|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hỗ trợ doanh nghiệp đang dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ, cần giảm thuế, phí nhiều hơn

10:14 | 01/09/2023
Chia sẻ
Theo TS. Trần Toàn Thắng, ngoài việc duy trì lãi suất thấp, cần tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tốt hơn thì mới tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Mức lãi suất cho vay hiện nay còn cơ hội để giảm tiếp bởi dù gọi là thấp nhưng vẫn cao so với giai đoạn trước và vẫn là chi phí tương đối lớn của doanh nghiệp.

Bàn về câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy nền tăng trưởng trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn tại Hội thảo Đánh giá 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) diễn ra sáng 31/8, các chuyên gia cho rằng, thúc đẩy nền kinh tế hiện nay đang dựa nhiều vào chính sách tiền tệ mà chưa có những chính sách tài khoá xứng tầm.

Dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ

Hội thảo Đánh giá 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500). (Ảnh: Hạ An).

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho hay,  Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, việc dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ lại gây tình trạng kém hiệu quả.

Hiện tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức rất thấp chỉ khoảng 4,6%, thậm chí trong tháng 7, tăng trưởng tín dụng còn ở mức âm cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp.

Vì vậy, theo TS. Thắng, ngoài việc duy trì lãi suất thấp, cần tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tốt hơn thì mới tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Mức lãi suất cho vay hiện nay còn cơ hội để giảm tiếp bởi dù gọi là thấp nhưng vẫn cao so với giai đoạn trước và vẫn là chi phí tương đối lớn của doanh nghiệp. 

Phát biểu tại một sự kiện mới đây, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, hiện lãi suất tiền gửi đã giảm khá tích cực nhưng lãi suất cho vay vẫn còn dư địa giảm tiếp.

Nguyên nhân là do có độ trễ về chính sách, các ngân hàng vừa huy động lãi suất tiền gửi ở mức rất cao nên lãi suất cho vay chưa thể giảm ngay. Bên cạnh đó, nợ xấu cũng có rủi ro gia tăng nên các ngân hàng phải giữ cho vay ở mức tương đối.

Một điểm nữa là cung tiền (M2) hiện nay vẫn đang rất thấp. Thông thường, cung tiền phải ngang bằng với GDP danh nghĩa tức là GDP tính theo giá hiện hành, nghĩa là phải đạt khoảng 7% nhưng hiện cung tiền thực tế mới chỉ tăng chưa tới 3%.

Vòng quay tiền mấy năm gần đây cũng tương đối chậm, hiện ở mức 0,64 vòng/năm thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình 2,3-2,5 vòng, dẫn đến thanh khoản cả thị trường ảm đạm. Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa đánh giá, tăng cung tiền, giảm lãi suất vẫn là giải pháp quan trọng để phục hồi kinh tế.

Cần thay đổi tư duy trong thiết kế chính sách hỗ trợ

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển. (Ảnh: Hạ An).

Nói thêm về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp,TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển cho biết, từ đầu năm đến nay, môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp có những cơn gió xuôi và cả những cơn gió ngược.

Đầu tiên là chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có chiều hướng giảm đi bởi những câu chuyện về tỷ giá, lãi suất đang giảm, hỗ trợ khá nhiều cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những cơn gió ngược như cầu xuất khẩu giảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp không trực tiếp xuất khẩu.

Trong bức tranh kinh tế vĩ mô 8 tháng vừa qua, yếu tố tiêu cực tác động nhiều đến nền kinh tế, kỳ vọng trong 4 tháng cuối năm, nền kinh tế có thể phục hồi do các tín hiệu từ bên ngoài đã có sự tích cực, lạm phát của các nước bên ngoài đã giảm đi, kỳ vọng cầu tiêu dùng tăng lên.

Ở trong nước, trong bối cảnh sức khoẻ doanh nghiệp yếu thì việc sử dụng vốn đầu tư công để thúc đẩy cơ sở hạ tầng tạo sức lan toả cho các lĩnh vực khác. Hạ tầng giao thông sẽ là yếu tố thúc đẩy logistics, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Trụ cột nền kinh tế được trông đợi vào giải ngân vốn đầu tư công tuy nhiên, để tạo động lực cho tăng trưởng cần tập trung cả vào kích cầu.

Ngay từ thời kỳ COVID-19, chúng tôi đã kiến nghị cần có những chính sách kích thích cho các doanh nghiệp, kích cầu cho nền kinh tế. Song hiện nay, hỗ trợ cho nền kinh tế đang tập trung nhiều vào chính sách tiền tệ mà chưa có chính sách tài khoá xứng tầm.

“Muốn kích cầu thì cần tập trung vào chính sách tài khoá, thuế VAT hoàn toàn có thể giảm 5% chứ không phải là 2%, tạo đột phá cho thị trường, kích thích tiêu dùng”, ông Thắng nói. 

Một điểm nữa là việc thiết kế chính sách hiện đang theo hướng phải xác định được đối tượng thụ hưởng của chính sách sau đó mới bắt đầu giải ngân, tuy nhiên, quá trình này mất rất nhiều thời gian. Do đó, cần có những đột biến trong cách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thì mới thúc đẩy được nền kinh tế, ông Thắng cho hay.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hạ An