|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Câu chuyện hút vốn FDI của Việt Nam là bài học cho ASEAN

12:12 | 20/10/2020
Chia sẻ
Việt Nam được đánh giá cao về các chính sách thu hút vốn FDI và có thể trở thành tấm gương cho các nước láng giềng ASEAN học hỏi theo.

Từ khó khăn nào cũng có thể rút ra bài học hay, và đại dịch COVID-19 cũng đang dạy cho chúng ta nhiều bài học để đời. 

Theo South China Morning Post (SCMP), một trong những kinh nghiệm sâu sắc từ những tháng qua là: Các nước có nền tảng kinh tế càng mạnh lại càng dễ dàng vượt qua khủng hoảng kinh tế.

Rất ít quốc gia trong khu vực ASEAN có thể khẳng định họ sở hữu sức mạnh kinh tế như Singapore. Tuy nhiên, có một nước đã âm thầm xây dựng các nguồn lực và đặt nền tảng vững chắc cho tăng trưởng: Việt Nam.

Việt Nam trở thành trung tâm thu hút vốn FDI trong thập kỉ qua. Trong giai đoạn 2013 - 2019, FDI vào Việt Nam tăng 81% và đạt đỉnh 16,12 tỉ USD năm ngoái, tương đương tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 10,4%. 

Trong khi đó, Singapore ghi nhận mức tăng 63% trong cùng giai đoạn 6 năm, còn Thái Lan và Malaysia thực chất chứng kiến dòng vốn FDI giảm.

Tại khu vực ASEAN, chỉ Philippines có mức tăng vốn FDI cao hơn Việt Nam, cụ thể là 104%. Tuy nhiên, mốc xuất phát vào năm 2013 của Philippines chỉ là 3,7 tỉ USD, tức là thấp hơn Việt Nam.

FDI là một nguồn tài chính tư nhân đến từ môi trường bên ngoài, rất quan trọng cho các nước đang phát triển và đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển lâu dài của nền kinh tế.

Nhờ triển vọng lợi nhuận dài hạn khi triển khai hoạt động sản xuất mà họ có quyền kiểm soát trực tiếp, nhà đầu tư rót vốn vào một nền kinh tế, thường là thông qua liên doanh với các công ty địa phương.

Qua mối quan hệ hợp tác kinh tế xuyên biên giới này, doanh nghiệp địa phương có cơ hội được đào tạo kĩ thuật, trang bị tiến bộ công nghệ, cải thiện điều kiện việc làm, thu nhập và tiềm năng xuất khẩu.

Thành công kinh tế của Singapore và tốc độ tăng trưởng vũ bão của Trung Quốc trong vài thập kỉ qua một phần có lẽ đến từ nguồn vốn FDI. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, quốc đảo sư tử gần như luôn ghi nhận mức tăng trưởng hai con số về vốn FDI hàng năm.

Còn Trung Quốc thì chứng kiến dòng vốn FDI tăng vọt từ khoảng 11,15 tỉ USD năm 1992 lên mức đỉnh 290 tỉ USD năm 2013. Xu hướng này chỉ bắt đầu thay đổi khi chi phí lao động tại Trung Quốc tăng, buộc nhà đầu tư quốc tế phải tìm kiếm điểm đến mới.

Việt Nam vươn lên bứt phá

Chiến lược "Trung Quốc +1" trở nên cần kíp hơn vào năm 2015 khi Bắc Kinh công bố kế hoạch "Made in China 2025" để nâng cấp ngành chế tạo trong nước và thương chiến Mỹ - Trung leo thang dường như là cú hích cuối cùng buộc nhà đầu tư nước ngoài phải tìm địa điểm sản xuất thay thế.

Việt Nam từ đó trở thành điểm sáng đầu tư. Lượng vốn FDI vào nước ta tăng mạnh từ năm 2013 đến nay trùng hợp với việc dòng vốn FDI vào Trung Quốc giảm. Một đóng góp lớn là Samsung, ông lớn công nghệ Hàn Quốc được cho là đã đầu tư khoảng 17 tỉ USD vào Việt Nam từ năm 2008.

SCMP nhận định, việc chính phủ Việt Nam chủ động thực hiện các chính sách đầu tư thân thiện với doanh nghiệp và các khu công nghiệp, cùng với nguồn cung lao động trẻ dồi dào trong nước, đã giúp thu hút FDI từ các nước khác. Gần đây, Nhật Bản là một trong các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam.

Tuy nhiên, thu hút FDI không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, nước ta ban đầu cũng áp dụng chiến lược tiếp cận tương tự một số nước láng giềng và khuyến khích doanh nghiệp nhà nước thử sức cạnh tranh với nhà đầu tư ngoại.

Nhận thấy một số mặt trái của chính sách trên, chính phủ đã kêu gọi doanh nghiệp nhà nước không cạnh tranh với các dự án FDI và từ đó làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bùng nổ trong giai đoạn 2013 - 2019.

Cạnh tranh thu hút vốn FDI trong khu vực ASEAN sẽ tiếp tục. Một số chuyên gia nói vị trí địa lí gần kề Trung Quốc và lực lượng lao động trẻ trong hơn 95 triệu dân mang lại lợi thế cho Việt Nam, song bối cảnh địa chính trị ổn định cũng là một yếu tố không nên xem nhẹ.

SCMP lí giải, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia đều trải qua một số biến động và bất ổn chính trị trong vài năm qua.

Giới đầu tư cũng được cho là rất quan tâm đến tỉ lệ lạm phát và kì vọng tỷ giá hối đoái ổn định của chính phủ Việt Nam. Hơn nữa, trong thập kỉ qua, Việt Nam đã chuyển từ tập trung vào các lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động sang qui trình tự động hóa và hiện đang bước vào giai đoạn hiện đại hóa.

Nhà đầu tư đang chờ đợi dự thảo chiến lược FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho 10 năm tới. Kế hoạch này dự kiến sẽ ưu tiên các dự án công nghệ cao, giá trị cao và thân thiện với môi trường.

SCMP kết luận, dù các nước láng giềng ASEAN có thể không đánh giá cao các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, chính phủ những nước này cần thay đổi tư duy nếu muốn học hỏi câu chuyện thành công của nước ta.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có

Yên Khê