|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ không áp lệnh trừng phạt Việt Nam sau vụ điều tra chính sách tiền tệ

11:44 | 16/01/2021
Chia sẻ
Sau cuộc điều tra về chính sách tiền tệ liên quan tới điều hành tỷ giá của Việt Nam, chính quyền Tổng thống Trump ngày 15/1 đã tuyên bố sẽ không áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào.
Mỹ không áp lệnh trừng phạt Việt Nam sau vụ điều tra chính sách tiền tệ - Ảnh 1.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Getty Images).

Theo Wall Street Journal, quyết định không dụng biện pháp trừng phạt thương mại được phía Mỹ đưa ra chỉ vài ngày trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức nhậm chức. Giới doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn ở Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối ý định đánh thuế hàng sản xuất ở Việt Nam.

Ngày 16/12/2020, Bộ Tài chính Mỹ thêm Việt Nam và Thụy Sỹ vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước đã ngay lập tức lên tiếng khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua của Việt Nam chỉ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chứ không phải để tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Mặc dù vậy, Mỹ vẫn mở cuộc điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 đối với chính sách tiền tệ và việc nhập khẩu và sử dụng gỗ của Việt Nam. Chính đạo luật này đã được chính quyền Tổng thống Trump viện dẫn để áp thuế quan trừng phạt nặng nề lên hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang năm 2018 – 2019, nhiều doanh nghiệp đã chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và không ít trong số này đã tìm đến Việt Nam. Nếu Mỹ áp thuế với hàng xuất xứ từ Việt Nam, nhiều doanh nghiệp quốc tế sẽ rơi vào hoàn cảnh hết sức éo le, một số sẽ tiếp tục ở lại Trung Quốc hay thậm chí là quay lại sản xuất ở đất nước tỷ dân.

Ông David French – Phó Chủ tịch cấp cao của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) nói: "Các công ty vẫn gặp nhiều khó khăn vì COVID-19 nên việc áp thuế quan mới với hàng hóa Việt Nam sẽ gây tổn hại tới doanh nghiệp Mỹ và dẫn tới việc người tiêu dùng phải trả giá cao hơn khi mua hàng".

Vị lãnh đạo của NRF còn trích dẫn một báo cáo do NRF thực hiện cho thấy việc áp thuế với đồ may mặc, giày dép và các hàng hóa khác của Việt Nam ước tính sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải tiêu tốn thêm từ 4 đến 9 tỷ USD vì giá tăng.

Trong một thông cáo công bố ngày 15/1, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói: "Các chính sách và hành động không công bằng dẫn tới phá giá tiền tệ và gây tổn hại cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ cần phải được xử lý". Dù vậy, ông Lighthizer nói thêm rằng Mỹ sẽ không có hành động cụ thể trong trường hợp Việt Nam và sẽ tiếp tục "đánh giá mọi lựa chọn khả thi".

Bộ Công Thương Việt Nam ngày 16/1 đã lên tiếng hoan nghênh ý kiến kết luận của USTR nêu trong báo cáo trên. Quyết định của USTR có ý nghĩa tích cực đối với quan hệ thương mại song phương, môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam và quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Phó Chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ Myron Brilliant đã tuyên bố cộng đồng doanh nghiệp Mỹ hoan nghênh thông tin chính quyền Trump sẽ không áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. 

Ông Brilliant cũng tái khẳng định "Hành động trừng phạt thương mại là phương tiện không thích hợp để giải quyết các vấn đề về định giá tiền tệ. Trên hết, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ hết sức khuyến khích chính phủ Mỹ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược và thương mại chặt chẽ hơn với Việt Nam - quốc gia đang ngày càng trở thành một đối tác quan trọng của Mỹ”.

Mỹ không áp lệnh trừng phạt Việt Nam sau vụ điều tra chính sách tiền tệ - Ảnh 2.

Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và Mỹ năm 2019 đạt 81,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Mỹ là 13,4 tỷ USD và xuất khẩu của Việt Nam là 67,9 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại hàng hóa và dịch vụ 54,5 tỷ USD với Mỹ trong năm 2019.

Trong liên tục 24 năm từ 1997 đến nay, Việt Nam đều xuất siêu hàng hóa sang thị trường Mỹ. Trong 10 tháng đầu năm 2020, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Mỹ là 56,6 tỷ USD, lớn hơn con số 55,8 tỷ USD của cả năm 2019.

Đức Quyền - Song Ngọc