|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

GDP Trung Quốc tăng trưởng 2,3% năm 2020, tăng tốc cho sự trỗi dậy toàn cầu

11:17 | 18/01/2021
Chia sẻ
Cả năm 2020, Trung Quốc đạt được tăng trưởng GDP 2,3% trong lúc thế giới vẫn phải chật vật để kiểm soát đại dịch. Trung Quốc là một trong số những nền kinh tế hiếm hoi thế giới có cuộc phục hồi theo mô hình chữ V.

Trong quý IV/2020, tốc độ tăng GDP của Trung Quốc phục hồi về mức trước đại dịch 6,5%, giúp nước này đạt được tốc độ tăng trưởng cả năm tốt hơn dự kiến là 2,3%. Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tránh được sự suy giảm trong năm 2020.

Hôm 18/1, Cục Thống kê Trung Quốc cho biết GDP quý IV của nước này tăng 6,5% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi sản lượng công nghiệp tăng vượt dự đoán. Trước đó, các nhà kinh tế trong khảo sát của Bloomberg dự đoán nền kinh tế thứ hai thế giới tăng trưởng 6,2% trong quý IV và 2,1% trong cả năm.

Kinh tế Trung Quốc tăng 2,3% năm 2020, thúc đẩy sự trỗi dậy toàn cầu - Ảnh 1.

Ban đầu, cuộc phục hồi kinh tế được hỗ trợ bởi kích thích tài khoán và tiền tệ tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản. Sau khi Trung Quốc kiểm soát được COVID-19 và các nhà máy nối lại hoạt động, tăng trưởng được thúc đẩy nhờ vào nhu cầu mạnh mẽ từ nước ngoài cho hàng xuất khẩu Trung Quốc, đặc biệt là thiết bị y tế và các thiết bị phục vụ xu hướng làm việc ở nhà.

Những số liệu nổi bật khác

Sản lượng công nghiệp tăng 7,3% trong tháng 12 so với cùng kỳ và đi lên 2,8% trong cả năm

Đà tăng của doanh số bán lẻ chậm lại, từ 5% trong tháng 11 xuống 4,6% vào tháng 12. Tính toàn năm 2020, doanh số bán lẻ Trung Quốc sụt 3,9%, chủ yếu do mức sụt sụt giảm gần 17% của dịch vụ ăn uống và nhà hàng

Đầu tư cho tài sản cố định năm 2020 tăng 2,9% so với năm 2019

Tỷ lệ thất nghiệp vào cuối tháng 12 là 5,2%

Ông Cui Li, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại CCB International Holdings chia sẻ trog cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV: "Quý IV cho thấy kinh tế Trung Quốc kết thúc năm 2020 một cách tốt đẹp, sản xuất đang diễn biến tốt".

Doanh số bán lẻ thấp hơn so với dự kiến trong tháng 12 có thể là sự phản ánh của thời tiết lạnh và sự trỗi dậy của COVID-19 tại các vùng phía bắc Trung Quốc. Một số thành phố đã phải áp dụng các hạn chế mới để kiểm soát dịch.

Ông Chang Shu, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Bloomberg nhận xét: "Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng tốc để đạt được kết thúc mạnh mẽ vào năm 2020 nhưng những thách thức đầu năm 2021 có thể cản trở đà tăng".

Kết thúc 2020 với quy mô kinh tế lớn hơn đầu năm là thành tích ấn tượng đối với nền kinh tế thứ hai thế giới trong một năm đầy sóng gió. Trung Quốc khởi đầu năm 2020 với GDP quý I giảm kỷ lục trong bối cảnh phần lớn hoạt động kinh tế bị đình trệ vì virus.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), với sản lượng toàn cầu có thể giảm 4,2% năm 2020, mức tăng GDP 2,3% của Trung Quốc đồng nghĩa với tỷ trọng của nước này trong toàn bộ nền kinh tế thế giới đã tăng lên 14,5%; vẫn thấp hơn 7,5 điểm % so với Mỹ. Dựa trên dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào 2028.

Các nhà kinh tế kỳ vọng GDP Trung Quốc sẽ tăng 8,2% trong năm 2021, tiếp tục bỏ xa các nước lớn.

Kinh tế Trung Quốc tăng 2,3% năm 2020, thúc đẩy sự trỗi dậy toàn cầu - Ảnh 2.

Cuộc phục hồi năm 2021 của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào khả năng ngăn chặn virus lây lan với quy mô lớn và thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ cũng như người tiêu dùng tăng cường chi tiêu. Nhìn chung, chi tiêu hộ gia đình và đầu tư của các công ty sản xuất đã giảm tốc vào năm 2020.

Gia tăng căng thẳng thương mại với Mỹ cũng có thể gây khó cho triển vọng của Trung Quốc. Trong những ngày cuối ở Nhà Trắng, ông Trump đã siết chặt hạn chế lên các doanh nghiệp Trung Quốc. Hiện vẫn chưa rõ chính quyền mới của ông Biden sẽ xử lý những vấn đề này thế nào.

Dự kiến nhu cầu toàn cầu dành cho hàng hóa Trung Quốc vẫn tiếp tục mạnh mẽ do đại dịch khiến nhiều nước phải tiếp tục phong tỏa. Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng đầu và giá trị các lô hàng của nước này thậm chí còn tăng 3,6% vào năm 2020. Trong khi đó nhập khẩu giảm 1,1%, giúp nước này đạt được thặng dư thương mại hàng năm 535 tỷ USD, mức cao nhất kể từ 2015.

Các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch đã khiến nợ của Trung Quốc tăng vọt. Các nhà chức trách hiện đang tìm cách giải quyết vấn đề này. Tại một cuộc họp tháng 12, Trung Quốc báo hiệu rằng các biện pháp kích thích sẽ dần được rút lại nhưng sẽ tránh để xảy ra "bước ngoặt" trong chính sách.

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.