|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ICO: Giá cà phê cao nhất trong gần 50 năm

07:13 | 13/02/2025
Chia sẻ
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 48 năm qua. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê toàn cầu sụt giảm nhẹ trong ba tháng đầu tiên của niên vụ 2024-2025.

Giá cà phê cao nhất trong gần 50 năm

Chỉ số giá cà phê toàn cầu (I-CIP) đạt trung bình 310,1 US cent/pound trong tháng 1, tăng 3,5% so với tháng trước và tăng đến 75,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức giá cao nhất ghi nhận được trong 48 năm qua, kể từ tháng 4 năm 1977.

Trong đó, giá của nhóm cà phê arabica Colombia và arabica khác cùng tăng 3,2% so với tháng trước, lần lượt đạt 351,9 US cent/pound và 354,5 US cent/pound. Giá cà phê arabica Brazil cũng tăng 3,7% lên 339,2 US cent/pound. Còn giá cà phê robusta tăng 3,6% và đạt 245,3 US cent/pound.

Đà tăng này được thúc đẩy bởi giá cà phê arabica trên sàn New York tăng 3,8%, lên mức trung bình 328,9 US cent/pound và giá cà phê robusta trên sàn London tăng 3,6%, đạt 234,3 US cent/pound.

Do sàn London tăng mạnh hơn sàn New York, nên chênh lệch giữa giá arabica và robusta đã nới rộng khoảng cách thêm 4,3% lên 94,6 US cent/pound trong tháng đầu năm, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 10/2022.

Diễn biến giá cà phê thế giới từ tháng 1/2023 đến tháng 1/2025 (ĐVT: US cent/pound)

Nguồn: ICO

Theo ICO, giá cà phê đã tăng trong suốt tháng qua do được hỗ trợ bởi một số yếu tố sau:

Giá nội địa cao và tiếp tục tăng tại Brazil, quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Từ ngày 20 đến 31/1, giá cà phê arabica và robusta tại Brazil lần lượt tăng 15,2% và 6,2%.

Ngày 24/1, Công ty cung ứng quốc gia Brazil (CONAB) đã cắt giảm 600.000 bao trong ước tính sản lượng cà phê niên vụ năm 2024-2025 của nước này.

Giá cà phê cũng chịu tác động bởi sự gia tăng bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu. Các chính sách thương mại quốc tế của chính quyền mới tại Mỹ có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu, bởi một số quốc gia sản xuất chính như Brazil, Ấn Độ và Indonesia, đang nằm trong diện xem xét.

Ngày 22/1, Yannis Stournaras, một nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho biết việc Mỹ rà soát lại môi trường thương mại có thể khiến ECB đẩy nhanh tốc độ cắt giảm lãi suất. Việc cắt giảm lãi suất chuẩn của châu Âu có thể làm tăng nhu cầu, đẩy giá cà phê tăng lên.

Lượng cà phê robusta được chứng nhận trên sàn London đã tăng 3,8% trong tháng 1, lên mức 0,76 triệu bao (loại 60 kg). Ngược lại, lượng cà phê arabica được chứng nhận giảm 11,7%, xuống còn 0,9 triệu bao.

Tồn kho cà phê trên hai sàn London và NewYork tính đến cuối tháng 1/2025

 Nguồn: ICO 

Xuất khẩu cà phê toàn cầu sụt giảm

Báo cáo của ICO cho biết, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 10,7 triệu bao trong tháng 12/2024, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung ba tháng đầu niên vụ 2024-2025 (tháng 10 đến tháng 12/2024), xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 0,8% so với niên vụ trước, xuống còn 32,2 triệu bao.

Thống kê cũng cho thấy, cà phê nhân xanh chiếm hơn 90% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 12 với khối lượng đạt 9,7 triệu bao, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ba trong bốn nhóm cà phê chính ghi nhận sự sụt giảm trong tháng vừa qua, với robusta giảm mạnh nhất

Cụ thể, xuất khẩu cà phê nhân xanh robusta đã giảm tới 19% so với cùng kỳ năm 2023, xuống chỉ còn 3,7 triệu bao trong tháng 12/2024. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất khẩu của Việt Nam giảm 39,5%, chỉ đạt 2 triệu bao. Tuy nhiên, sự sụt giảm phần nào được bù đắp bởi mức tăng 102,1% và 166,4% của Ấn Độ và Indonesia. Tổng xuất khẩu của hai nước này đạt hơn 0,6 triệu bao, so với 0,3 triệu bao của năm 2023.

Xuất khẩu cà phê nhân xanh arabica Brazil cũng ghi nhận mức giảm 11,3%, xuống còn 3,3 triệu bao. Đánh dấu sự sụt giảm lần đầu tiên kể từ tháng 9/2023, trong bối cảnh xuất khẩu của Brazil - nước sản xuất và xuất khẩu arabica lớn nhất thế giới, giảm 11,3%, xuống còn 2,8 triệu bao.

Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong ba tháng đầu niên vụ 2024-2025 (Tháng 10 đến tháng 12)

Nguồn: ICO

Ngoài ra, xuất khẩu nhóm cà phê arabica khác cũng giảm 12,3% trong tháng 12, xuống còn 1,3 triệu bao. Honduras, Papua New Guinea và Peru là tác nhân chính gây ra sự sụt giảm này, với tổng xuất khẩu giảm 34,2%, tương đương mức giảm ròng 0,27 triệu bao. Ngược lại, tổng xuất khẩu của bốn quốc gia Costa Rica, Guatemala, Mexico và Nicaragua tăng 40,9%, tương đương mức tăng ròng 0,11 triệu bao.

Trong khi đó, xuất khẩu nhóm cà phê arabica Colombia tăng mạnh 32%, đạt 1,4 triệu bao. Đây cũng là tháng tăng thứ 15 liên tiếp của nhóm cà phê này. Cả ba quốc gia sản xuất chính của nhóm cà phê này là Colombia, Kenya và Tanzania đều tăng mạnh trong tháng vừa qua, với Tanzania tăng 170,6%, Colombia tăng 0,24 triệu bao và Kenya tăng 143,4%.

Liên đoàn những người trồng cà phê Colombia (FNC) báo cáo rằng sản lượng cà phê của nước này đạt 14 triệu bao trong tháng 12/2024, tăng 47% so với tháng trước cao hơn 23,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Còn với Kenya, tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu đến từ mức nền thấp kỷ lục của năm 2023.

Ngoài cà phê nhân, xuất khẩu cà phê hòa tan cũng giảm 28,2% trong tháng 12, xuống còn 0,9 triệu bao. Tỷ trọng của cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê các loại trong niên vụ 2024-2025 đã giảm xuống mức 8,8% so với 9,6% của cùng kỳ niên vụ trước.

Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất trong tháng 12, với 0,42 triệu bao được vận chuyển.

Xuất khẩu cà phê rang cũng giảm mạnh 20,9% trong tháng 12, chỉ còn 54.546 bao.

Cơ cấu chủng loại cà phê xuất khẩu toàn cầu trong ba tháng đầu niên vụ 2024-2025 (tháng 10 đến tháng 12)

 Nguồn: ICO 

Xuất khẩu giảm ở châu Á và Nam Mỹ

Tháng 12/2024 chứng kiến lượng cà phê xuất khẩu từ khu vực châu Á và châu Đại Dương giảm 31,2% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 3,3 triệu bao. Chủ yếu là do xuất khẩu của Việt Nam giảm 39,5%, xuống còn 2,1 triệu bao – mức thấp nhất trong tháng 12 kể từ năm 2014.

Xuất khẩu của Việt Nam giảm hai chữ số có thể là do nguồn cung trong nước khan hiếm, mặc dù vụ thu hoạch 2024-2025 đã bắt đầu vào tháng 10. Theo ICO, thông thường sẽ có độ trễ bốn tháng giữa thời điểm bắt đầu thu hoạch và thời điểm cà phê đến các nước nhập khẩu. Điều này có nghĩa là khả năng tăng xuất khẩu có thể chưa được ghi nhận cho đến ít nhất là số liệu thương mại của tháng 2/2025

Xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ trong tháng 12 giảm 2,1%, xuống còn 5,6 triệu bao. Mức giảm nhẹ này chủ yếu do xuất khẩu của Brazil giảm 7,4%, nhưng được bù đắp bởi mức tăng 22,1% của Colombia. Theo đó, Brazil đã xuất khẩu 3,8 triệu bao cà phê trong tháng 12, trong khi Colombia xuất khẩu 1,3 triệu bao. Đối với Brazil, đây là lần đầu tiên xuất khẩu giảm sau 16 tháng, trong khi Colombia đã có chuỗi 14 tháng tăng trưởng liên tiếp.

Xuất khẩu của Peru tiếp tục giảm tháng thứ ba liên tiếp do tồn kho ở mức thấp, giảm 14%, xuống còn 0,4 triệu bao trong tháng 12.

Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong ba tháng đầu niên vụ 2024-2025 (tháng 10 đến tháng 12)

 Nguồn: ICO 

Ngược lại, xuất khẩu cà phê từ khu vực châu Phi tăng 8% trong tháng 12, đạt 1,2 triệu bao. Ethiopia, Kenya và Tanzania là ba động lực chính của sự tăng trưởng này, với tổng lượng xuất khẩu tăng 28%, đạt 0,67 triệu bao. Tuy nhiên, Bờ Biển Ngà, Guinea và Rwanda, ghi nhận tổng xuất khẩu giảm 69,1%, chỉ còn 0,05 triệu bao, so với 0,15 triệu bao cùng kỳ năm trước.

Tương tự, xuất khẩu cà phê các loại từ khu vực Trung Mỹ và Mexico tăng nhẹ 0,9% so với cùng kỳ, đạt 0,6 triệu bao trong tháng 12.

Costa Rica, Guatemala, Mexico và Nicaragua là động lực chính của khu vực, với tổng xuất khẩu tăng 33%, tương đương 0,12 triệu bao. Tuy nhiên, mức tăng trưởng chung của khu vực không cao do Honduras sụt giảm mạnh 59,5%, xuống chỉ còn 0,09 triệu bao.

Hoàng Hiệp