|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khó tiếp cận hơn 6 triệu tỷ đồng tại ngân hàng, doanh nghiệp cần giải pháp để 'hồi sức, cấp cứu'

17:08 | 01/08/2023
Chia sẻ
Trong khi nguồn tiền tại các ngân hàng dư thừa thì doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn. Vì vậy, các chuyên gia đề xuất cần tiếp tục hỗ trợ về lãi suất, đặc biệt chính sách đặc thù cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời cần khơi thông các nguồn lực tiềm tàng nhưng vẫn đang còn vướng ở một số thể chế, chính sách để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm cả nước có gần 132 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới quay trở lại hoạt động nhưng cũng có tới 113,3 nghìn doanh nghiệp. Như vậy,  cứ 10 doanh nghiệp thành lập mới thì có tới 8 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cho thấy bức tranh khó khăn của nền kinh tế.

So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 0,2% về số doanh nghiệp, giảm 17,1% về vốn đăng ký và giảm 5,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng năm 2023 đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Hơn 6 triệu tỷ đồng nằm ở hệ thống ngân hàng

 Nguồn: SSI.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, những con số trên thể hiện rõ sự khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho biết hiện đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe và tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng vẫn còn tồn tại.

Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng để tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn, giúp doanh nghiệp mau chóng phục hồi.

NHNN đã giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp nhằm tạo điều kiện cho các NHTM giảm thêm lãi suất cho vay với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành Thông tư số 02/TT-NHNN cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với những khách hàng gặp khó khăn.

Hay việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho toàn hệ thống các NHTM lên khoảng 14% đều là những cách tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp rất thiết thực và hiệu quả,...

Các NHTM, dưới sự chỉ đạo của NHNN, cũng đã và đang có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm mặt bằng lãi suất, đưa ra các gói tín dụng ưu đãi kích cầu, thủ tục vay cũng nhanh chóng hơn nhờ đẩy mạnh số hoá...

Mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp thiếu vốn nhưng tín dụng 6 tháng đầu năm tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Tính đến cuối tháng 5/2023, mặt bằng lãi suất huy động giảm 1 - 2%/năm so với cuối năm 2022, nhưng tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng thêm gần 400.000 tỷ đồng, đạt hơn 6,3 triệu tỷ đồng.

Doanh nghiệp cần "hồi sức, cấp cứu" để vượt qua khó khăn

Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. (Ảnh: NVCC).

Bình luận về nghịch lý doanh nghiệp thiếu vốn song dư nợ tín dụng lại rất thấp, tiền ế tại hệ thống ngân hàng, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp hiện rất khó tiếp cận tín dụng bởi không còn đủ năng lực, điều kiện vay vốn theo chuẩn ngân hàng.

"Thiếu vốn hiện đang là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp, thứ hai là thị trường, đầu ra do nhu cầu trên thế giới giảm xuất, nhiều ngành xuất khẩu đang giảm rất mạnh", ông Tuấn đánh giá.

Theo ông Tuấn, ngoài việc doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn thì còn một nguyên nhân khiến doanh nghiệp không mặn mà với chuyện đi vay là do lãi suất cao so với mặt bằng thế giới và khu vực trong bối cảnh nền kinh tế lãi suất cao thì bài toán kinh doanh, lợi nhuận sẽ không đảm bảo.

Lãi suất vẫn cao thì sẽ không giải quyết được bài toán của doanh nghiệp. Đặc biệt, chính sách tín dụng cũng chưa đủ mạnh để giúp cho họ vượt qua tình trạng thiếu vốn.

"Tôi cho rằng cần tiếp tục hỗ trợ về lãi suất, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn như hiện nay cần có những chính sách đặc thù cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, cần khơi thông các nguồn lực tiềm tàng nhưng vẫn đang còn vướng ở một số thể chế, chính sách giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt", Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.

Giải pháp quan trọng nhất cho thị trường hiện nay là tiếp tục tìm cách hạ lãi suất cho doanh nghiệp, bởi đây là chi phí vốn, chi phí sản xuất của doanh nghiệp nên cần tiếp tục giảm.

Thứ hai, cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, khi nền kinh tế ổn định và có triển vọng phục hồi thì doanh nghiệp có niềm tin để tiếp tục đầu tư kinh doanh, vay vốn, huy động các nguồn khác nhau để khôi phục sản xuất hoặc mở rộng ra các thị trường mới.

Thứ ba, về thể chế chính sách, Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng phải làm sao thuận lợi hoá hơn môi trường đầu tư kinh doanh.

Hiện nay, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn rất nhiều khó khăn vướng mắc khiến các doanh nghiệp hiện kiến nghị rất nhiều như quy định về phòng cháy, chữa cháy chưa phù hợp với điều kiện thực tế thì nên tạm hoãn để họ có thời gian chuẩn bị hay các quy định, phiền hà trong dịch vụ công, hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ,…ông Tuấn cho hay.

Kiến nghị tại một sự kiện mới đây, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cũng nhấn mạnh, những hỗ trợ về vốn trong lúc doanh nghiệp đang gặp khó khăn giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để tiếp tục phục hồi, duy trì mọi hoạt động đầu tư, tái thiết hệ thống sản xuất kinh doanh.

"Nguồn vốn ví như máu chảy trong cơ thể con người, máu lưu thông tốt thì cơ thể mới thực sự khoẻ mạnh và phát triển. Doanh nghiệp cũng vậy, nguồn vốn có lưu thông tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh của họ mới trơn tru, hiệu quả", ông Vân nói.

Chủ tịch HANSIBA cũng đề nghị điều hành chính sách tài khóa sẽ có thêm sự chủ động, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tiếp tục quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp ngành sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.

Qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra. Ngoài ra, chính sách tài khoá phối hợp với chính sách tiền tệ nhuần nhuyễn hơn để vừa kiểm soát lạm phát, vừa tạo thêm dư địa giảm lãi suất cho chính sách tiền tệ.

Ông Vân cũng cho rằng, điều doanh nghiệp cần hiện nay, bên cạnh hỗ trợ tiếp sức từ ngân hàng, là các chính sách hỗ trợ thúc đẩy cung ứng hàng hoá, sản phẩm. Đặc biệt với những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ thì cần nhiều hơn nữa sự quan tâm về cơ chế chính sách, hạ tầng đất đai sản xuất, công nghệ mới,…

 

 

Hạ An