|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Mỹ sợ COVID-19 hơn nhiều so với khủng hoảng 2008

14:06 | 07/05/2020
Chia sẻ
Lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ đang phải gồng mình chuẩn bị đón nhận những đòn tấn công kinh tế mới của COVID-19. Những lo ngại về tài chính khiến cho ngày càng nhiều doanh nghiệp quyết định cắt giảm chi tiêu cho đầu tư và tiền lương để tiết kiệm tiền mặt.
Nghiên cứu của Fed cho thấy doanh nghiệp Mỹ sợ khủng hoảng COVID-19 hơn cả suy thoái 2008 - Ảnh 1.

Doanh nghiệp Mỹ đang chuẩn bị để đón nhận tương lai ảm đạm phía trước. Ảnh: Bloomberg

Các nhà nghiên cứu thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sử dụng một chương trình đọc máy cao cấp (machine-reading) để sàng lọc hơn 600 cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh trong tháng trước. Mục tiêu của nghiên cứu là tìm hiểu rõ hơn cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra.

Theo kết luận của hai nhà kinh tế Andrew Y. Chen và Jie Yang, có khoảng 42% doanh nghiệp đại chúng phi tài chính thảo luận về việc cắt giảm đầu tư, 27% nói về việc thanh toán lương bằng cổ phiếu, và 17% doanh nghiệp tập trung vay theo hạn mức tín dụng.

Để so sánh, trong đỉnh điểm cuộc suy thoái 2008, các con số này lần lượt là 25%, 11% và 7%.

Hai nhà kinh tế của Fed tổng hợp số lần các lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp sử dụng từ ngữ thể hiện sự lo ngại về tình hình tài chính; nhằm tìm ra manh mối về những gì sẽ xảy ra tiếp theo trong cuộc khủng hoảng COVID-19. 

Nghiên cứu của Fed cho thấy doanh nghiệp Mỹ sợ khủng hoảng COVID-19 hơn cả suy thoái 2008 - Ảnh 2.

Hai ông Andrew Y. Chen và Jie Yang viết: "Sự gia tăng mạnh mẽ tỉ lệ các công ty thực hiện những hành động này cho thấy những lo ngại về tài chính trong đại dịch COVID-19 còn nghiêm trọng hơn thời kì 2008".

Hai ông cũng cho biết dựa theo xu hướng hồi năm 2008, tâm lí của giới lãnh đạo danh nghiệp sẽ không bình thường trở lại trong vòng một năm.

Kết quả nghiên cứu của Fed cho thấy doanh nghiệp Mỹ đang phải hứng chịu áp lực cực kì lớn từ khủng hoảng COVID-19. Các nhà kinh tế dự kiến suy thoái do COVID-19 gây ra sẽ là cú lao dốc nặng nhất của nền kinh tế trong một thế kỉ.

So với năm 2008, các dấu hiệu cho thấy hệ thống ngân hàng đang phải chịu căng thẳng trong giai đoạn hiện nay là khá ít. Tuy nhiên, các vụ phá sản của doanh nghiệp đang diễn ra với tốc độ nhanh đến mức sắp vượt qua cuộc suy thoái gần nhất.

Các doanh nghiệp Mỹ đang phải quay cuồng vật lộn với tình trạng nhu cầu sụp đổ, nguồn cung bị gián đoạn, cũng như sự không chắc chắn về thời điểm những nền kinh tế lớn mở cửa trở lại.

Tình cảnh này trái ngược với sự phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số S&P 500 đã tăng 25% so mức đáy hồi tháng 3, nhờ vào sự lạc quan của nhà đầu tư về triển vọng hồi phục kinh tế. 

Nhiều người hi vọng rằng các biện pháp kích thích với qui mô lớn nhất trong lịch sử của chính phủ, cùng với việc tình hình dịch bệnh lắng xuống sẽ trợ giúp cho nền kinh tế. 

Giá của hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) và mức phí mà những con nợ rủi ro nhất phải trả cũng đã giảm xuống.

Tính từ đầu năm, hợp đồng tương lai cổ tức chỉ số S&P 500 đáo hạn năm 2021 đã lao dốc 29%. Trong cùng giai đoạn, chỉ số S&P 500 chỉ giảm 11%.

Hợp đồng tương lai cổ tức là loại hợp đồng phái sinh cho phép nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua hoặc vị thế bán đối với lượng cổ tức mà một công ty chi trả cho cổ đông. 

Giang

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.