Hơn 40% lợi nhuận các doanh nghiệp phi tài chính 'bốc hơi' trong quí I
Cập nhật của nhóm phân tích dữ liệu chứng khoán CTCP FiinGroup tính đến hết ngày 6/5, đã có 921 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán (chiếm 94% vốn hóa thị trường) công bố chính thức hoặc ước tính kết quả kinh doanh quí I/2020. Trong đó, 746 doanh nghiệp báo lãi, trong khi 193 doanh nghiệp báo lỗ. Tổng doanh thu toàn thị trường đạt 662.000 tỉ đồng, giảm 2,7%; lợi nhuận ròng 47.900 tỉ đồng, giảm 27,6%.
Đối với nhóm định chế tài chính, tổng doanh thu thuần quí I đạt 68.700 tỉ đồng, tăng 13,3%; lợi nhuận sau thuế đạt 22.100 tỉ đồng, giảm 3,6%.
Số liệu cho thấy tác động của COVID-19 chưa ảnh hưởng nhiều kết quả kinh doanh nhóm ngân hàng trong quí I khi thu nhập lãi thuần 18 đơn vị vẫn tăng 13,6%, đạt 61.400 tỉ đồng; lợi nhuận ròng đạt 21.500 tỉ đồng, tăng 3,4%.
Với nhóm bảo hiểm (doanh thu phí bảo hiểm thuần) và dịch vụ tài chính, dù doanh thu tăng lần lượt 9,3% và 20,3%, tuy nhiên lợi nhuận lại giảm mạnh tương ứng 58% và 85,7%.
Các doanh nghiệp phi tài chính đạt tổng doanh thu 584.200 tỉ đồng, giảm 4,5%; trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 25.900 tỉ đồng, giảm 41,1% so với cùng kì.
Kết quả kinh doanh phân hóa mạnh mẽ theo các nhóm ngành, trong đó dẫn đầu về lợi nhuận là nhóm bất động sản đạt 9.200 tỉ đồng, tăng 17,9%. Đóng góp phần lớn đến từ CTCP Vinhomes (Mã: VHM) với phần lợi nhuận tài chính 7.500 tỉ đồng từ chuyển nhượng cổ phần trong công ty con sở hữu dự án bất động sản. Doanh thu nhóm doanh nghiệp chỉ đạt 49.100 tỉ đồng, giảm 18%.
Một số lĩnh vực vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quí I, gồm có: tài nguyên cơ bản tăng 28,6%; công nghệ thông tin tăng 13,3%; viễn thông tăng 14,2%.
Tuy nhiên, đối với các lĩnh vực đóng góp tỉ trọng lớn như thực phẩm đồ uống lại giảm 30,2%; hàng & dịch vụ công nghiệp giảm 18,3%; điện, nước & xăng dầu khí đốt giảm 40,3%; xây dựng và vật liệu giảm 14%; hay thậm chí du lịch giải trí và dầu khí chuyển từ lãi thành lỗ...
Toàn bộ doanh nghiệp thuộc nhóm VN30 đã công bố kết quả kinh doanh quí I với doanh thu tăng 2,4% và lợi nhuận giảm 3,1%.
Chỉ có 10 doanh nghiệp có doanh thu giảm so với cùng kì nhưng có đến 21 doanh nghiệp có lợi nhuận ròng giảm. Mức giảm lớn nhất thuộc về các doanh nghiệp Petrolimex, Vietjet, Masan với các khoản lỗ lần lượt là 1.813 tỉ đồng, 989 tỉ đồng và 216 tỉ đồng. Đây là quí đầu tiên kể từ thời điểm niêm yết, Petrolimex và Vietjet báo lỗ, trong khi với Masan là lần lỗ đầu tiên kể từ quí II/2014. Nguyên nhân lỗ của Masan do hợp nhất kết quả kinh doanh của VCM, đơn vị quản lí vận hành hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích VinMart, VinMart+.
Đội ngũ phân tích của FiinGroup cũng tiến hành tổng hợp dữ liệu về kế hoạch kinh doanh các doanh nghiệp trong năm 2020, quá đó phản ánh tình hình và triển vọng nền kinh tế. Đã có 290 doanh nghiệp công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ (chiếm 13,6% vốn hóa thị trường). Trong đó, kế hoạch doanh thu của các doanh nghiệp này giảm nhẹ 0,05%, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 10,4% so với năm 2019.
Trên dữ liệu này, FiinGroup cho rằng có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành trong việc hoạch định kế hoạch kinh doanh.
Tiện ích (điện, nước, xăng dầu khí đốt) mặc dù xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên dự tính giá dầu 60 USD/thùng (cao hơn gần gấp đôi so với mức giá đang giao dịch trên sàn NYMEX) nhưng doanh thu và lợi nhuận kế hoạch của GAS (chiếm 45% vốn hóa của ngành và 5% vốn hóa sàn HOSE) giảm lần lượt 12,1% và 45% so với số thực hiện năm 2019 và do đó ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận chung của ngành này trong năm 2020.
Hàng cá nhân & gia dụng được FiinGroup cập nhật trong ngành này chủ yếu là nhóm doanh nghiệp may mặc vốn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự suy giảm về cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm do đại dịch COVID-19.
Thực phẩm & đồ uống là một trong năm nhóm ngành có kế hoạch kinh doanh khá lạc quan cho dù lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này trong quí I/2020 giảm 30,3% so với cùng kì.