|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thu hút FDI: Phải nhìn vào thực tiễn, không nên quá mơ mộng

15:22 | 04/09/2020
Chia sẻ
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, không phải tất cả các địa phương cũng đều có năng lực thu hút FDI, và nhà đầu tư cũng không có ý định rót vốn vào tất cả các tỉnh thành.
Thu hút vốn FDI: Không nên quá mơ mộng - Ảnh 1.

Buổi tọa đàm với một số chuyên gia kinh tế về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. (Ảnh: Hoàng Huy).

Sáng nay, 4/9, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã có buổi tọa đàm với một số chuyên gia kinh tế về giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỉ USD, bằng 86,3% so với cùng kì năm trước.

Trong những tháng gần đây, dòng vốn FDI đổ vào nước ta đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Kết quả này đến từ việc phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả cùng lợi thế hội nhập sẵn có.

Tuy nhiên, để tận dụng được làn sóng đầu tư mới này,  Việt Nam cần phải có sự thay đổi về cách làm việc cũng như tư duy dài hạn. Đây là quan điểm của các chuyên gia tại buổi tọa đàm sáng nay.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng, hiện nay có một số vấn đề vướng mắc trong việc thu hút làn sóng FDI mà Việt Nam cần giải quyết. 

Đầu tiên là hạn chế về nguồn nhân lực. Nước ta có nguồn nhân lực tương đối dồi dào, làm việc linh hoạt, tuy nhiên chất lượng vẫn chưa đảm bảo, làm việc theo khuôn mẫu và qui trình còn yếu.

Về thể chế, ông Cung cho rằng cách tiếp cận xây dựng luật về đầu tư FDI phần lớn chưa ổn, chưa đặt mình vào thị trường, vẫn còn tư tưởng nhà nước phải quản lí mọi hoạt động.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một luật có đến 3-4 nghị định, thông tư để hướng dẫn gây chồng chéo, trùng lặp, dẫn đến các cấp không thể thực hiện được một cách nhất quán.

Một vướng mắc khác là việc liên kết giữa các doanh nghiệp. Hiện nay, các tập đoàn lớn ở Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ, song lại chưa thể dẫn dắt được cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Để khắc phục những thực trạng nói trên, ông Cung cho rằng Việt Nam cần nhận định đúng năng lực của người lao động, cần thiết kế những chương trình đào tạo nhân lực riêng cho từng loại dự án, từng doanh nghiệp khác nhau. 

Mặt khác, cần tập trung giải quyết vấn đề theo hướng có lợi cho nhà đầu tư, các cấp từ bộ trưởng đến chủ tịch cần phải trực tiếp vào cuộc. Về dài hạn, cần đổi mới tư duy về hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư FDI.

Đối với các tỉnh thành đi sau muốn thu hút FDI, nên thành lập bộ phận xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp, có thẩm quyền để có tầm nhìn dài hạn hơn.

Các địa phương không nên mơ mộng, cần nhìn nhận thực tiễn, không phải địa phương nào cũng có năng lực thu hút FDI, không phải tỉnh nào nhà đầu tư cũng đến. 

"Cần phải thiết kế những gói chính sách may đo chứ không nên may sẵn để phù hợp với từng nhà đầu tư, không thể làm đại trà, có như vậy mới thu hút được nguồn vốn FDI", ông Cung nhấn mạnh.

Hoàng Huy