|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng 'đen'

20:43 | 26/03/2023
Chia sẻ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng cung ứng vốn của tổ chức tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: TTXVN)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng cung ứng vốn của tổ chức tín dụng, cũng như khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân, đặc biệt là phục vụ các nhu cầu vay vốn tiêu dùng chính đáng, nhu cầu vốn của người nghèo, người lao động thu nhập thấp, góp phần hạn chế tín dụng "đen".

Đây là trả lời của người đứng đầu ngành ngân hàng khi cử tri tỉnh Đồng Nai kiến nghị việc các ngân hàng cho vay vốn ngắn hạn cần hỗ trợ người dân đáo hạn vay trở lại, tránh để người dân phải vay tín dụng "đen" với lãi suất cao.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận, phù hợp với quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và pháp luật khác liên quan.

Theo đó, trường hợp khi đến hạn khách hàng không có khả năng trả nợ, tổ chức tín dụng xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng có quyền miễn, giảm lãi tiền vay, phí cho khách hàng theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng cung ứng vốn của tổ chức tín dụng, cũng như khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân, đặc biệt là phục vụ các nhu cầu vay vốn tiêu dùng chính đáng, nhu cầu vốn của người nghèo, người lao động thu nhập thấp, góp phần hạn chế tín dụng "đen”.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp; điều hành tín dụng đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước trriển khai tài chính toàn diện với mục tiêu nhằm tăng khả năng tiếp cận tài chính tới mọi người dân và doanh nghiệp; phát triển mạng lưới tổ chức tín dụng, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân.

Đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, người không có tài sản bảo đảm, người lao động có thu nhập thấp, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai 26 chương trình tín dụng chính sách để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng chính đáng và trang trải chi phí sinh hoạt, chi phí việc làm với lãi suất ưu đãi (chỉ từ 0- 9%/năm, thấp hơn so với lãi suất cho vay thương mại của các ngân hàng thương mại, công ty tài chính) và không cần tài sản bảo đảm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách để giảm lãi suất cho vay đối với các chương trình tín dụng chính sách.

Thùy Dương