|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thế khó của doanh nghiệp khi chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam

06:20 | 15/01/2021
Chia sẻ
Khi Tổng thống Trump khuyến khích các nhà sản xuất Mỹ chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng tìm đến Việt Nam. Tuy nhiên cáo buộc "thao túng tiền tệ" mới đây từ phía Mỹ có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải khó xử.
Thế khó của doanh nghiệp khi chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam - Ảnh 1.

Hàng hóa bày bán trong một siêu thị Việt Nam. (Ảnh: Song Ngọc).

Tháng 12/2020, Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam và Thụy Sỹ vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ngay lập tức lên tiếng khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua chỉ nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung và nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. 

Ngoài ra, Mỹ cũng chính thức khởi xướng điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 đối với chính sách tiền tệ và việc nhập khẩu và sử dụng gỗ của Việt Nam.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng cuộc điều tra này không chỉ tổn hại đến quan hệ song phương mà còn ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến hàng nghìn doanh nghiệp và hàng triệu người lao động, người tiêu dùng ở Việt Nam và Mỹ.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Mỹ vẫn đang điều tra, tổng hợp thông tin và đánh giá ý kiến các bên liên quan, chưa đưa ra quyết định đánh thuế đối với hàng hóa từ Việt Nam như một số tin đồn.

Dù vậy, các cáo buộc và những cuộc điều tra nói trên cũng khiến một số doanh nghiệp Mỹ phải lo lắng. Cuối tháng 12/2020, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) kêu gọi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) không đánh thuế lên hàng hóa Việt Nam mà nên sử dụng các biện pháp khắc phục khác để giải quyết tranh chấp thương mại.

Ông David French – Phó Chủ tịch cấp cao của NRF nói: "Việt Nam ngày càng quan trọng trong vai trò một đồng mình chính trị và đối tác kinh tế của Mỹ […] Mối quan hệ thiết yếu Việt – Mỹ không những phải tiếp tục mà còn nên được mở rộng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu dần hồi phục từ đại dịch COVID-19".

"Các công ty vẫn gặp nhiều khó khăn vì đại dịch nên việc áp thuế quan mới với hàng hóa Việt Nam sẽ gây tổn hại tới doanh nghiệp Mỹ và dẫn tới việc người tiêu dùng phải trả giá cao hơn khi mua hàng", ông David French nói thêm.

Vị Phó Chủ tịch của NRF trích dẫn một báo cáo do NRF thực hiện cho thấy việc áp thuế với đồ may mặc, giày dép và các hàng hóa khác của Việt Nam ước tính sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải tiêu tốn thêm từ 4 đến 9 tỷ USD vì giá tăng.

Ông David French cho rằng rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan trừng phạt. Nếu bây giờ Mỹ áp thuế vào Việt Nam, nhiều công ty sẽ chuyển dây chuyền sản xuất về lại Trung Quốc.

Theo Bloomberg, tác động của kiểu chính sách "sáng nắng chiều mưa" này sẽ không gói gọn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump mà còn có thể lan sang cả thời của Tổng thống Biden.

Tapestry là một công ty thời trang cao cấp sở hữu các thương hiệu như Kate Spade New York và Coach. Từ nhiều năm trước, công ty này đã chuyển bớt chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc để tránh quá tập trung vào một quốc gia duy nhất. Nói cách khác, Tapestry đã đi trước nhiều doanh nghiệp khác khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ và leo thang. 

Tại một cuộc họp do USTR tổ chức, ông Peter Charles - Giám đốc chuỗi cung ứng toàn cầu của Tapestry, cho biết trước đây 98% năng lực sản xuất của công ty này tập trung ở Trung Quốc, nhưng hiện nay sản xuất "phần lớn" ở ngoài đất nước tỷ dân. "Trong 10 năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia cung cấp nguồn hàng chủ yếu cho chúng tôi".

"Tapestry đã phải rất vất vả để giảm đáng kể sự phụ thuộc vào hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc", ông Charles nói. Nhiều doanh nghiệp khác cũng có chung tâm lý bực tức và chán nản: Chính phủ Mỹ muốn chúng tôi làm gì? Lại phải chuyển sản xuất đi nơi khác sao? Nếu đi thì đi đâu để không lo bị đánh thuế?

Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ phải trả lời những câu hỏi này, gửi đi một thông điệp đúng đắn tới giới doanh nghiệp Mỹ, đồng thời không làm mất lòng một đồng minh chiến lược như Việt Nam. Lãnh đạo Mỹ sẽ cần cân nhắc thiệt hơn giữa việc duy trì mối quan hệ nồng ấm với Việt Nam và làm hài lòng những người hoài nghi về chủ nghĩa thương mại tự do, Bloomberg nhận xét.

Đối với Việt Nam, những thay đổi gần đây trong chính sách của Mỹ có thể báo hiệu những trở ngại về kinh tế. Khả năng Mỹ đánh thuế hàng xuất khẩu là rủi ro chính đối với các dự báo kinh tế Việt Nam hồi phục sau đại dịch. Kim ngạch xuất khẩu tương đương với giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước ta và là một nhân tố đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế năm vừa qua.

Thế khó của doanh nghiệp khi chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam - Ảnh 2.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020 GDP của Việt Nam tăng 2,91%, thấp hơn đáng kể so với mức 7% của năm 2019 nhưng tích cực hơn rất nhiều so với đại đa số các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới, nhiều nước còn rơi vào suy thoái.

Theo Bloomberg, một bài học bao trùm có thể rút ra từ những biến cố thương mại gần đây là một quốc gia rất dễ bị vướng vào mạng lưới chính sách và các khiếu nại được gửi tới rất nhiều cơ quan của Mỹ. Mỗi cơ quan có một lĩnh vực quản lý riêng và không thích bị ai can thiệp vào. Các động thái mới đây từ phía Mỹ có thể chỉ là biểu hiện của cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Đại diện Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ.

Song Ngọc