Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp bảo hiểm sụt giảm mạnh trong quí I
Theo số liệu từ Cục Quản lí, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết tổng giá trị tài sản bảo hiểm tháng 3/2020 đạt 482,2 nghìn tỉ đồng, tăng 20,5% so với cùng kì năm 2019; tổng nguồn vốn chủ sở hữu đạt 105,7 nghìn tỉ đồng, tăng 28,2%.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 37,2 nghìn tỉ đồng, tăng 12,2%; chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 11,3 nghìn tỉ đồng, tăng 25,7%.
Tính đến hết quí I/2020, doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 398,5 nghìn tỉ đồng, tăng 22,8% so với cùng kì năm 2019.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong quí I/2020 với nhiều sản phẩm bảo hiểm phong phú đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 2.357 tỉ đồng (giảm 2% so với cùng kì năm trước). Trong đó, phí bảo hiểm thu xếp gốc ước đạt 1.605 tỉ đồng (giảm 4,2%), phí tái bảo hiểm thu xếp ước đạt 752 tỉ đồng (tăng 2,8%).
Còn theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quí I/2020 của 9 doanh nghiệp bảo hiểm, lợi nhuận sau thuế các công ty khảo sát đạt 462 tỉ đồng, giảm 51,1% so với cùng kì 2018.
Trong đó có 5 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng âm như Tập đoàn Bảo Việt (giảm 72%), PVI (giảm 61%), Bảo hiểm Bảo Minh (giảm 13%)…
Xét về con số tuyệt đối, mặc dù lãi sau thuế giảm mạnh 72% xuống 115 tỉ đồng nhưng Tập đoàn Bảo Việt vẫn là đơn vị dẫn đầu về con số lợi nhuận với thị phần dẫn đầu thị trường ở cả mảng nhân thọ và phi nhân thọ
Đáng chú ý, kết thúc quí I, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (OTC: HangKhong) bất ngờ ghi nhận lỗ ròng lên tới 35 tỉ đồng.
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tâm lí lo sợ trước dịch COVID-19 có thể khiến doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm du lịch và bảo hiểm hàng không giảm sút mạnh, có thể làm tăng trưởng phí bảo hiểm phi nhân thọ trở nên khó khăn.
Tính đến 31/3/2019, tổng tài sản của 9 công ty đạt gần 189.202 tỉ đồng, tăng 4,2% so với đầu năm.
1. Tập đoàn Bảo Việt lãi sau thuế 115 tỉ đồng
Trong kì này, doanh thu phí bảo hiểm thuần của Tập đoàn tăng 6,3% lên 7.730 tỉ đồng. Chi phí bồi thường bảo hiểm gốc và chi trả đáo hạn tăng nhẹ lên 3.232 tỉ đồng. Lợi nhuận gộp của hoạt động bảo hiểm ghi nhận âm 163 tỉ đồng. Lợi nhuận hoạt động tài chính giảm gần 5% xuống 1.279 tỉ đồng.
Trong khi đó, lợi nhuận từ công ty liên kết và đơn vị đồng kiểm soát tăng 5% lên 21 tỉ đồng, lợi nhuận khác giảm tăng từ 7 tỉ đồng lên 8 tỉ đồng.
Như vậy, trước ảnh hưởng bất lợi từ nền kinh tế, doanh thu phí bảo hiểm thuần của Tập đoàn Bảo Việt tăng 6,3%, lợi nhuận sau thuế giảm xuống 115 tỉ đồng.
Tính đến 31/3, tổng tài sản hợp nhất của Tập đoàn đạt 133.432 tỉ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm và vẫn là công ty có tổng tài sản lớn nhất trong ngành bảo hiểm.
Tập đoàn đã điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng giảm đầu tư dài hạn và tăng khoản đầu tư ngắn hạn.
Cụ thể, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng thêm hơn 10.600 tỉ đồng, tương đương tăng 17% lên 73.700 tỉ đồng và đầu tư tài chính dài hạn giảm gần 4.000 tỉ đồng, tiền và tương đương tiền giảm xuống 2.902 tỉ đồng.
2. CTCP PVI
Tại CTCP PVI, doanh thu thuần của công ty đạt 1.241 tỉ đồng, giảm 23,3% so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 61% xuống 94 tỉ đồng
Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của PVI đạt 22.03 tỉ đồng, tăng 2,3%. Đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 7.260 tỉ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, trong khi đó đầu tư tài chính dài hạn tăng mạnh từ 1.867 tỉ đồng lên 2.991 tỉ đồng.
3. Công ty Bảo hiểm Agribank
Lợi nhuận sau thuế quí I/2020 của Bảo hiểm Agribank là hơn 80 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kì năm trước.
Tổng tài sản của công ty tăng 4,3% lên 2.680 tỉ đồng. Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn ở mức 1.975 tỉ đồng, giảm 6% trong khi đó khoản mục đầu tư tài chính dài hạn giảm mạnh xuống 36 tỉ đồng.