năm 2019, cũng tại khu công nghiệp này, Foxconn đã thành lập Fuyu Precision Component với lĩnh vực đăng ký chủ yếu là bán lẻ.
Trước đó tháng 11/2019, Foxconn cũng đã rót 40 triệu USD trong giai đoạn I để xây dựng Nhà máy lắp ráp linh kiện màn hình ti vi tại khu công nghiệp Đông Mai, Quảng Ninh, với quy mô nhà xưởng rộng 10 hecta, nhu cầu lao động 3.000 người.
Liên tục tăng trưởng
Sau hơn 10 năm có mặt tại Việt Nam, với hệ sinh thái gồm 6 nhà máy chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện tử, đến nay cơ bản các hoạt động kinh doanh của tập đoàn này đã đi vào ổn định. Các nhà máy mới được mở cũng nhanh chóng đóng góp vào tổng doanh thu trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng cho Foxconn tại Việt Nam.
Đơn cử, năm 2019, các nhà máy này đã mang về cho Foxconn hơn 81.000 tỷ đồng doanh thu. Trong đó đóng góp nhiều nhất là bộ đôi nhà máy đầu tiên tại Bắc Giang và Bắc Ninh, chiếm hơn 76% tổng doanh thu.
Lợi nhuận doanh nghiệp cũng tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Nếu như năm 2017 các nhà máy của Foxconn ghi nhận tổng lãi trước thuế chỉ khoảng hơn 1.589 tỷ đồng, thì đến năm 2019 con số này xấp xỉ 4.300 tỷ đồng, tức tăng 1,7 lần sau 2 năm.
Giá trị xuất khẩu các nhà máy của Foxconn tại Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 3 tỷ USD, ước tính tăng lên 6 tỷ USD trong năm 2020 và tạo ra 50.000 việc làm với mức lương trung bình từ 10-12 triệu đồng/tháng.
Foxconn tiếp tục rót vốn mạnh vào Việt Nam
Trong thời gian gần đây, các công ty công nghệ đang có xu hướng dịch chuyển một phần dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và Foxconn cũng không ngoại lệ. Quốc gia mà nhà sản xuất điện tử này hướng tới là Ấn Độ và Việt Nam.
Cuối năm 2020, Foxconn xác nhận rằng sẽ chi 270 triệu USD để mở nhà máy mới tại Việt Nam nhằm mở rộng hoạt động sản xuất, theo Bloomberg.
Ông Trần Tái Phát, Giám đốc cao cấp Tập đoàn Foxconn cho biết thời gian qua tập đoàn này đã tập trung thực hiện dự án tại khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang. Đến nay giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và bắt đầu triển khai giai đoạn 2.
Trao đổi với tờ Nikkei Asia hồi tháng 6/2020, ông Young Liu, Chủ tịch Foxconn một lần nữa khẳng định Việt Nam là trung tâm sản xuất lớn nhất của Foxconn ở Đông Nam Á và cho biết công suất tại Việt Nam lớn hơn ở Ấn Độ.
Việc Foxconn, đối tác sản xuất lớn nhất của Apple mở rộng sản xuất tại Việt Nam, được đánh giá là sẽ tạo hiệu ứng để các tập đoàn sản xuất điện tử khác tìm đến Việt Nam trong thời gian tới.
Đơn cử như Luxshare - "gà cưng" mới của Apple, vào tháng 5/2020 cho biết họ sẵn sàng chi tiền để mở rộng nhà máy tại Việt Nam. Hiện Luxshare-ICT Việt Nam, công ty con của Tập đoàn Luxshare-ICT Precision, đang sở hữu 2 nhà máy tại Bắc Giang, hoạt động từ tháng 7/2017. Đồng thời Luxshare đang tiếp tục xây dựng nhà máy mới ở Nghệ An.
Theo chân Foxconn và Luxshare, báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng mới đây tiết lộ, tập đoàn Pegatron – đối tác của Apple, Sony, Microsoft... đã lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD cho 3 dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam trong thời gian tới.
Được biết, hiện Pegatron đang xử lý khoảng 30% đơn đặt hàng lắp ráp của Apple.
Ngoài rót vốn vào xây dựng nhà máy nhằm sản xuất các thiết bị điện tử, năm 2007, Foxconn cũng đầu tư một khu công nghiệp, đô thị - dịch vụ và sân golf tại Bắc Giang với diện tích 960 ha.
Cuối năm đó, Foxconn lại tiếp tục ký thỏa thuận liên doanh với Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group), theo đó hai bên sẽ đầu tư khai thác kinh doanh thị trường giao nhận, xây dựng khu đô thị cao cấp, khu công nghiệp có quy mô 1.000 ha, trị giá trên 1 tỷ USD tại quận Hải An, Hải Phòng, nhà máy phát điện và kinh doanh các sản phẩm của Foxconn,....
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/