Tỉ lệ lấp đầy của 280 khu công nghiệp trong 10 tháng đạt 70%
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), ước tính trong 10 tháng năm 2020, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên cả nước thu hút được 591 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng kÍ mới và tăng thêm đạt khoảng 8,3 tỉ USD.
Theo đó, lũy kế nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài lên 10.055 dự án với tổng vốn đăng kí đạt khoảng 198 tỉ USD. Vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 70%.
Tính đến hết tháng 10/2020, trên phạm vi cả nước có 369 KCN được thành lập (bao gồm cả các KCN nằm trong các KKT ven biển, KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 113.3000 ha, diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt khoảng 73.600 ha (chiếm khoảng 65% diện tích đất tự nhiên).
Trong số 369 KCN được thành lập có 280 KCN đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 82.800 ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 56.600 ha, đã cho các nhà đầu tư thuê/thuê lại khoảng 39.800 ha (tương ứng với tỉ lệ lấp đầy 70,1%).
Còn lại là 89 KCN đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 30.500 ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 16.300 ha.
Các KCN được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Việt Nam cần làm gì để đón sóng dịch chuyển?
Phát biểu tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp năm 2020 diễn ra mới đây, ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có sự thay đổi mạnh mẽ và khó đoán định trong những năm gần đây.
Nguyên nhân là do tác động của cuộc thương chiến Mỹ - Trung và các yếu tố địa chính trị trên thế giới, đặc biệt là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam lại trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chính dòng vốn đầu tư chảy mạnh từ các nền kinh tế Châu Á, Mỹ và trong nội khối ASEAN được cho là nguyên nhân của hiện tượng tích cực này.
Đại diện Bộ KH&ĐT cho biết thêm, Việt Nam đang chuẩn bị những tiền đề cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới.
Cụ thể, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng nhưng có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với xu hướng cuộc cách mạng 4.0.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp, bao gồm các KCN, KKT đã có đủ hạ tầng, nhà xưởng, đủ điều kiện đón cả các chú chim đại bàng lớn.
"Trong tương lai, có thể sẽ thực hiện thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương", ông Thống cho hay.
Chia sẻ thêm, vị này cho biết, để giải quyết thách thức từ hoạt động công nghiệp, các KCN đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường.
Giai đoạn 2015 - 2019, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với một số nhà tài trợ thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái, chuyển đổi không gian phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu và đảm bảo nhu cầu cho người lao động.
Tại các KCN này, các doanh nghiệp đã tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, liên kết hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp. Động thái này cũng phù hợp với yêu cầu khắt khe của các nhà sản xuất lớn trên thế giới trong việc lựa chọn cứ điểm sản xuất mới.
Cũng theo đại diện Bộ KH&ĐT, trong quá trình phát triển sắp tới, có một số vấn đề cần quan tâm như việc xây dựng qui hoạch KCN gắn với đô thị - dịch vụ và KCN sinh thái trên cơ sở phát huy lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện tại một số địa phương.
Ngoài ra, cần phát triển đồng bộ đô thị, nhà ở, các công trình dịch vụ tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN; phát triển KCN hỗ trợ, KCN chuyên dành cho một ngành hoặc nhóm ngành nhất định.