Đại dịch đến rồi đi, nhưng nhịp điệu kinh tế bình thường sẽ không bao giờ quay trở lại
Bánh xe kinh tế đứng khựng lại vì đại dịch
Khi các biện pháp phong tỏa bắt đầu được áp dụng trên thế giới, điều đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến là tìm những sự kiện lịch sử có nét tương tự để dự đoán xem điều gì có thể xảy ra tiếp theo.
Tuy nhiên sau vài tuần, một thực tế rõ ràng hiện ra là cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay không có tiền lệ tương đương. Cuộc khủng hoảng 2008 hay 1929 bắt nguồn thuần túy từ các nguyên nhân kinh tế, cú sốc năm 1941 xảy ra do chiến tranh, dịch SARS không lan rộng bằng và chủ yếu gây thiệt hại cho Trung Quốc, …
Do hoạt động kinh tế bị đình trệ vì các biện pháp kiểm soát COVID-19, các chuyên gia đa phần đều dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ suy giảm 25-30% trong quí II/2020, tỉ lệ thất nghiệp có thể vọt lên tới 30-50%. Sau đó tăng trưởng GDP có hồi phục ngay hay không và chuyển động theo hình chữ V, U hay L thì vẫn còn là chủ đề gây nhiều tranh cãi.
Trong cuộc Đại Khủng hoảng 1929-1933, kinh tế Mỹ cũng lao dốc 30%, tỉ lệ thất nghiệp lúc cao nhất là 25% nhưng quá trình diễn ra dần dần trong vòng 4 năm. Sự suy sụp hiện nay xảy ra chỉ trong vòng vài tháng. Lịch sử chưa bao giờ chứng kiến một cú sốc mạnh và đột ngột như thế này.
Khoảng đầu tháng 3, tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ chỉ khoảng 3,5% - gần mức thấp nhất 50 năm. Thế rồi trong 3 tuần liên tiếp gần đây, Mỹ ghi nhận 3,3 triệu, rồi 6,9 triệu rồi 6,6 triệu người xin trợ cấp thất nghiệp.
Nói cách khác, chỉ trong vòng ba tuần đã có gần 17 triệu người mất việc làm. Tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ giờ đây có lẽ đã lên tới khoảng 13-15%. Dự báo tỉ lệ thất nghiệp 30% mà một số chuyên gia đưa ra ban đầu còn bị cho là quá không tưởng thì giờ đây tỏ ra hoàn toàn trong tầm với.
Các biện pháp phong tỏa vì COVID-19 trực tiếp ảnh hưởng các ngành dịch vụ như bán lẻ, giáo dục, giải trí, nhà hàng, bất động sản – những ngành sử dụng 80% lực lượng lao động Mỹ. Do vậy, tác động của đại dịch tới nền kinh tế xảy đến ngay lập tức và vô cùng khốc liệt.
Đối với lĩnh vực bán lẻ vốn đã bị cạnh tranh gay gắt bởi thương mại điện tử, các lệnh đóng cửa tạm thời có lẽ sẽ là "đòn kết liễu". Nhiều cửa hàng đóng cửa từ đầu tháng 3 sẽ không bao giờ mở cửa trở lại, nhiều việc làm sẽ biến mất hoàn toàn, hàng triệu người dân Mỹ và gia đình sẽ gặp muôn vàn khó khăn.
Cú sốc kinh tế này không chỉ ập đến riêng nước Mỹ. Nhiều nền kinh tế châu Âu đã phải trợ cấp tiền lương để các doanh nghiệp không sa thải nhân công. Chính sách này có thể làm chậm đà tăng trong số liệu thất nghiệp, tuy nhiên sự sụp đổ trong hoạt động kinh tế thì không thể che giấu được.
Phía bắc Italy – khu vực dịch COVID-19 hoành hành dữ dội nhất - không chỉ là một khu du lịch cao cấp mà còn đóng góp 50% vào GDP của nước này. GDP của Đức được dự báo sẽ còn giảm mạnh hơn cả Mỹ do sự phụ thuộc của nước này vào hoạt động xuất khẩu.
Dự báo mới nhất từ OECD – tổ chức gồm 28 thành viên là các quốc gia công nghiệp phát triển – cho thấy một bức tranh u ám bao trùm. Bị thiệt hại nặng nề nhất có lẽ sẽ là Nhật Bản.
Trung Quốc là nước đầu tiên thực hiện phong tỏa trên diện rộng, bắt đầu từ ngày 23/1 ở tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Báo cáo chính thức mới nhất cho biết tỉ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đang ở 6,2% - mức cao nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được thống kê trong thập niên 1990.
Tuy nhiên theo tờ Foreign Policy, tình hình thực tế còn bi đát hơn rất nhiều, có thể có tới 205 triệu lao động di cư đang mất việc làm, tương đương hơn 1/4 lực lượng lao động Trung Quốc.
Một đất nước tỉ dân khác là Ấn Độ cũng đã ra lệnh phong tỏa đất nước từ 25/3 đến 3/5, cảnh sát cầm gậy ra đường và đánh phạt bất kì ai không đeo khẩu trang hay không giữ khoảng cách xã hội.
Trong lực lượng lao động 471 triệu người của Ấn Độ, chỉ có 19% có phúc lợi an sinh xã hội, 2/3 không có hợp đồng lao động chính thức và ít nhất 100 triệu người là lao động di cư. Nhiều người đã lên đường về quê và không dễ gì quay lại nơi làm việc trong bối cảnh phong tỏa hiện nay.
Thiệt hại kinh tế từ những chính sách ứng phó dịch bệnh này sẽ lớn đến đâu? Không ai có một đáp án chắc chắn nhưng nhiều khả năng đây sẽ là năm đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ 2, các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trưởng âm. Cả một mô hình phát triển kinh tế toàn cầu bỗng chốc đứng khựng lại vì đại dịch.
Hỏa lực giải cứu chưa đủ mạnh
Các chính sách được thực thi nhằm hạn chế thiệt hại cũng thuộc vào loại chưa từng có tiền lệ. Tại Mỹ, gói cứu trợ 2.200 tỉ USD mà quốc hội Mỹ thông qua hồi cuối tháng 3 có qui mô lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Chính phủ ở khắp nơi trên thế giới đang đồng loạt mở hầu bao để kích thích kinh tế.
Tại Việt Nam, chính phủ cũng đã công bố gói hỗ trợ 180.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp và 62.000 tỉ đồng cho người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Tại Đức – một quốc gia vốn được coi là chi tiêu tằn tiện, chính phủ cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và gỡ bỏ trần nợ công. Các doah nghiệp được chính phủ hỗ trợ ngân sách trả lương nhân viên, qua đó giảm thiểu việc sa thải.
Tại Anh, Ngân hàng trung ương Anh sẽ in tiền và trực tiếp bơm cho chính phủ chi tiêu chứ không thông qua thị trường trái phiếu như trước.
Nhìn chung, người dân khắp nơi đang chứng kiến các gói hỗ trợ kinh tế khủng nhất kể từ Thế chiến thứ 2, tác dụng của các biện pháp này sẽ dần lộ diện trong những tuần và tháng tới nhưng nhiều khả năng loạt đạn đầu tiên này vẫn "chưa đủ đô".
Nhiệm vụ cấp bách vào lúc này là làm sao để ngăn sự giảm tốc kinh tế biến thành một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Nhiều nhà phân tích cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dưới thời ông Powell đang làm theo sách vở viết ra từ năm 2008. Thực tế đúng là như vậy, gần như hàng ngày Fed đều tung ra những gói hỗ trợ mới để cứu giúp từng ngóc ngách của thị trường tài chính.
Sự khác biệt giữa thời điểm hiện nay và 12 năm trước là qui mô khổng lồ của các chính sách mà Fed thực thi. Hồi cuối tháng 3, cứ mỗi ngày Fed của ông Powell lại chi ra 90 tỉ USD để mua lại trái phiếu các loại, nhiều hơn giá trị mua vào trong cả tháng dưới thời Chủ tịch Ben Bernanke năm 2008. Mỗi giây, Fed lại bơm gần 1 triệu USD ra thị trường.
Sáng ngày 9/4, cùng lúc với số liệu 6,6 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp được công bố, Fed tung ra chương trình mua lại chứng khoán trị giá 2.300 tỉ USD. Động thái quyết liệt này dường như đã cân bằng được một phần những thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra, tạo tâm lí tích cực cho nhà đầu tư. Kết phiên 9/4, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ tăng gần 1,5%.
Tuy nhiên giờ đây nền kinh tế Mỹ lại phải đương đầu với tình trạng sụt giảm tiêu dùng và đầu tư kéo dài. Khoảng 73% số hộ gia đình Mỹ có thu nhập giảm sút trong tháng 3, đồng nghĩa với việc nhiều người không thể trang trải những chi tiêu tối thiểu, không trả được nợ ngân hàng, rơi vào cảnh phá sản. Tỉ lệ nợ xấu của hệ thống tài chính do vậy cũng sẽ tăng cao.
Những chi tiêu không thiết yếu sẽ bị cắt giảm. Tại châu Âu, doanh số bán xăng đã sụt tới 88%. Các hãng sản xuất xe hơi khắp Á – Âu đều đang ngồi trên đống hàng tồn kho siêu to khổng lồ.
Phong tỏa đất nước càng lâu, thiệt hại với nền kinh tế càng lớn và quá trình hồi phục càng chậm chạp. Tại Trung Quốc, các hoạt động kinh tế đang dần được nối lại, nhưng vì nguy cơ bùng phát dịch đợt 2 và đợt 3, không ai biết khi nào cuộc sống mới có thể trở lại bình thường.
Nếu không có đột phá về y học như một loại vắc xin hiệu quả hay một loại thuốc đặc trị, nhiều khả năng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ được áp dụng trong thời gian dài để kiểm soát dịch bệnh. Diễn biến nền kinh tế do đó sẽ không nhanh chóng đi lên theo hình chữ V mà nhiều khả năng sẽ kéo dài theo hình chữ U hoặc chữ L.
Dọn dẹp bãi chiến trường
Kể cả sau khi hoạt động sản xuất và tiêu dùng được khởi động lại, các nền kinh tế sẽ lại phải lo dọn dẹp những hệ quả về tài chính. Trong tình huống nguy cấp, tất cả mọi người đều đồng ý bơm tiền trước, nói chuyện sau.
Thực tế là hiện nay nợ công thế giới đang ghi nhận đà tăng sốc nhất kể từ Thế chiến thứ 2. Số nợ này tạm thời đang nằm trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương, các NHTW này cũng có thể giữ lãi suất ở mức thấp, giúp giảm thiểu chi phí vay. Nhưng rồi những khoản vay này sẽ phải được trả lại, thông qua tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu công.
Một khả năng khác là ngọn lửa lạm phát sẽ bùng lên, hoặc là sự vỡ nợ qui mô quốc gia. Một số chuyên gia đã đề xuất rằng thay vì chính phủ vay qua phát hành trái phiếu còn NHTW bơm tiền qua hệ thống ngân hàng để các định chế tài chính mua trái phiếu thì NHTW có thể trực tiếp rót tiền cho chính phủ, bỏ qua bước trung gian.
Đây chính là điều mà Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) làm kể từ ngày 9/4 vừa qua: BoE sẽ in tiền và chuyển cho chính phủ Anh chi tiêu. Việc chính sách này được các chính trị gia bảo thủ như đảng cầm quyền ở Anh thực thi cho thấy tình thế hiện nay cấp thiết đến mức nào.
Thị trường tài chính cũng không có phản ứng gì dữ dội về quyết định in tiền hiếm gặp này và chỉ coi nó như việc đương nhiên phải làm.
Tương tự tại Mỹ, gói cứu trợ 2.200 tỉ USD lớn chưa từng thấy trong lịch sử cũng được cả hai đảng thông qua với tốc độ nhanh kỉ lục. Fed thì bơm hàng nghìn tỉ USD vào hệ thống tài chính mà không bị ai chỉ trích về "rủi ro đạo đức".
Tâm lí đồng lòng châp nhận này là rất có lợi trong lúc toàn quốc đoàn kết chống dịch. Tuy nhiên một khi căng thẳng lắng dịu, tranh chấp chính trị sẽ nổi lên với những lập luận gay gắt về "gánh nặng nợ nần" hay "sự bền vững tài khóa".
Nhìn vào qui mô khổng lồ của các gói hỗ trợ trong thời gian qua, tình hình tương lai sẽ không lấy gì làm sáng sủa. Liệu chính phủ các nước sẽ giải quyết đống nợ công tích lũy trong đại dịch như thế nào? Bằng cách kiêng khem, khắc khổ như Hy Lạp ư?