Doanh nghiệp yêu cầu công nhân đóng bảo hiểm bằng cà phê
Nam công nhân ở xã Ia Yok, huyện Ia Grai, nhận giao khoán một ha cà phê của Công ty Ia Sao 1 hơn 10 năm. Các năm trước, ông đóng bảo hiểm 15-18 triệu đồng một năm. Nay công ty yêu cầu mỗi công nhân đóng 1,7 tấn cà phê (ước khoảng 43 triệu đồng) và 5 triệu đồng, cao hơn gấp đôi các năm trước.
Trong khi đó, nếu tính ở bậc lương cao nhất của công nhân bậc 6, mức đóng thực tế cho cơ quan bảo hiểm chỉ khoảng 30 triệu đồng mỗi người một năm.
Công nhân này cho hay nếu chăm sóc tốt, được mùa, mỗi vụ thu chừng 14-15 tấn một ha. Với cách đóng bảo hiểm bằng cà phê, sau khi trừ phân thuốc, tưới nước, công chăm sóc và đóng cho công ty, người lao động chẳng còn lại gì.
"Dù không hài lòng với mức thu trên, song nhiều người không dám phản ứng vì sợ bị làm khó, không được giao khoán các năm sau, mất việc làm", nam công nhân nói và cho rằng chính sách đóng bảo hiểm bằng cà phê mới có từ hai năm qua, khi giá cà phê tăng cao, từ 10-15 triệu đồng lên 25 triệu đồng mỗi tấn.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/14/crawl-20250214185315168.jpg)
Công nhân ở xã Ia Yok, huyện Ia Grai, thu hoạch cà phê. (Ảnh: Ngọc Oanh).
Theo tìm hiểu của VnExpress, hiện có hàng trăm công nhân nhận giao khoán rẫy cà phê từ Công ty Ia Sao 1 và Công ty 706. Họ sẽ chăm sóc, bón phân, tưới nước.... mỗi vụ đóng sản lượng 4 tấn cà phê tươi, số còn lại được hưởng. Công ty đứng ra đóng bảo hiểm xã hội thay công nhân và thu lại số tiền này vào cuối năm.
Tuy nhiên, hai năm gần đây, các công ty yêu cầu một công nhân đóng bảo hiểm bằng cà phê ở mức hơn 1,7 tấn năm. Ngoài ra, tùy bậc lương mà người lao động còn phải đóng thêm bằng tiền với mức 5-10 triệu đồng trên người.
Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó phòng Nông nghiệp, Công ty Cà phê Ia Sao 1, cho biết việc thay đổi phương án thu bảo hiểm đã trao đổi với người lao động, được Tổng Công ty cà phê Việt Nam chấp thuận trước khi áp dụng.
Lý do thay đổi phương án là do trước đây nhiều hộ nhận khoán không đóng tiền bảo hiểm dẫn tới nợ đọng kéo dài không thu hồi được. Việc quy sản lượng đóng bảo hiểm được tính trên giá thành sản xuất (khoảng 10.000 đồng/kg, nhưng thực tế giá thị trường khoảng 25.000 đồng). Sau khi đóng bảo hiểm, số tiền chênh lệch được nhập vào doanh thu của doanh nghiệp.
Ông Tráng cho hay khi tính phương án thu, công ty dựa trên giá thành bởi giá thị trường dao động tùy từng thời điểm không dự đoán được. Trường hợp giá thị trường thấp hơn giá thành, công ty sẽ bù vào để đóng bảo hiểm cho công nhân.
Một lãnh đạo Công ty cà phê 706 cũng nói phương án thu cà phê đã được cấp trên phê duyệt, khi xây dựng phương án đã cho người lao động học tập và thống nhất 100%.
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai, Công ty cà phê Ia Sao 1, mức thu bình quân trên mỗi lao động trong năm 2023 là khoảng 23,8 triệu đồng. Còn với Công ty cà phê 706, năm 2024, mức thu cho bậc lương thấp nhất là khoảng 17 triệu đồng một người, bậc cao nhất khoảng 30 triệu đồng một người.
Ông Mai Việt Hùng, Phó ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), cho biết Luật Bảo hiểm xã hội quy định cơ quan bảo hiểm xã hội phải thu bằng tiền và căn cứ vào tiền lương doanh nghiệp trả cho người lao động. Tỷ lệ đóng là 32% mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong đó doanh nghiệp đóng 21,5%, phần còn lại 10,5% của người lao động. Luật quy định, doanh nghiệp có trách nhiệm trích từ lương người lao động để đóng bảo hiểm và nộp cùng với phần của doanh nghiệp cho cơ quan BHXH
"Tất cả khoản này cơ quan bảo hiểm xã hội thu bằng tiền và doanh nghiệp đóng qua ngân hàng, kho bạc. Cơ quan bảo hiểm xã hội không thu bằng cà phê hay nông sản khác", ông Hùng nói. Theo ông, cơ quan này chưa từng ghi nhận nơi nào thu tiền bảo hiểm bằng hiện vật. Tuy nhiên, với trường hợp của Công ty cà phê Ia Sao 1 và Công ty cà phê 706 thu phần đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội của người lao động bằng cà phê thì cơ quan quản lý lao động cần xem xét thỏa thuận có phù hợp và đúng nguyện vọng của đôi bên.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho rằng Bộ luật Lao động 2019 cho phép một số ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, sản xuất theo mùa vụ mà chủ doanh nghiệp giao khoán với người lao động được phép có những thỏa thuận khác.
Theo ông Tùng, trường hợp của Công ty cà phê Ia Sao 1 và Công ty cà phê 706 cần xem xét mục 5 của hợp đồng lao động có thỏa thuận trích đóng bảo hiểm xã hội bằng sản lượng cà phê hay không và quy ra mức đóng cụ thể ra sao. Ví dụ mỗi mùa, với từng đấy diện tích, công nhân nhận khoán phải đóng bao nhiêu kg cà phê, tương đương mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao nhiêu... Việc thỏa thuận này được người lao động đồng ý và ký vào hợp đồng.
Trường hợp có thỏa thuận trích đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê nhưng thay đổi khối lượng, mức giá, doanh nghiệp thông tin, người lao động đồng ý mới thực hiện. Nếu doanh nghiệp thay đổi điều khoản, người lao động bị thiệt có thể khiếu nại đến cơ quan quản lý lao động địa phương.